CN, 17/03/2024 08:28

Trà Vinh: Bàn giải pháp thúc đẩy phát triển ngành tôm nước lợ

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Ngày 15/3, Sở NN&PTNT tỉnh Trà Vinh phối hợp UBND thị xã Duyên Hải tổ chức Hội thảo “Giải pháp thúc đẩy phát triển ngành tôm nước lợ tỉnh Trà Vinh”; thu hút sự tham dự của hơn 200 đại biểu là lãnh đạo các sở, ngành tỉnh, đại diện các tổ chức sản xuất, kinh doanh giống tôm, thuốc, thức ăn, chế biến lĩnh vực thủy sản và đông đảo nông dân có diện tích nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh. Ông Trần Công Khôi, Trưởng phòng Giống và Thức ăn thủy sản, Cục Thủy sản tham dự và phát biểu tại Hội thảo.

Quang cảnh Hội nghị

Với 65 km đường bờ biển, tỉnh Trà Vinh có nhiều tiềm năng và thế mạnh phát triển nghề NTTS; trong đó, nuôi tôm nước lợ được xác định là ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Theo thống kê, trong 5 năm (2019 – 2023), diện tích, sản lượng và giá trị sản lượng nuôi tôm nước lợ của tỉnh Trà Vinh luôn phát triển. Năm 2019, diện tích thả nuôi tôm nước lợ 28.230 ha (nuôi sú trên 20.400 ha, chiếm 72,3% và TTCT trên 7.800 ha, chiếm 27,7%), chiếm 55,6% diện tích thả nuôi của tỉnh (50.741 ha). Năm 2023 diện tích nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng (TTTC) của tỉnh Trà Vinh đạt 31.650 ha, giá trị sản xuất đạt 7.359 tỷ đồng. Diện tích nuôi đứng thứ 6, năng suất đứng thứ 3, sản lượng đứng thứ 5 các tỉnh khu vực ĐBSCL. Diện tích nuôi tôm thâm canh mật độ cao từ 440 ha năm 2019 tăng lên trên 1.070 ha năm 2023. Hai tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh có 9.588 lượt hộ thả nuôi tôm nước lợ trên diện tích 8.811 ha; với 1,58 tỷ con giống. Trong đó, 5.287 lượt hộ thả nuôi tôm sú trên diện tích 6.794 ha (giảm 2.934 ha so với cùng kỳ), đạt 28,9% so với kế hoạch, với 269,4 triệu con giống; TTCT có 4.301 lượt hộ thả nuôi trên diện tích 2.017ha (tăng 327 ha), đạt 26,2% kế hoạch, với 1,32 tỷ con giống.

Ông Trần Công Khôi, Trưởng phòng Giống và Thức ăn thủy sản, Cục Thủy sản phát biểu tại Hội nghị

Sản lượng tôm nước lợ luôn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng sản lượng nuôi thủy sản của tỉnh và tăng dần theo từng năm. Năm 2019, sản lượng đạt trên 59.700 tấn, chiếm 43,3% sản lượng thủy sản, đến năm 2023 tăng lên hơn 90.000 tấn. Riêng nuôi thâm canh mật độ cao năm 2019 sản lượng đạt trên 12.400 tấn, đến năm 2023 đạt trên 35.400 tấn (tăng lên 185%). Giá trị sản xuất từ năm 2019 – 2023 tăng bình quân 10%/năm.

Tuy nhiên, hiện nay ngành tôm Trà Vinh đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đó là: Hạ tầng vùng nuôi trồng chưa hoàn thiện; cơ chế, chính sách thu hút đầu tư còn bất cập; người dân, doanh nghiệp thiếu vốn, khó tiếp cận tín dụng; dịch vụ cung ứng vật tư đầu vào, chất lượng, giá cả giống, thức ăn, thuốc, các chế phẩm phục vụ cho nuôi tôm không ổn định… Bên cạnh đó, ngành tôm nước lợ còn tiềm ẩn các rủi ro về giá cả, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường dẫn đến hiệu quả sản xuất chưa cao, thiếu bền vững.

Hai tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh Trà Vinh thả nuôi tôm nước lợ trên diện tích 8.811 ha

Tại Hội thảo, các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực thủy sản đề xuất nhiều giải pháp để phát triển bền vững ngành tôm nước lợ. Một số doanh nghiệp cũng giới thiệu đến hội thảo các mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao của đơn vị đạt hiệu quả; sản xuất con giống theo quy trình sinh học chống chịu cao với dịch bệnh; mô hình nuôi tôm chi phí thấp, tỷ lệ thành công cao, hạn chế tối đa dịch bệnh… Ông Phan Văn Lượng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Bioblue Việt Nam kiến nghị, UBND tỉnh và các sở ngành, địa phương hỗ trợ quỹ đất để đơn vị xây dựng khu nuôi tôm thương phẩm chất lượng, năng suất cao để làm mô hình trọng điểm của tỉnh. Từ đó, chia sẻ kinh nghiệm, nhân rộng mô hình cho nông dân nuôi tôm ở Trà Vinh và các tỉnh lân cận. Cùng đó, Công ty cũng mong muốn Trà Vinh có chính sách ưu đãi thuế, tín dụng cho doanh nghiệp.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Trần Công Khôi, Trưởng phòng Giống và Thức ăn thủy sản, Cục Thủy sản cho biết, trong thời gian tới, tình hình nuôi thủy sản sẽ có nhiều khó khăn và thách thức đan xen. Cục Thủy sản đã ban hành các văn bản để đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp khắc phục những khó khăn, hạn chế, trong đó có quản lý giống và thức ăn, quản lý môi trường, quản lý NTTS, thú y thủy sản. Mong rằng tỉnh Trà Vinh sẽ tận dụng tốt những thế mạnh hiện có của tỉnh để từ đó phát triển ngành tôm nước lợ càng lớn mạnh.  

Từ những vấn đề đặt ra tại Hội thảo, lãnh đạo sở, ngành tỉnh, các diễn giã đã làm rõ; thống nhất thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp năm 2024 và những năm tiếp theo cho ngành tôm Trà Vinh. Theo đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm trong nuôi tôm; thực hiện tốt các quy định về điều kiện nuôi, đăng ký đối tượng nuôi tôm nước lợ theo Nghị định số 26/2019/NĐ-CP của Chính phủ; đẩy mạnh áp dụng kỹ thuật tăng năng suất, sản lượng nuôi đối với diện tích nuôi tôm sú quảng canh, quảng canh cải tiến, sinh thái, hữu cơ để phát huy lợi thế tôm sú …

Vụ nuôi tôm 2023 - 2024, đến nay, tỉnh Trà Vinh đã thả nuôi trên 226 triệu con tôm sú giống trên diện tích 5.616 ha, đạt 23,9% kế hoạch; thả hơn 1,2 tỷ con giống TTCT trên diện tích hơn 1.845 ha, đạt 23,9%. Từ đầu vụ nuôi đến nay, toàn tỉnh đã thiệt hại trên 10 triệu tôm sú giống trên diện tích hơn 82 ha và gần 92 triệu TTCT trên diện tích gần 100 ha.

Vân Anh

 

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!