Bà Rịa – Vũng Tàu: Hướng đến phát triển nuôi biển bền vững

Chưa có đánh giá về bài viết

Từ nhiều năm nay, nuôi trồng thủy sản là lĩnh vực đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập, giữ vững an ninh quốc phòng; đồng thời giữ gìn và bảo vệ môi trường sinh thái, phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản ở các thủy vực biển và ven biển.

Nhiều chính sách ưu đãi

Từ nhiều năm trước, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển, như: Quyết định số 1548/QĐ-UBND, ngày 10/8/2012 về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đến năm 2020; trong đó, đặc biệt chú trọng phát triển nuôi vùng cửa sông và biển đảo bao gồm các vịnh ven biển huyện Côn Đảo (vịnh Bến Đầm, vịnh Côn Sơn và vịnh Đông Bắc) và vùng cửa sông Chà Và thuộc xã Long Sơn, TP.Vũng Tàu. Những vùng này thích hợp cho việc phát triển các đối tượng hải sản có giá trị kinh tế cao với hình thức nuôi lồng bè với các đối tượng như: cá mú, cá hồng, cá bớp, cá chim, tôm hùm đá, hàu, nuôi trai lấy ngọc, sinh vật cảnh và nuôi bãi bồi nhuyễn thể hai mảnh vỏ như hàu, sò huyết…

Mới đây, tỉnh đã ban hành quy chế quản lý và giao, cho thuê mặt nước để nuôi thủy sản lồng bè, nhuyễn thể hai mảnh vỏ tại các vùng nước trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Chính sách giao mặt nước cho đối tượng thụ hưởng là cá nhân sinh sống và có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, có nguồn sống chủ yếu dựa vào thu nhập từ nuôi trồng thủy sản hoặc làm nghề khai thác thủy sản ven bờ nay chuyển sang nuôi thủy sản lồng bè, nuôi nhuyễn thể hai mảnh vỏ. Với chính sách này sẽ không thu tiền sử dụng để nuôi thủy sản lồng bè, nuôi nhuyễn thể hai mảnh vỏ, thời hạn giao mặt nước lâu dài là 20 năm.

Ảnh: Việt Anh

 

Phát huy tiềm năng

Tiềm năng phát triển nuôi biển trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu còn lớn, tỉnh cũng đã có những định hướng cụ thể để khai thác tiềm năng và sử dụng hợp lý, có hiệu quả mặt nước NTTS vùng cửa sông, ven biển của địa phương.

Thời gian tới, tỉnh cần tập trung vào một số định hướng như tập trung đầu tư đẩy mạnh phát triển nuôi thủy sản lồng bè trên biển, nuôi nhuyễn thể 2 mảnh vỏ vùng bãi triều theo chiều sâu với hình thức nuôi thâm canh, bán thâm canh và nuôi sinh thái. Chú trọng an toàn vệ sinh thực phẩm thủy sản, bảo vệ môi trường sinh thái, nguồn lợi thủy sản, kết hợp với tham quan du lịch. Thu hút, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư nuôi thủy sản lồng bè và nhuyễn thể hai mảnh vỏ với những sản phẩm có giá trị dinh dưỡng và kinh tế cao; đẩy nhanh việc ứng dụng khoa học – công nghệ để nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm thuỷ sản, giảm thiểu ô nhiễm môi trường vùng nuôi. Phát triển nuôi đa loài trong khu vực quy hoạch nhằm cải thiện chất lượng môi trường nước và giảm nguy cơ dịch bệnh. Ưu tiên những loài có giá trị kinh tế cao, sản lượng lớn; đối tượng nuôi lồng bè chủ lực như cá bớp, cá mú, cá mhim, cá mhẽm, cá hồng, cá cam, hàu, trai ngọc, tôm hùm đá (tôm kẹt); nuôi bãi triều như: hàu, sò huyết, vẹm vỏ xanh. Nuôi cá lồng bè từng bước tăng tỷ trọng sử dụng thức ăn công nghiệp giảm áp lực khai thác nguồn lợi hải sản tự nhiên làm thức ăn trong quá trình nuôi, nhằm bảo vệ nguồn lợi và giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước. Hình thành mô hình quản lý cộng đồng gắn với sinh kế người dân địa phương. Trong đó vai trò của các cơ sở nuôi là hạt nhân, điều phối, thống nhất các hoạt động quản lý về môi trường, dịch bệnh, mùa vụ nuôi, con giống, thức ăn…

Nhưng quan trọng hơn đó là cần tăng cường sự liên kết chặt chẽ giữa các cơ sở nuôi với các ngành nghề khác. Cụ thể, nhà cung cấp đầu vào (Cơ sở sản xuất con giống, công ty/đại lý thuốc, hóa chất, thức ăn thủy sản); liên kết với các thương lái, nậu vựa, doanh nghiệp chế biến; liên kết với các viện, trường và các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực bao gồm nhân viên kỹ thuật và công nhân có tay nghề qua tập huấn; người nuôi cần liên kết với các ngân hàng để tiếp cận nguồn vốn tín dụng hoặc các nguồn vốn ưu đãi, hỗ trợ theo chính sách. Thực hiện chính sách giao, cho thuê mặt nước khu vực ven biển, ven đảo cho các thành phần kinh tế để NTTS ổn định, lâu dài. Khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia phát triển NTTS ven biển, ven đảo, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển cơ sở sản xuất kinh doanh các ngành nghề thủy sản theo quy hoạch NTTS ven biển, ven đảo của tỉnh.

>> Theo chỉ tiêu cụ thể của Bà Rịa – Vũng Tàu, đến năm 2015 mô hình nuôi lồng bè đạt 4.600 lồng và đến năm 2020 tăng lên là 5.300 lồng; trong đó, diện tích nuôi cá biển và sinh vật cảnh đến 2020 là 500 ha, nuôi trai lấy ngọc là 100 ha, nuôi bãi bồi nhuyễn thể hai mảnh vỏ 230 ha.

ThS Trần Đức Liêm

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!