Tôm hùm và mục tiêu 8.000 tỷ đồng vào năm 2030

Chưa có đánh giá về bài viết

Con số này vừa được Tổng cục Thủy sản đưa ra tại Hội thảo “Quy hoạch phát triển nuôi tôm hùm vùng ven biển miền Trung đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” ngày 26/10 tại Khánh Hòa vừa qua.

Ổn định, bền vững

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản cho biết: Theo định hướng chung, nghề nuôi tôm hùm khu vực miền Trung đến 2020 phát triển ổn định, bền vững; đến 2030 hiện đại hóa bằng công nghệ nuôi mới, sản xuất thành công giống nhân tạo; sản xuất được thức ăn gia công nuôi tôm hùm lồng và thức ăn công nghiệp nuôi công nghệ cao trên bờ… Nghề nuôi tôm trở thành ngành sản xuất hàng hóa lớn, có cơ cấu và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và đủ khả năng cạnh tranh, hội nhập kinh tế quốc tế…

Mục tiêu đến năm 2020, tổng sản lượng tôm hùm nuôi lồng đạt khoảng 2.000 tấn/năm, giá trị hàng hóa đạt 3.200 tỷ đồng, 50% lao động nuôi tôm hùm được đào tạo, tập huấn cấp chứng chỉ. Thu nhập bình quân của lao động cao gấp 2 lần hiện nay. Đến năm 2030, tổng sản lượng tôm hùm khoảng 5.200 tấn; trong đó, sản lượng do nuôi lồng trong vũng vịnh là 2.000 tấn, đặc biệt chú trọng nuôi bằng công nghệ RAS (trong hệ thống trên bờ ứng dụng công nghệ tuần hoàn nước) với khoảng 2.900 tấn. Giá trị hàng hóa tôm hùm thương phẩm đạt 8.000 tỷ đồng. Nghề nuôi tôm hùm sản xuất được 5 triệu con giống nhân tạo đảm bảo đủ về chất lượng đáp ứng cho nuôi thương phẩm. Sản xuất được thức ăn gia công từ các sản phẩm khai thác và sản phẩm tự chế; sản xuất được thức ăn công nghiệp phục vụ ương giống và nuôi thương phẩm. Bên cạnh đó, khoảng 80% lao động nuôi tôm hùm được đào tạo, tập huấn cấp chứng chỉ. Thu nhập bình quân của lao động cao gấp 3 lần hiện nay.

Tôm hùm 8.000 tỷ đồng năm 2030

Mục tiêu đến năm 2020, tổng sản lượng tôm hùm nuôi lồng đạt khoảng 2.000 tấn/năm – Ảnh: Phạm Ngọc Chung

 

Cả cộng đồng cần vào cuộc

Ông Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, sau khi quy hoạch phát triển nuôi tôm hùm được phê duyệt cần khẩn trương tiến hành phổ biến rộng rãi cho các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố và người dân. Sau đó, đôn đốc các tỉnh rà soát quy hoạch của địa phương phù hợp với quy hoạch tổng thể; đồng thời huy động vốn để quy hoạch chi tiết cho các vùng nuôi trọng điểm; khẩn trương xây dựng các dự án khả thi để trình các cấp phê duyệt.

Để Quy hoạch đúng định hướng, Hội thảo đi sâu về các giải pháp thực hiện. Về tổ chức sản xuất, Tổng cục Thủy sản phối hợp với các Sở NN&PTNT, các viện, trường, các hiệp hội và đoàn thể, các doanh nghiệp và cá nhân tham gia vào hoạt động quản lý, sản xuất, dịch vụ và tiêu thụ sản phẩm. Bộ NN&PTNT ban hành các văn bản liên quan đến khai thác; lưu giữ, vận chuyển tôm giống, đăng ký ương, nuôi; quản lý hoạt động ương giống, nuôi thương phẩm, chế biến, tiêu thụ sản phẩm làm cơ sở cho công tác quản lý…

Tại Hội nghị, nhiều đại biểu đề xuất giải pháp chính sách, đặc biệt việc hỗ trợ kinh phí tập huấn, cấp chứng chỉ nuôi trồng thủy sản, nuôi tôm hùm cho các lao động thuộc hộ nghèo, hải đảo. Mức vay, thời hạn vay và lãi suất phải phù hợp, đủ để đầu tư nhằm thu hút người nuôi. Phải có chính sách giao đất, mặt nước trong thời gian dài…

Hầu hết các đại biểu cũng cho rằng, hiện tại nghề nuôi tôm hùm chưa chủ động sản xuất được con giống, chưa nuôi ở trình độ công nghệ cao. Công tác nghiên cứu khoa học thiên về ứng dụng, do đó giải quyết các vấn đề chưa kịp thời, thiếu thông tin. Thông tin về bệnh còn nhiều hạn chế, đã có các quy định về kỹ thuật nuôi tôm hùm nhưng chưa đạt chuẩn về an toàn thực phẩm, khó truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Do vậy, thời gian tới xem khoa học công nghệ là nền tảng để phát triển nghề nuôi tôm hùm. Bên cạnh đó, cần chú trọng đến các giải pháp về môi trường và bảo vệ nguồn lợi. Bởi nuôi tôm hùm truyền thống trong lồng biển tiềm ẩn gây ô nhiễm môi trường sinh thái; làm ảnh hưởng đến môi trường cảnh quan. Việc cần thiết là thành lập hệ thống thu gom xử lý rác thải; quy định thiết kế hệ thống nhà bè; phân vùng neo đậu lồng nuôi theo quy chuẩn hướng VietGAP; từng bước chuyển đổi từ nuôi lồng biển lên nuôi trên bờ, sử dụng thức ăn công nghiệp để giảm áp lực cho những vùng nuôi đã tới hạn sức tải môi trường…

Điểm quan trọng được đưa ra là giải pháp về thị trường và xúc tiến thương mại như sản xuất sản phẩm tôm hùm theo quy định VietGAP đảm bảo an toàn thực phẩm; đăng ký và tạo thương hiệu tôm hùm Việt Nam;phát triển tôm hùm xanh, tôm hùm đỏ là các đối tượng cỡ tôm nhỏ hơn, giá thấp hơn so với tôm hùm bông giúp kích thích nhu cầu tiêu dùng trong nước…

 

Quang Đức

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!