Cá bè nuôi chết hàng loạt: Xảy ra nhiều lần, vì sao không thể phòng tránh?

Chưa có đánh giá về bài viết

Vụ việc hơn 1.500 tấn cá bè nuôi trên sông La Ngà, huyện Định Quán bị chết cuối tháng 5 vừa qua đã được cơ quan chức năng kết luận rõ nguyên nhân. Theo đó, nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này là do mưa lớn đầu mùa khiến lượng nước từ thượng nguồn đổ về mang theo chất thải sinh hoạt làm lượng oxy hòa tan giảm mạnh khiến cá chết.

Hàng ngàn tấn cá bè của người nuôi trên sông La Ngà, huyện Định Quán bị chết cuối tháng 5 vừa qua được kết luận là do thiên tai

Đây không phải lần đầu trên địa bàn tỉnh xảy ra tình trạng cá bè nuôi bị chết do ô nhiễm nguồn nước và mật độ nuôi cao. Câu hỏi đang được đặt ra, dù lặp đi lặp lại nhiều lần nhưng vì sao người nuôi vẫn không thể phòng tránh?

Cá chết do thiên tai

Theo Sở Nông nghiệp – phát triển nông thôn (NN-PTNT), sau nhiều lần lấy mẫu phân tích, các cơ quan chức năng kết luận nguyên nhân khiến hàng ngàn tấn cá bè của người nuôi trên sông La Ngà bị chết trong đêm 20 và rạng sáng ngày 21-5 là do biến đổi thời tiết. Cụ thể là do mưa lớn, nguồn nước từ các sông, suối đổ ra mang theo nhiều chất thải dẫn đến cá nuôi dưới bè bị ngộp chết hàng loạt.

Trước đó, theo kết quả kiểm tra các mẫu nước do Chi cục Thủy sản (Sở NN- PTNT) lấy ngay sau thời điểm cá chết cũng cho thấy nhiều chỉ tiêu về môi trường nuôi đều không đảm bảo. Theo đó, hàm lượng oxy hòa tan (DO) đều thấp dao động trong khoảng 2,6 – 3,2mg/lít nước, trong khi hàm lượng DO tối ưu khuyến cáo cho đối tượng nuôi từ 4 mg/lít nước trở lên.

Ngoài ra, hàm lượng amoni (NH4) cũng vượt mức giới hạn cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt để nuôi cá khoảng 5 -11 lần và hàm lượng nitơ dioxit (NO2) vượt mức giới hạn cho phép từ 10 – 20 lần.

Giám đốc Sở NN-PTNT Huỳnh Thành Vinh cho biết thêm, về số lượng cá bị chết, đến thời điểm hiện tại thống kê của các địa phương cũng đã vượt quá con số thống kê ban đầu. Theo đó, thống kê ngay sau khi thời điểm cá chết vừa diễn ra thì có 322 bè cá trên sông La Ngà của 80 hộ dân thuộc hai xã La Ngà và Phú Ngọc bị thiệt hại. Cá chết chủ yếu là điêu hồng, cá chép, cá lăng và cá mè với tổng số 1.538 tấn. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại theo số liệu thống kê của địa phương có đến 550 bè cá chết với số lượng hơn 1.990 tấn.

Vụ cá nuôi bè bị chết hàng loạt trên sông La Ngà vừa qua không phải diễn ra lần đầu trên địa bàn tỉnh. Gần đây nhất, vào tháng 1- 2016, hơn 200 tấn cá nuôi của người dân trong các lồng, bè trên sông Cái (xã Hiệp Hòa, TP. Biên Hòa) cũng đã bị chết khiến nhiều người mất Tết. Nguyên nhân sau đó được xác định là do nguồn nước bị ô nhiễm khiến nồng độ ôxy hòa tan giảm mạnh cộng với mật độ nuôi cao khiến cá bị chết.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Phùng Cẩm Hà, việc cá nuôi bè trên địa bàn tỉnh bị chết đã diễn ra lặp đi, lặp lại khá nhiều lần. “Cứ 2 – 3 năm cá lại bị chết như vậy”, ông Hà cho hay. 

