Xuất khẩu tôm: Bứt tốc cuối năm

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – 2023 là năm đầy khó khăn của ngành tôm thế giới, trong đó có Việt Nam. Các doanh nghiệp và người nuôi đã và đang chung vai sát cánh, để tạo ra những bước đột phá, duy trì sự tăng trưởng ổn định.

Nhiều thách thức 

Có lẽ chưa bao giờ ngành tôm thế giới trải qua thời kỳ khó khăn như năm 2023, khi sản lượng tôm tăng nhưng giá cả sụt giảm, theo cách nói của người nông dân Việt Nam là “Được mùa rớt giá”. Dù nhiều quốc gia đã “kìm hãm” tốc độ nuôi trồng thủy sản (NTTS) xuất khẩu, nhưng do hàng tồn kho của năm 2022 khá lớn và kinh tế thế giới suy thoái nên việc xuất, nhập khẩu tôm gặp khó khăn hơn bao giờ hết. Ước tính sản lượng tôm trên toàn thế giới năm 2023 đạt khoảng 5,07 triệu tấn, giảm 1% so năm trước. 

Theo Hiệp hội Tôm Thái Lan, tổng sản lượng tôm ở Thái Lan năm 2023 đạt 280.000 tấn (tương đương năm 2022), trong khi xuất khẩu tôm dự kiến chỉ đạt khoảng 120.000 tấn. Giá tôm xuất khẩu thấp và chi phí nuôi trồng tăng cao khiến kim ngạch xuất khẩu ảnh hưởng. Hiện tại, Thái Lan chỉ có thể xuất khẩu 900 tấn tôm sang EU mỗi năm, giảm nhiều so với mức 60.000 tấn những năm trước. 

Việc nông dân “treo ao” khiến ngành tôm Thái Lan cũng lao đao. Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2023, nhập khẩu tôm nguyên liệu đông lạnh ở Thái Lan tăng gấp đôi (lên 15.000 tấn) để bù đắp cho sản lượng tôm trong nước giảm. Trong đó, Thái Lan chủ yếu nhập từ Việt Nam (khoảng 31.000 tấn). 

Không chỉ riêng Thái Lan, sản lượng tôm Ấn Độ trong năm 2023 ước tính cũng giảm khoảng 30% so năm trước. Trong các quốc gia xuất khẩu tôm, chỉ có Ecuador là xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ về khối lượng với 1,01 triệu tấn tôm được xuất khẩu trong 10 tháng, kim ngạch đạt 5,31 tỷ USD (giảm 6% so cùng kỳ năm trước). 

Xuất khẩu của Ecuador chủ yếu tăng trưởng tại thị trường Trung Quốc. Trong 3 quý đầu năm 2023, xuất khẩu tôm của nước này sang Trung Quốc tăng trưởng so cùng kỳ ở mức 26% về lượng, tuy nhiên chỉ tăng 2% về giá trị. Nhiều chuyên gia đánh giá, việc “chấp nhận xuất khẩu tôm giá rẻ” 

của Ecuador là nhằm tránh lượng hàng tồn kho quá lớn, do sản lượng tôm của nước này tăng đột biến trong vài năm gần đây. Xuất khẩu tôm của Ecuador vào châu Á trong năm 2023 giá trị giảm tới 42%. 

Thời điểm tháng 6 năm 2023, giá tôm thẻ chân trắng (TTCT) cỡ 60 con/kg giảm mức thấp kỷ lục với 3,83 USD/kg ở Việt Nam; 2,88 USD/kg ở Ấn Độ và 2,20 USD/kg ở Ecuador. 

Vượt khó 

Mới đây, trong khuôn khổ Festival Tôm Cà Mau năm 2023, Bộ NN&PTNT thông tin mục tiêu phát triển ngành tôm giai đoạn 2021 – 2025 có tổng sản lượng 1.100.000 tấn; giá trị kim ngạch xuất khẩu 8,4 tỷ USD. Trong giai đoạn 2025 – 2030, tổng sản lượng 1.300.000 tấn; giá trị kim ngạch xuất khẩu 12 tỷ USD. 

