An Giang: Củng cố, hoàn thiện vùng nuôi tôm

Chưa có đánh giá về bài viết

Cùng với việc hoàn chỉnh hồ sơ, cơ sở hạ tầng mở rộng vùng lúa – tôm Phú Thuận thêm 383 ha, huyện Thoại Sơn tích cực vận động nông dân tiếp tục thả nuôi, từng bước biến nơi đây thành vùng sản xuất chuyên canh, nâng cao đời sống người dân, đặc biệt đối với hộ canh tác.

Tiềm năng phát triển lúa – tôm

Theo Chi cục Thủy sản, mô hình nuôi tôm trên ruộng luân canh với cây lúa khởi phát với vài hộ ban đầu từ năm 2007, tập trung ở 2 ấp Phú Tây, Hòa Tây B (xã Phú Thuận) và một phần ở xã Vĩnh Chánh (Thoại Sơn), sau đó “lấn sân” ra các huyện Châu Phú, Châu Thành và TP. Long Xuyên. Từ phong trào trên, có lúc 2 xã Phú Thuận, Vĩnh Chánh nuôi tôm càng xanh (TCX) lên đến 300 ha, sản lượng trên 330 tấn/năm. Qua khảo sát điều kiện nguồn nước, thổ nhưỡng, khí hậu, tỉnh quy hoạch nơi đây là vùng chuyên canh nuôi TCX luân canh với cây lúa và từng bước ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) vào quá trình canh tác. Mô hình này đã làm nhiều hộ khấm khá, giàu có.

t4.jpg

Tập huấn kỹ thuật nuôi tôm càng xanh thích ứng biến đổi khí hậu ở xã Phú Thuận

Cao điểm của phong trào nuôi TCX trong ruộng lúa của tỉnh An Giang có lúc đạt diện tích thả nuôi đến 650 ha. Tuy nhiên, sau đó diện tích cứ giảm dần. Đến năm 2015, chỉ còn 346,23 ha. Nguyên nhân chủ yếu do giá cả bấp bênh, con giống không đạt chất lượng, năng suất thấp, môi trường nước chưa bảo đảm… Trước tình hình đó, Trung tâm Giống thủy sản tỉnh đã triển khai thực hiện gói hỗ trợ tài chính – kỹ thuật – thị trường giai đoạn 2015 – 2016, sản xuất khoảng 15 triệu con post/năm, bảo đảm cung cấp cho vùng nguyên liệu 100 ha. Trung tâm thực hiện 6 héc-ta mô hình ƯDCNC thí điểm từ tháng 6/2015 với năng suất 1,2 – 1,3 tấn/ha (tăng 30% so năm 2014). Đến nay, vùng nuôi tôm  xã Phú Thuận có 15,5 ha thả giống tôm toàn đực ƯDCNC.


Định hướng phát triển

Đến đầu tháng 8-2016, xã Phú Thuận có 32 hộ thả nuôi TCX với diện tích 76,1 ha, số lượng khoảng 6,4 triệu con, trong đó có gần 30 héc-ta nuôi tôm toàn đực. Đến nay, người nuôi thu hoạch khoảng 5 ha, năng suất gần 1 tấn/ha. Có 3 hộ nuôi tôm toàn đực, được hỗ trợ 100% con giống để thực hiện mô hình điểm, sau 2 tháng thả nuôi tôm phát triển tốt so với nuôi truyền thống. “Dù năng suất có cao hơn nhưng giá cả thì khá bấp bênh. Trị giá sản phẩm của tôm toàn đực giống như nông dân được khuyến khích trồng lúa chất lượng cao, tức không hơn bình thường bao nhiêu. Từ đó, người nuôi tôm có phần dè dặt trong mở rộng diện tích nuôi. Song, nuôi tôm luân canh vẫn có lợi hơn rất nhiều so với trồng lúa” – anh Nguyễn Văn Sang, hộ nuôi tôm ở ấp Phú Tây (xã Phú Thuận), thông tin.

“Phát huy lợi thế tiềm năng của tỉnh, khai thác khả năng tiêu thụ TCX trên thị trường trong và ngoài nước, An Giang cần sớm quy hoạch, phát triển vùng nuôi tôm chuyên canh ƯDCNC. Tỉnh cần ổn định diện tích nuôi trên ruộng luân canh với cây lúa, mở rộng mô hình nuôi tôm trong ao đất, ứng dụng quy trình nuôi tôm thương phẩm đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn. Đồng thời, gắn kết với doanh nghiệp chế biến thủy sản theo hình thức chuỗi liên kết như nuôi liên kết hoặc hợp đồng tiêu thụ sản phẩm để bảo đảm đầu ra, giá cả ổn định. Đây là mô hình hiệu quả mà tỉnh An Giang đang có môi trường thuận lợi” – một cán bộ Chi cục Thủy sản tỉnh chia sẻ.

Đồng tình với ý kiến này, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thoại Sơn Phan Thanh Tùng thông tin: “Mô hình lúa – tôm thực hiện từ nhiều năm ở xã Phú Thuận. Song, đa phần người nuôi sản xuất theo kiểu tự phát, thiếu sự đầu tư đồng bộ và không ít hộ còn thiếu vốn. Hiện nay, chúng tôi đang hoàn chỉnh các bước từ con giống, tạo nguồn vốn, hỗ trợ kỹ thuật cho đến tìm đầu ra và kêu gọi các thành phần, bà con trong và ngoài huyện cùng tham gia. Thực hiện mô hình này sẽ góp phần khai thác tiềm năng sẵn có của địa phương, tạo nguồn nguyên liệu cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, nhất là giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người dân”.

“Mô hình lúa – tôm đang thực hiện nằm trọn ở ấp Phú Tây (cặp kênh So Đũa) và một phần diện tích của ấp Hòa Tây B (kênh Bô). Thực hiện kế hoạch của huyện, năm 2016, vùng nuôi tôm Phú Thuận có khoảng 300 ha, phấn đấu năm 2020 đạt ít nhất 502 ha. Địa phương đang từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng dự án (điện, nước, đường giao thông, cống thoát nước…), đồng thời, vận động bà con mạnh dạn đầu tư sản xuất lúa-tôm kết hợp hoặc chuyên canh tôm. Chúng tôi đang xin ý kiến thực hiện việc hoán đổi diện tích giữa các hộ trong và ngoài vùng dự án để hoàn thành theo kế hoạch của huyện” – ông Phùng Duy Nam, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận, nhấn mạnh.

>> Theo Chi cục Thủy sản An Giang, đến năm 2020, có khoảng 300 ha nuôi TCX ƯDCNC, tập trung ở huyện Thoại Sơn (250 ha) và Châu Phú (50 ha). Đồng thời, phát huy ưu thế về nguồn giống TCX toàn đực, tập trung đầu tư mở rộng nâng cấp trại giống, cải thiện quy trình sản xuất phát triển thành trung tâm sản xuất giống TCX toàn đực cấp vùng, cung cấp tôm giống cho nhu cầu nuôi thương phẩm của tỉnh và các tỉnh trong khu vực.

Bài, ảnh: Nguyễn Rạng

Báo An Giang

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!