Bập bềnh Cù lao Câu

Chưa có đánh giá về bài viết

Cù Lao Câu là một hòn đảo trẻ nổi lên giữa biển, một trong những địa danh của vùng đất Tuy Phong, Bình Thuận. Đến đây, du khách sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước một vẻ đẹp tự nhiên, hoang sơ. Cách bờ chừng 9km, có thể đến đảo từ nhiều điểm khác nhau như xã Phước Thể, xã Vĩnh Hảo, xã Bình Thạnh hoặc từ Cà Ná. Tùy theo từng bến đi, nhưng trung bình đi ghe máy độ 40 phút sẽ đến đảo.


Cù Lao Câu là một hòn đảo trẻ nổi lên giữa biển 

Từ thiên nhiên hoang sơ

Cù Lao Câu có nhiều hang động bí ẩn được tạo thành bởi sự liên kết của đá. Trước hoặc sau khi khám phá hang động, khách có thể để chân trần chạy trên những miền cát trắng mịn màng và ào xuống làn nước trong xanh, rũ bỏ mọi ưu phiền. Đây là địa điểm lý tưởng để khách đoàn cắm trại, sinh hoạt tập thể. Nghỉ đêm ở Cù Lao Câu, có thể nghe tiếng sóng biển dạt dào, tận hưởng làn gió biển mạnh mẽ và ngắm nhìn biển đêm lấp lánh với hàng trăm chiếc đèn của những chiếc ghe đánh cá neo đậu trên biển. Biển quanh đảo còn thích hợp để khách lặn ngắm san hô, bắt ốc.

Xung quanh đảo nước trong xanh, khi thủy triều xuống, bờ biển làm lộ ra vô vàn vỏ ốc, vỏ sò đẹp, làm say mê nhiều du khách. Quanh đảo có nhiều loại hải sản sinh sống, mà người giỏi nghề biển với dụng cụ đơn giản có thể kiếm được thức ăn tươi. Trên đảo có giếng cạn để lấy nước, ít nhưng đó là dạng nước nhỉ nên có thường xuyên – sách xưa gọi là Giếng Tiên. Cù Lao Câu được quy hoạch làm khu bảo tồn sinh vật biển, trong tương lai hứa hẹn nhiều triển vọng làm khu bảo tồn sinh thái.

Đến truyền thống văn hóa, tín ngưỡng

Theo một số tài liệu nghiên cứu lịch sử – văn hóa thì từ rất xa xưa người Chăm đã từng xây dựng ở đây một đền thờ Thánh Mẫu Thiên Y Ana. Hằng năm tại đền thờ có nhiều nghi lễ được tổ chức ở đây, một phần cầu mong cho sự phù hộ của vị thần với những người đi biển và làm ăn trên biển, phần cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Nhiều nguyên nhân khác nhau tác động đã làm cho đền thờ bị hủy hoại và mất dấu vết cũng như những đền thờ khác của người Chăm cùng thời đã bị hủy hoại, chỉ còn lưu lại trong sử sách.

Kế thừa tín ngưỡng của người Chăm xưa, người Việt, sau khi tiếp quản Cù Lao Câu, đã đóng góp công, của xây dựng tại đảo một đền thờ để thờ thần Nam Hải (cá voi) – vị thần mà theo tín ngưỡng của ngư dân rất linh thiêng và có nhiều lần cứu nguy cho ngư dân làm ăn trên biển bị nạn. Dù không ai biết ngôi đền đó do ai xây dựng và dựng vào thời nào nhưng phong tục tập quán và sự tín ngưỡng vị thần trong ngôi đền vẫn được giữ gìn, lưu truyền, thờ phụng một cách trang nghiêm từ xưa đến nay. Lễ cúng lớn nhất ở Đền thờ thần Nam Hải trên Cù Lao Câu là vào dịp rằm và 16 tháng Tư âm lịch hàng năm và tổ chức hát chèo bà trạo để tế Ngài.

>> Cù Lao Câu có hai mùa rõ rệt: mùa gió nam và mùa gió bấc. Thời điểm từ tháng 1 đến tháng 6, biển êm, tàu thuyền neo đậu tấp nập; cây cối xanh tốt. Nhưng 6 tháng còn lại với mùa gió bấc thì khô cằn, khắc nghiệt.

Hải Linh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!