T2, 28/08/2023 08:26

Trĩu nặng một mùa tôm!

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Trong khi giá tôm thương phẩm vẫn ở ngưỡng thấp, điều kiện cho vụ tôm nuôi vẫn bấp bênh, tín hiệu thị trường xuất khẩu vẫn rất yếu thì giá thức ăn cho tôm lại đều đặn tăng. Tất cả đã khiến giá thành sản xuất tôm của Việt Nam khó xuống mức như kỳ vọng.

Vẫn còn là “bão giá” 

Từ đầu năm 2022 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi nói chung, giá thức ăn cho tôm nói riêng liên tục tăng và vẫn duy trì ở mức cao, điều này đã khiến cho sản xuất tôm trong nước vốn đã khó nay lại khó hơn và càng khó hơn nữa với những người thiếu vốn phải mua hàng trước, trả tiền sau. 

Ông Phan Cần, một người nuôi tôm ở huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng, cho biết những người có vốn mua trực tiếp thức ăn tôm từ công ty giá còn đỡ, nhưng nếu qua đại lý theo hình thức trả tiền sau khi thu hoạch thì giá thức ăn tôm sẽ đội lên rất cao. 

Với thông tin này, đại diện Chi cục Thủy sản Sóc Trăng cũng đã xác nhận. Theo đó, nếu mua trả tiền mặt, giá thức ăn tôm từ 28.500 – 31.000 đồng/kg, nhưng nếu để cuối vụ thanh toán thì mức giá cao hơn từ 5.000 – 7.000 đồng/kg.

Giá thành sản xuất tôm cao là trở ngại lớn cho tôm Việt vươn ra thế giới. Ảnh: ST

Điều đáng nói là thời gian qua, giá thức ăn chăn nuôi ổn định, thậm chí nhiều mặt hàng đã giảm, thế nhưng giá thức ăn tôm vẫn tăng. Việc mất kiểm soát giá thức ăn đầu vào trong nuôi tôm ở bối cảnh hiện nay càng khiến người dân thêm chật vật, họ rất dễ lỗ nặng, với những người hòa vốn được coi là may mắn nhưng cũng không nhiều. 

Trước đó, chỉ tính riêng trong quý I/2023, thức ăn nuôi tôm đã có 2 đợt tăng giá, ở mức trên 2.000/kg. Giá thức ăn tôm lúc đó bình quân là 45.000 đồng/kg, loại rẻ nhất cũng 33.000 đồng/kg, khiến giá thành nuôi tôm thời điểm đó đã tăng thêm khoảng 8.000 đồng/kg. Chưa kể, trường hợp tôm bị chậm lớn, giá thành sản xuất tôm sẽ còn cao hơn nữa. 

Tính chung, từ cuối năm 2020 đến nay, thức ăn cho tôm đã có 13 lần điều chỉnh giá, mức điều chỉnh chỉ có tăng mà không giảm đã gây khó khăn cho người nuôi tôm. Chính làn sóng tăng cao của chi phí đầu vào cộng với giá tôm nguyên liệu giảm mạnh khiến nông dân các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang… chậm thả nuôi, diện tích ao trống ở mức gây lo ngại. 

Phải tự “cứu mình” trước 

Trước tình hình giá thức ăn tôm cao và có thể lại tăng bất cứ lúc nào, người nuôi tôm vô cùng lo lắng nhưng không còn sức để mạo hiểm, họ chỉ đành chọn giải pháp “treo ao”. Có lẽ, đó là lựa chọn duy nhất của người nuôi trong thời gian này bởi giá đầu vào nuôi tôm cao nhưng giá bán tôm thương phẩm lại khó đoán và vẫn nằm ngưỡng thua lỗ, trong khi đó những yếu tố ngoại cảnh khác cũng không thuận lợi; tuy nhiên, người nuôi cũng chờ đợi các cấp, ngành có giải pháp hiệu quả để kiềm chế được mức độ tăng liên tục của giá thức ăn nói riêng và chi phí đầu vào trong nuôi tôm nói chung. 

Mặc dù vậy, việc khống chế hay kiểm soát giá vật tư đầu vào hiện nay có vẻ như bất khả thi, người nuôi tôm vẫn phải trông chờ vào chính mình là chủ yếu. Ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở NN&PTNT Sóc Trăng, cho biết trước khi đợi các bộ, ngành có giải pháp kiểm soát giá thức ăn, phải “tự cứu mình” trước, ngành tôm cần tái cấu trúc, áp dụng quy trình, kỹ thuật cao, giảm giá thành, tỷ lệ thành công cao mới hiệu quả. 

Cụ thể, để hạn chế thua lỗ, các hộ nuôi cần chủ động áp dụng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, đặc biệt là lựa chọn con giống đảm bảo chất lượng; chuẩn bị kỹ lưỡng ao nuôi, xử lý triệt để mầm bệnh trong môi trường trước khi xuống giống. Thêm nữa, người dân cần phát triển các mô hình làm ăn hợp tác, liên kết các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ để tạo ra vùng sản xuất nguyên liệu lớn, liên kết với doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào tận gốc và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, giảm bớt các khâu trung gian… 

Mặc dù được mách nước “tự cứu mình”, thế nhưng trước tình cảnh khó khăn bủa vây như hiện nay, muốn có được kết quả tốt thì thực sự đối với người nuôi là “lực bất tòng tâm”, bởi không chỉ chi phí đầu vào đang neo ở mức cao mà giá đầu ra của tôm thương phẩm lại vô cùng bấp bênh, có những lúc đã lao thẳng xuống đáy, người nuôi thua lỗ nặng, chỉ có số ít may mắn vì hòa vốn. Không những vậy, người nuôi phải đối mặt với nguy cơ dịch bệnh, nhất là với virus khiến tôm chậm lớn, chưa kể, đó là tình trạng tôm chết nhưng không tìm ra nguyên nhân cụ thể… 

Tại một diễn đàn về tôm mới đây, ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản, cho biết nông dân chưa sẵn sàng ngồi lại với nhau để vào tổ hợp tác, hợp tác xã nhằm giảm chi phí sản xuất.“Chúng ta hãy chủ động liên kết với nhau để giảm giá thành nuôi”, ông Luân nhấn mạnh. 

Nhưng có lẽ đó là phần nhỏ, bởi quan trọng hơn hết, theo ông Trần Trọng Khiêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Sóc Trăng thì “để giảm giá thành phải giảm chi phí đầu vào, cần có cơ chế quản lý giá bán của các cơ sở sản xuất thức ăn. Tôi chưa bao giờ thấy giá thức ăn giảm, mà chỉ có tăng thêm”. Đây có lẽ là một mấu chốt để có thể giảm được phần nào giá thành sản xuất tôm ở nước ta hiện nay. 

Bảo Hân

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!