T2, 06/07/2020 10:17

Trường kỳ bám biển

Chưa có đánh giá về bài viết

Mấy chục năm bám ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa, những thuyền trưởng này đã bao phen chết hụt khi gặp tai nạn; nhiều người khuynh gia bại sản vẫn tìm mọi cách trở lại nghề bám biển.

Không nhụt chí

Dân Phú Yên quen gọi Trần Bính là “sói biển Bốn Cằn”. Dân phường 6, TP Tuy Hòa (nơi ông ngụ cư) giải thích: Có tên đó bởi Trần Bính là con thứ tư; tính tằn tiện, hễ đi biển là đến khi tàu đầy cá mới về). Họ cho hay, ông gặp tai nạn mất thuyền, đang chạy quanh xin “đi bạn”, nhất quyết không bỏ biển.

Bốn Cằn đã 45 năm bám biển câu cá ngừ đại dương loại một. Được thần chết trả về sau một vụ tai nạn, triệu phú một thời có trong tay hàng chục lao động thâm niên, thu nhập ổn định trở về nhà với tay trắng. “Mất tiền, mất tài sản nhưng người còn đây, tui phải trở lại với biển mới sống được, chứ ngồi ở nhà tui cũng héo mòn vì nhớ biển mà thôi”, Bốn Cằn nói.

Cha tập kết ra Bắc năm 1955. Không tiền ăn học, không cơm nuôi mẹ mù,  năm 12 tuổi Bốn Cằn đã chọn biển làm nơi kiếm sống”. Thương đứa con duy nhất, người mẹ tìm mọi cách ngăn nó đi làm thuê trên biển. Bà từng nhờ người lùng tìm con trên tất cả các tàu chuẩn bị hành trình ra biển. Mấy phen, Bốn Cằn trốn dưới đống lưới, say sóng, ngủ quên; tàu ra đến Trường Sa, người ta phát hiện ra thì đã muộn. Bà Nguyễn Thị Lèo, vợ Bốn Cằn kể: “May có bộ đội trên đảo Song Tử Tây, không thì chồng tôi và 6 ngư dân bỏ mạng rồi. Tai nạn xảy ra đã mấy tháng nhưng giờ nghĩ lại vẫn bàng hoàng”.

Để có thành quả lao động, đôi khi ngư dân phải bỏ mạng ngoài khơi

“45 năm đánh bắt xa bờ, thuyền trưởng Trần Bính chưa bao giờ cảm thấy sóng, gió biển khốc liệt như trưa 13/9 ấy (tàu cá gặp nạn). Những cột sóng cao hơn ngôi nhà 2 tầng bổ nhào xuống tàu, nước tràn vào khoang gây tê liệt buồng máy. Tàu chìm nhanh, cách đảo Song Tử Tây chỉ vài chục mét. Mỗi ngư dân vơ vội can nhựa, phao xốp trên tàu trôi dạt mỗi người một hướng, bị sóng lớn đánh tơi tả, kiệt sức. Vậy mà vẫn may mắn thoát chết”, Trần Bính hồi tưởng. “Gia đình tui đang vay mượn vốn và chờ hỗ trợ từ Nhà nước, làm tàu mới cho ổng đi biển. Không có tàu, ổng lại đi làm thuê chứ nhất định không chịu bỏ biển”, bà Lèo tiếp lời.

Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá phường 6 (Tuy Hòa), ông Phan Thuẫn nhận xét: “Bốn Cằn là người bám trụ nghề câu cá ngừ đại dương lâu nhất Tuy Hòa. Tấm gương bám biển của Bốn Cằn thật đáng để lớp trẻ noi theo”.

