Bắc Giang: Giá ổn, lãi cao như nuôi cá VietGAP

Chưa có đánh giá về bài viết

Liên kết nuôi cá rô phi theo VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm là mô hình đã mang lại giá trị kinh tế xã hội và cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho người nuôi cá tại xã Thái Sơn, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang.

Đại biểu tham quan mô hình của anh Nguyễn Văn Trường   Ảnh: Ngọc Diệp

Đại biểu tham quan mô hình của anh Nguyễn Văn Trường Ảnh: Ngọc Diệp

Mô hình do Công ty TNHH MTV Hoàng Yên phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện Hiệp Hòa triển khai năm 2017 với tổng quy mô 3 ha nhờ sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia. Hộ tham gia mô hình được nhà nước hỗ trợ 100% giống, 30% vật tư gồm thức ăn, chế phẩm sinh học và tập huấn hướng dẫn quy trình kỹ thuật nuôi cá theo VietGAP.

Anh Nguyễn Văn Tỉnh, thôn Quế Sơn, xã Thái Sơn là hộ tham gia mô hình, có hơn 20 năm kinh nghiệm nuôi cá theo phương thức truyền thống chia sẻ, nhờ được cán bộ kỹ thuật chỉ đạo, hướng dẫn, gia đình đã mạnh dạn đầu tư 1,5 ha nuôi cá rô phi theo VietGAP. Sau gần 6 tháng nuôi, thu 26,6 tấn cá, tăng khoảng 15% giá trị so trước đây. Để giảm bớt chi phí mua thức ăn, anh Tỉnh còn tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên như bèo, cám ngô, lá cây, cỏ kết hợp với cám công nghiệp nên thời điểm hiện tại với giá bán 31.000 đồng/kg, lãi 7.000 – 10.0000 đồng/kg. Như vậy với 1,5 ha nuôi thủy sản hiện có, mỗi năm gia đình anh Tỉnh thu hơn 50 tấn cá, lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng/năm.

Cùng thôn có hộ anh Nguyễn Văn Trường tham gia mô hình 1 ha khẳng định, nuôi theo quy trình VietGAP đòi hỏi phải tuân thủ các quy định kỹ thuật nghiêm ngặt từ khâu chọn giống, kỹ thuật chăm sóc đến quản lý môi trường ao nuôi, do đó cá nuôi sạch, chất lượng thịt chắc và thơm ngon hơn. Để chủ động nguồn nước sạch cung cấp cho ao nuôi, các hộ còn bố trí riêng một ao thả bèo tây, bèo tấm hoặc thả thêm cá mè hoa trực tiếp nuôi trong ao giúp lọc nước rất tốt. Đây vừa là kinh nghiệm thực tế của những người nuôi cá hiệu quả cao tại xã Thái Sơn, vừa đáp ứng được các tiêu chí kỹ thuật nuôi cá theo VietGAP là hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường, giảm bệnh cho cá; hạn chế việc sử dụng thuốc, hóa chất, tạo sản phẩm sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Toàn bộ sản phẩm cá sau thu hoạch được Công ty TNHH MTV Hoàng Yên ký hợp đồng bao tiêu để cung cấp cho bếp ăn tập thể của các công ty, nhà máy xí nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và một số chợ đầu mối trong vùng. Mặt khác, Công ty cũng ký hợp đồng thỏa thuận bao tiêu sản phẩm của các hộ trong khu vực thực hiện nuôi theo VietGAP và nhận cung cấp giống, vật tư trả chậm nếu các hộ có nhu cầu. Từ đó. bước đầu hình thành liên kết chuỗi trong nuôi cá nông dân yên tâm sản xuất, ổn định đầu ra, giải quyết vấn đề khó khăn về thị trường, tránh tình trạng bị tư thương ép giá.

Hiện, toàn tỉnh Bắc Giang có khoảng 50 hộ nuôi cá theo VietGAP với diện tích chừng 45 ha. Có thể nói, mô hình “Liên kết nuôi cá rô phi theo VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm” đã và đang thực sự có ý nghĩa to lớn đối với các hộ nuôi thâm canh tại xã Thái Sơn, huyện Hiệp Hòa nói riêng và tỉnh Bắc Giang nói chung. Với diện tích trên 12.300 ha mặt nước nuôi thủy sản, trong đó gần 4.000 ha nuôi thâm canh, bán thâm canh với đối tượng cá rô phi chiếm khoảng 70 thì khả năng nhân rộng của mô hình là rất cao.

Ngọc Diệp

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!