T6, 17/02/2023 10:06

Xu thế nuôi tôm công nghệ cao

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Những năm gần đây, công nghệ nuôi tôm không ngừng được cải tiến, hoàn thiện, trong đó, nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao được triển khai rộng rãi, cho hiệu quả khả quan và dần thay thế mô hình nuôi tôm truyền thống.

Rủi ro nuôi tôm truyền thống

Cùng với xu thế phát triển nhanh chóng của ngành tôm, mô hình nuôi tôm ao đất truyền thống tại Việt Nam bộc lộ nhiều điểm yếu kém và không còn phù hợp. Theo đánh giá chung của người dân, nuôi tôm ao đất không được thuận lợi như trước, rất khó thành công. Nguyên nhân lý giải đó là qua các vụ nuôi, trầm tích tích tụ trong ao nhiều, thời tiết diễn biến thất thường kết hợp với việc xử lý môi trường nước nuôi chưa triệt tạo ra cơ hội thuận lợi cho các mầm bệnh xâm nhập vào ao nuôi tôm. Đặc biệt, dịch bệnh nghiêm trọng và phổ biến nhất trên tôm nuôi là hoại tử gan cấp tính và bệnh đốm trắng thường gây ra những thiệt hại lớn cho ao tôm. Đặc biệt, nuôi tôm trong ao đất, tôm dễ bị bệnh đường ruột, nếu cho tôm ăn bằng tay dễ gây dư thừa, lãng phí thức ăn. Nguyên nhân là khi rải thức ăn, nếu nước đục, tôm sẽ hạn chế bắt mồi, sau đó thức ăn chìm xuống đáy, gây lãng phí và ô nhiễm môi trường. Mặt khác, do nước đục, hạn chế tôm bắt mồi, dẫn đến tôm trong ao dễ phân đàn, tăng trưởng chậm. 

Thay đổi để thích ứng

Khi nghề nuôi tôm phát triển nhanh chóng để đáp ứng nhu cầu đã vượt quá khả năng đánh bắt tự nhiên, thì các phương pháp canh tác tự cung tự cấp cũ đã nhanh chóng được thay thế bằng các phương pháp sản xuất hiệu quả hơn cần thiết để phục vụ thị trường toàn cầu. Vì vậy, việc đưa công nghệ cao vào ao nuôi là giải pháp mang tính kịp thời, đúng đắn. Việc áp dụng công nghệ cao sẽ là hướng đi đột phá và tất yếu cho ngành tôm, giúp mang lại giá trị kinh tế cao, giảm thiểu rủi ro, tiết kiệm chi phí, góp phần xây dựng hình ảnh nông dân thông minh, hiện đại, bắt kịp kỷ nguyên 4.0.

Trên thị trường, công nghệ 4.0 trong lĩnh vực nuôi tôm đã phát triển mạnh mẽ. Thời gian qua, có nhiều doanh nghiệp khoa học công nghệ đã đưa ra thị trường những giải pháp ứng dụng 4.0 vào nuôi tôm. Từ đó giúp tăng độ chính xác trong giám sát môi trường và quản lý dịch bệnh, giảm công lao động, hỗ trợ truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, việc nuôi tôm cũng trở nên dễ dàng, giảm giá thành sản xuất và giúp người nuôi có được đầu ra chất lượng hơn. Điển hình như hiện nay, nhiều doanh nghiệp sử dụng máy cho ăn tự động giúp cho tôm ăn đúng nhu cầu, khi tôm ăn theo nhu cầu, việc cài đặt thời gian cho máy phun thức ăn (tính bằng giây), thời gian cho máy nghỉ (tính bằng phút) rất dễ dàng. Người nuôi có thể chủ động điều chỉnh motor để phun, nghỉ hợp lý dựa trên lượng thức ăn còn trên nhá theo từng giờ, giúp tôm ăn đúng đủ, nhờ đó mà thức ăn được chuyển hóa triệt để, tiết kiệm rất nhiều chi phí, giảm hệ số chuyển đổi thức ăn và giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường,

Nuôi tôm công nghệ cao tuy chi phí đầu tư ban đầu cao nhưng vật tư có thể sử dụng lâu dài, chống nóng, chống lạnh cho tôm, hạn chế sự chênh lệch nhiệt độ, sự thay đổi đột ngột của thời tiết, ao nuôi tôm không bị phân tầng nước vào những ngày mưa lớn, vì vậy sẽ nuôi được nhiều vụ trong năm. So với các cơ sở nuôi trồng thủy sản truyền thống, trại nuôi hiện đại thường chiếm dụng ít đất đai hơn nhưng lại có thể cho sản lượng cao gấp nhiều lần, đồng thời kiểm soát tác động môi trường tốt hơn nhờ ít hoặc không sử dụng thuốc kháng sinh và đảm bảo an toàn sinh học. Bên cạnh đó, những tiến bộ mới trong lĩnh vực di truyền, dinh dưỡng và kỹ thuật cũng giúp các trại nuôi tăng cường năng lực sản xuất với chi phí ngày càng giảm. 

Việc đầu tư, đưa công nghệ cao vào ao nuôi không tốn kém chi phí như quan điểm của một số người dân. Bởi trên thực tế, máy móc được sử dụng và khấu hao nhiều lần trong mỗi vụ nuôi, so sánh về lợi ích kinh tế và môi trường thì bước đi này là hoàn toàn có lợi, được xem là xu hướng bền vững của ngành tôm.

>> Trong thời đại công nghệ số, đặc biệt là cuộc cách mạng 4.0, trước mắt, ngành tôm cần nhanh chóng hiện đại hóa, áp dụng kỹ thuật, công nghệ cao trong sản xuất nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, giảm chi phí, nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu không chỉ trong nước mà cả xuất khẩu.

Thái Thuận

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!