Hiện các sản phẩm tôm Việt Nam xuất khẩu đến khoảng 100 quốc gia với 5 thị trường lớn: Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Việt Nam đang giữ vị trí cường quốc xuất khẩu tôm trong top 3 của thế giới. Giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam chiếm 13 – 14% tổng giá trị xuất khẩu tôm của toàn thế giới. Quan trọng hơn, ngành tôm đang giải quyết việc làm cho trên 3 triệu lao động vùng ven biển, ngập mặn, vốn là vùng khó khăn. 

Từ tháng 1 đến tháng 11/2023, sản lượng thủy sản nuôi trồng Việt Nam ước đạt trên 4,9 triệu tấn, tăng 4,2% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, tôm đạt 1.100.400 tấn, tăng 5,9%. Các mô hình nuôi TTCT siêu thâm canh, thâm canh; tôm sú thâm canh, bán thâm canh, mô hình nuôi quảng canh đang rất hiệu quả. Sản lượng tôm 11 tháng đầu năm 2023 tăng, trong đó tôm sú đạt 252.600 tấn, tăng 1,5%; TTCT đạt 779.700 tấn, tăng 7,3%. 

Giá tôm thế giới vẫn trong xu hướng giảm kể từ năm 2014 đến nay. Thống kê cho thấy tới cuối tháng 10/2023, trung bình xu hướng giá tôm thế giới giảm 9,1% so đầu năm 2023 và giảm 26,3% so đầu năm 2022. 

Những tháng gần đây, giá tôm nguyên liệu có xu hướng tăng, xuất khẩu trong quý III và quý IV đều có dấu hiệu tích cực. Hai thị trường chủ lực là Mỹ, Trung Quốc bắt đầu gia tăng nhu cầu và xuất khẩu tôm của Việt Nam sang 2 thị trường lớn này đều ghi nhận tăng trưởng dương trong 2 tháng trở lại đây. Bên cạnh đó, một số thị trường như Nhật Bản, Australia, Canada cũng tăng cường nhập tôm từ Việt Nam. 

Song, việc sản phẩm tôm tồn kho nhiều trong năm 2023 đã khiến nhiều doanh nghiệp giảm nguồn thu và chịu áp lực không nhỏ từ lãi suất vốn vay ngân hàng. Do đó, mỗi doanh nghiệp cần có sách lược vượt khó cho riêng mình mới có thể tồn tại, từ đó tranh thủ thời cơ khi thị trường hồi phục hoàn toàn. 

Đón thời cơ 

VASEP dự báo tình hình xuất khẩu tôm năm 2024 sẽ có nhiều khả quan. Nguồn cung tôm Ecuador đã và đang chững lại, giảm nhẹ. Xuất khẩu tôm Việt Nam sẽ phục hồi và tăng nhẹ 10 – 15% vào năm 2024. 

Thị trường Trung Quốc vẫn là dư địa lớn, chiếm hơn 50% thị trường tiêu thụ tôm của thế giới. Vừa qua, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã công bố danh sách hơn 800 doanh nghiệp chế biến thủy sản Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc. Đồng thời, Trung Quốc đã phê duyệt mã sản phẩm cho 40 cơ sở bao gói cua, tôm hùm sống và 5 cơ sở bao gói tôm sú, TTCT, 128 loại sản phẩm và 48 loài thủy sản của Việt Nam. Việt Nam là nhà cung cấp thủy sản lớn thứ 7 cho thị trường Trung Quốc năm 2023. 

Trung Quốc tăng nhập khẩu trong quý cuối năm và cao điểm tháng 12/2023, tháng 1 và tháng 2/2024 để phục vụ Tết Nguyên đán và các lễ hội. 

Theo VASEP, ngành tôm nuôi ở châu Á đang bước vào mùa sản lượng thấp điểm từ tháng 11/2023 đến tháng 2/2024, đây được xem là thời cơ xuất khẩu cho Việt Nam. Hiện, các doanh nghiệp nước ta đang tăng tốc xuất khẩu cuối năm, giúp thị trường tôm sôi động. 

