T2, 06/07/2020 10:38

Xung đột giữa ghe giã cào và vạn lặn: Khó khăn trong chuyển đổi ngành nghề

Chưa có đánh giá về bài viết

Vừa qua phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) đã có cuộc họp khẩn để giải quyết xung đột về phương thức đánh bắt giữa các vạn lặn với các chủ ghe cào. Tuy nhiên, cuộc họp chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, vận động ngư dân chấp hành theo đúng quy định của pháp luật chứ chưa có những giải pháp hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ hay chuyển đổi ngành nghề bền vững.

Ghe giã cào vẫn “càn quét” trên vịnh Đà Nẵng

Sau một tuần UBND phường Nại Hiên Đông chính thức thông báo cấm các ghe giã cào hoạt động trên sông Hàn và vịnh Đà Nẵng, hàng trăm vạn lặn thủ công rất đồng tình và bày tỏ thái độ hoan nghênh việc xử lý kiên quyết của chính quyền địa phương. Ông Nguyễn Tư (tổ 40, phường Nại Hiên Đông) cho biết “Trước đây người thân của tôi cũng sắm ghe làm nghề giã cào, nhưng thấy đây là cách đánh bắt theo cách “tận diệt” nên bản thân tôi và gia đình đã vận động người thân chuyển đổi ngành nghề”.

Tuy nhiên, không phải ai cũng gương mẫu chấp hành như người thân của gia đình ông Tư. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay, tuy các ghe cào không còn hoạt động công khai ban ngày như trước, nhưng đã chuyển vào “càn quét” ban đêm, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, xử lý. Mới đây, Thanh tra Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Đà Nẵng phối hợp với Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát đường thủy kiểm tra và bắt quả tang ghe cào của ông Huỳnh May (tổ 43, phường Nại Hiên Đông) và ghe của ông Đỗ Văn Đạt (tổ 20, phường An Hải Tây) có hành vi đánh bắt giã cào theo cách “tận diệt”.

Mặc dù đã bị cấm đánh bắt bằng phương thức giã cào, nhưng ghe của gia đình ông Huỳnh May (tổ 43, phường Nại Hiện Đông) vẫn “càn quét” chíp chíp trên vịnh Đà Nẵng. (Ảnh chụp ngày 28-10- 2013) 

Mặc dù đã bị cấm đánh bắt bằng phương thức giã cào, nhưng ghe của gia đình ông Huỳnh May (tổ 43, phường Nại Hiện Đông) vẫn “càn quét” chíp chíp trên vịnh Đà Nẵng. (Ảnh chụp ngày 28/10/2013)

Ông Dương Hiển Đông, Chánh Thanh tra Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Đà Nẵng khẳng định, để giải quyết dứt điểm tình trạng đánh bắt theo phương thức giã cào trên vịnh Đà Nẵng và trên sông Hàn rất khó, do lực lượng thanh tra mỏng, kinh phí eo hẹp, trong khi đó đa số những người làm nghề này có hoàn cảnh khó khăn; nghề giã cào là nguồn thu nhập chính của gia đình họ. Vì vậy không thể một sớm, một chiều mà nghiêm cấm được.

“Thực tế cho thấy, có những trường hợp bắt quả tang, lập biên bản, ra quyết định xử phạt nhưng do gia đình quá nghèo, không có tiền nộp phạt cũng đành “bó tay”; giữ giấy tờ ghe thuyền của họ thì không ăn thua, bởi phương tiện quá cũ nát nên ngư dân cũng bất cần giấy tờ; trong khi đó các ngành chức năng lại không có quyền thu giữ phương tiện của họ”, ông Đông cho biết.

Khó khăn trong chuyển đổi ngành nghề

Bà Trần Thị Thanh Tâm, Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà cho biết, việc chuyển đổi ngành nghề cho các ghe thuyền có công suất nhỏ trên địa bàn đã được quận tính đến từ lâu, cụ thể quận Sơn Trà đã có Đề án chuyển đổi ngành nghề từ năm 2012. Tuy nhiên, để làm được vấn đề này thì quận rất cần sự hỗ trợ, tạo điều kiện từ cấp thành phố, vì số lượng ghe thuyền có công suất nhỏ ở quận Sơn Trà quá nhiều, gần 600 chiếc.

Theo ông Hồ Phó, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố, hiện nay Chính phủ cũng như thành phố chưa có chính sách hỗ trợ cho những ghe thuyền nhỏ; chỉ có chính sách ưu tiên hỗ trợ cho những tàu có công suất 90CV trở lên để đánh bắt xa bờ. Tuy nhiên, để thụ hưởng chính sách này thì một yêu cầu đặt ra là Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí, phần lớn vẫn là khả năng tài chính của ngư dân.

Trong khi đó, đa số những người có ghe thuyền nhỏ đều là những người nghèo, kinh tế gặp rất nhiều khó khăn; họ đã tham gia đánh bắt gần bờ từ vài chục năm nay nên không có kinh nghiệm để vươn khơi. Bên cạnh đó, đa số những hộ có ghe thuyền nhỏ là những người tuổi cao, sức yếu nên rất khó thích nghi với những ngành nghề mới. Đây cũng là những trở ngại rất lớn để chính quyền địa phương giải quyết chuyển đổi ngành nghề.

Tuy nhiên, cần phải có những giải pháp khả thi trong chuyển đổi ngành nghề, bởi nếu không, tình trạng đánh bắt theo kiểu “tận diệt” sẽ dẫn đến cạn kiệt nguồn thủy sản, đe dọa môi trường tự nhiên ven bờ, ảnh hưởng đến đời sống của một bộ phận ngư dân với nghề đánh bắt ven bờ…

>> Hiện nay, trên địa bàn quận Sơn Trà có 1.219 ghe thuyền đang hoạt động, trong đó có gần 600 ghe thuyền nhỏ tham gia đánh bắt gần bờ. Trong số này có 73 ghe thuyền nhỏ với hàng trăm lao động làm nghề lặn chíp chíp theo phương thức thủ công (lặn và bắt bằng tay); 13 ghe thuyền nhỏ với gần 50 lao động đánh bắt theo phương thức “tận diệt” – giã cào. Theo các ngư dân, nếu không có cách quản lý tốt và cấm triệt để các ghe giã cào thì hàng trăm ghe thuyền nhỏ sẽ chuyển sang hình thức đánh bắt theo phương thức “tận diệt” thì hậu quả sẽ càng nghiêm trọng hơn.

Ngọc Khang Huy

Báo Đà Nẵng

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!