 

Sống chết cùng biển

Lão kình ngư Quảng Ngãi, Bình Định nào chuyên đánh bắt cá ngừ đại dương cũng bao phen hú vía vì gặp nạn. Thuyền trưởng tàu PY 90937 TS, Lê Anh Dũng kể: “Tổng tài sản sau hơn 30 năm, khoảng 1,7 tỷ đồng bị nhấn chìm giữa biển. Nay vay tiền đóng tàu mới, đang dở dang vì thiếu đủ thứ, đành bỏ đó tiếp tục ra khơi làm thuê tích lũy vốn đóng tiếp”. Thuyền trưởng tàu QNg 90522 TS, Trần Tấc đã 35 năm bám biển Trường Sa. Ông kể: “Nhiều lần bị ngư dân nước ngoài lấn ngư trường, cướp hết tài sản, nhưng may có sự can thiệp kịp thời của Hải đội 201, Vùng Cảnh sát Biển 2…”. Thuyền trưởng Nguyễn Bá Tư (57 tuổi) ở Tư Nghĩa, Quảng Ngãi, chủ 2 tàu cá gồm 15 thuyền viên. Trên tàu, ông Tư nhiều tuổi nhất, với kinh nghiệm 40 năm đi biển; người ít tuổi nhất mới tròn 20 cũng lắc đầu tỏ ra ái ngại mỗi khi nhớ lại những hiểm nguy trên biển. Có chuyến cả tháng chẳng được mẻ lưới nào. Chưa kể những ngày thời tiết không thuận lợi, sóng to, gió lớn, ngư phủ oằn mình chống bão, thế nhưng vẫn yêu nghề và luôn bám biển mưu sinh.

Ngư dân gặp nạn được sự giúp đỡ của Cảnh sát Biển Việt Nam

Cũng được mệnh danh vua cá ngừ đại dương với 40 năm bám biển, ông Trần Hồng (Hoài Nhơn – Bình Định), mỗi lần được thần chết trả về lại tặc lưỡi đùa, “mệnh mình do biển khơi quyết định, sống hay chết cũng về với biển mà thôi”. Trần Hồng nói: “Hành nghề trên biển không chỉ dựa vào kinh nghiệm lâu năm mà “lách” những tai nạn hy hữu đến với mình. Người đi biển thường tôn sùng thần biển, thường tâm niệm về cơ may, và chính vì thế những người gắn nghiệp của mình, con cháu với biển sẽ không bao giờ bỏ nghề”. Người dân quê ông, ngoài bám biển còn có nghề kiếm ăn nào khác!

 Ngư dân Võ Văn Ngọc (quê Phú Yên) kể: “Nhiều lần, ra khơi cả tuần, câu được hơn chục con cá ngừ đại dương (loại 50 kg/con) thì gặp nạn. Sóng lớn nhấn chìm tàu, “lộc biển” đành trả lại biển, trở về trắng tay. Người được cứu sống, trở về lại có cơ quay lại biển khơi”.

Lượng tàu cá trên 300 CV của Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi chuyên đánh bắt ở Hoàng Sa, Trường Sa có hàng ngàn, hàng vạn. Mỗi năm, mỗi mùa, số tàu thuyền công suất lớn được ngư dân Việt Nam trang bị để bám ngư trường không ít. Phú Yên, “thủ phủ nghề câu cá ngừ loại một tại Việt Nam”, đã có trên 800 tàu công suất lớn chuyên câu vàng tại Hoàng Sa, Trường Sa. Quảng Ngãi, con số đó hơn 1.000.

Ông Lê Viết Chữ – Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết: UBND tỉnh cùng Tập đoàn Vinashin đã ký thỏa thuận đóng thí điểm 20 tàu 600 – 800 mã lực, hỗ trợ ngư dân Bình Sơn, Tư Nghĩa, Đức Phổ, Lý Sơn. Với sự đầu tư này, ngư dân Quảng Ngãi sẽ được bảo vệ trước những sự cố trên biển.

>> Tổng cục Thủy sản cho biết: Trong chương trình khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và nuôi trồng thủy sản đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030, để chủ động nguồn nguyên liệu thủy sản, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, từ nay đến năm 2020 cần đầu tư 17.500 tỷ đồng, chủ yếu hiện đại hóa tàu khai thác xa bờ.

Việt Hương

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!