Chuyện cảnh báo: Cơ quan chức năng nói có, dân bảo không

Thực tế, việc cá nuôi bè bị chết đã xảy ra nhiều lần trên địa bàn tỉnh. Phần lớn các vụ cá bè chết nguyên nhân được xác định đều do môi trường nước bị ô nhiễm khi xảy ra biến động thời tiết. Đặc biệt, thời điểm đầu mùa mưa, khi xảy ra các cơn mưa lớn khiến lượng nước từ đầu nguồn sông, suối mang theo chất thải sinh hoạt theo dòng nước đổ về các khu vực nuôi cá bè. 

Thế nhưng, vì sao đã xảy ra nhiều lần nhưng người nuôi lại không thể phòng tránh? Đây là câu hỏi được không ít người đặt ra.

Theo ông Phùng Cẩm Hà, đối với môi trường nước tại các vùng nuôi cá bè đều được Chi cục Thủy sản giám sát kỹ và thông báo đến người dân. Theo ông Hà, việc quan trắc môi trường nước tại các vùng nuôi được đơn vị này thực hiện định kỳ đều đặn. “Thường mỗi tháng, chúng tôi thực hiện quan trắc một lần môi trường nước tại các vùng nuôi cá bè”, ông Hà cho hay.

Cũng theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, sau khi có kết quả quan trắc, đơn vị đều thông báo đến các địa phương có nuôi cá bè để thông báo đến người nuôi giúp họ chủ động phòng tránh.

Thế nhưng, theo ông Nguyễn Văn Nghĩa, một người nuôi cá bè tại xã La Ngà có hơn 1,6 tấn cá bị chết cuối tháng 5 vừa qua, đa số người nuôi không nhận được bất kỳ sự cảnh báo nào từ cơ quan chức năng cũng như chính quyền địa phương. “Không có! Tôi không hề được chính quyền xã, huyện hay cơ quan nào thông báo gì cả”, ông Nghĩa khẳng định. Theo ông Nghĩa, mấy ngày trước khi cá chết cũng có 3, 4 cơn mưa nhưng mọi chuyện vẫn bình thường. Đến ngày 20-5, có cơn mưa cũng không lớn lắm, nước trên sông vẫn bình thường. Nhưng đến tối cùng ngày thì nước chảy về mạnh và cá bắt đầu chết. Sau đó, nước chảy tới đâu cá chết tới đó. “Trước đó, có 3, 4 cơn mưa rồi nhưng chúng tôi cũng không nghe ai cảnh báo gì cả”, ông Nghĩa cho hay. 

Tương tự, anh Nguyễn Văn Trí, ấp 1, xã La Ngà, hộ nuôi bị thiệt hại gần 19 tấn cá các loại trong vụ việc vừa qua cũng cho biết không hề nhận được cảnh báo nào trước đó.

Ngoài nguyên nhân do nguồn nước bị ô nhiễm thì mật độ nuôi quá cao tại các khu vực nuôi cá bè cũng được cho là nguyên nhân gây nên hiện tượng cá chết hàng loạt. Tuy nhiên, theo ông Phùng Cẩm Hà, hiện Chi cục Thủy sản lại không có chức năng kiểm soát mật độ nuôi. Theo đó hằng năm, đơn vị này chỉ tổ chức tập huấn đến người nuôi về kỹ thuật nuôi, cách quản lý và khuyến cáo mật độ nuôi, khoảng cách lồng, bè nuôi sao cho phù hợp. Cùng với đó là khuyến cáo người nuôi sử dụng thức ăn công nghiệp và hạn chế thức ăn tươi sống, thức ăn tự chế nhằm tránh gây ô nhiễm nguồn nước. “Chúng tôi không có chức năng quản lý về mật độ nuôi cũng như khoảng cách lồng, bè nuôi”, ông Hà cho biết.

Phạm Tùng

Báo Lao Động Đồng Nai

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!