Được biết tại Bạc Liêu, trong tháng 11/2023 giá tôm sú ướp đá cỡ 20 con/kg, trung bình được thu mua ở mức 210.000 đồng/kg, tăng 27.500 đồng/kg so tháng 10/2023; cỡ 30 con/kg ở mức 157.500 đồng/ kg, tăng 30.000 đồng/kg. Giá TTCT ướp đá cỡ 30 con/kg trung bình ở mức 130.000 đồng/kg, tăng 6.730 đồng/kg; cỡ 40 con/ kg 115.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng/kg… 

Để tận dụng được những lợi thế sẵn có, đón đầu cơ hội từ thị trường xuất khẩu, thúc đẩy hoạt động xuất khẩu thủy sản, bà Vương Thị Oanh, đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) đề nghị các cơ quan quản lý Nhà nước, Hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp, thương nhân, trước hết cần tập trung kiện toàn chuỗi sản xuất, nâng cao chất lượng nguồn cung và phát triển xuất khẩu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, uy tín và thương hiệu. 

Cùng đó, các doanh nghiệp phải chủ động tăng sức cạnh tranh và tận dụng tối đa các lợi thế. Cần chú trọng đa dạng hóa các sản phẩm, đặc biệt đẩy mạnh sản xuất sản phẩm chế biến sâu, sản phẩm giá trị gia tăng. 

Chia sẻ với phóng viên, ông Hồ Quốc Lực – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta cho biết: “Để tăng sức cạnh tranh trên thị trường thế giới, chúng tôi chủ trương phát triển vùng nuôi bền vững, giảm giá thành sản phẩm. Đây là giải pháp vừa căn cơ vừa lâu dài”. 

>> Xuất khẩu tôm của Việt Nam đến tháng 11/2023 ước đạt 3,15 tỷ USD, giảm 22% so cùng kỳ năm trước. VASEP dự báo xuất khẩu tôm năm 2023 sẽ đạt khoảng 3,4 tỷ USD, thấp hơn 21% so năm trước. 

ÔNG VŨ BÁ PHÚ, CỤC TRƯỞNG CỤC XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI, BỘ CÔNG THƯƠNG 

Xây dựng kế hoạch phát triển thị trường hợp lý 

Mỗi thị trường trên thế giới có một đặc thù riêng, do vậy cần nghiên cứu, cập nhật thường xuyên về thị hiếu tiêu dùng, chủng loại sản phẩm, dung lượng thị trường, mức độ cạnh tranh với các nước cùng sản xuất và xuất khẩu, để làm cơ sở xây dựng kế hoạch phát triển thị trường hợp lý. Cục Xúc tiến thương mại sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển những mặt hàng thủy sản 

giá trị gia tăng cao, đa dạng hóa sản phẩm chế biến phù hợp với thị hiếu, văn hóa tiêu dùng của từng thị trường, hướng tới phân khúc các thị trường cao cấp với giá bán cao hơn. Ngoài ra, hỗ trợ doanh nghiệp trong phát triển thương hiệu thủy sản, nhất là sản phẩm tôm có thương hiệu của Việt Nam đạt các chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế và đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại các thị trường xuất khẩu... 

ÔNG TRƯƠNG ĐÌNH HÒE, TỔNG THƯ KÝ VASEP 

Tăng cường các sản phẩm thế mạnh 

Các doanh nghiệp phải tăng cường các sản phẩm thế mạnh như: sản phẩm hữu cơ, bền vững, giá trị gia tăng; đồng thời, tận dụng triệt để các lợi thế từ Hiệp định EVFTA nhằm tăng sức cạnh tranh. Để gia tăng kim ngạch xuất khẩu tôm vào thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp cần phải linh động với hình thức xuất khẩu, lựa chọn cách thức thanh toán phù hợp. Đồng thời, cập nhật các chính sách nhập khẩu của Trung ương và địa phương. Trước mắt cần tận dụng lợi thế địa lý để đẩy mạnh xuất khẩu tôm vào thị trường Trung Quốc, nhất là tôm sú. 

Nguyễn Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!