Cách mạng 4.0: Biến giấc mơ thành hiện thực

Chưa có đánh giá về bài viết

Việc khai thác thủy sản trong tự nhiên dần cạn kiệt đã khiến cho nuôi trồng thủy sản theo hướng hiện đại trở thành xu thế chủ đạo để đảm bảo nguồn cung cho nhân loại.


Nguyễn Hải Đăng bên máy tự động cho tôm ăn Ảnh: CTV

Rô bốt Việt trên đồng ruộng

Nguyễn Hải Đăng, một thanh niên của tỉnh Cà Mau vinh dự được nhận giải thưởng Lương Định Của của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Thành tích xuất sắc của anh là đã nghiên cứu sản xuất thành công hàng ngàn máy tự động cho tôm ăn.

Những loại máy cho ăn tự động có thể căn lượng thức ăn vừa đủ và đúng giờ, bất kể biến động của thời tiết.

Không chỉ các cá nhân mà nhiều công ty cũng đang nghiên cứu ứng dụng máy móc, tự động hóa vào nuôi trồng thủy sản. Các nhà khoa học thuộc Công ty CP Công nghệ CVTECH đã nghiên cứu sản xuất thành công máy cho tôm ăn tự động tích hợp công nghệ IoT. Máy có thể cho tôm ăn tự động bằng cách thiết lập thời gian cho ăn qua điện thoại thông minh smartphone, hoặc điều khiển kích hoạt máy cho ăn tại bất kỳ thời điểm nào thông qua smartphone. Người nuôi tôm có thể thiết lập khối lượng mỗi lần cho ăn qua điện thoại; báo lượng thức ăn còn lại trong máy lên smartphone, đồng thời giám sát, kiểm soát lượng thức ăn đã rải xuống ao.

Nuôi tôm khó nhất là theo dõi môi trường nhiệt độ, hiện nay, các nhà khoa học Việt Nam đã sáng chế ra các máy báo nhiệt độ, độ pH của nước trong ao tôm lên smartphone, tổng hợp dữ liệu dạng biểu đồ theo giờ, ngày, tuần, tháng để người dùng tiện theo dõi hoặc phân tích dữ liệu ngay trên điện thoại.

Trong bối cảnh nhân lực và chất xám vừa yếu, vừa thiếu, xu thế tìm kiếm công nghệ 4.0, chăm sóc, nuôi tôm theo các chương trình được lập trình hiện đại, dựa trên máy móc khoa học, tự động hóa, đang ngày càng trở nên phổ biến.

Hiệu quả, nhưng không dễ ứng dụng

Theo nghiên cứu, việc áp dụng công nghệ 4.0 trong thủy sản giúp việc quản lý dữ liệu hết sức thuận lợi, ứng dụng điều khiển (tự động, số, đóng/mở) các thiết bị liên quan dựa trên kết quả đo để duy trì chất lượng nước. Giám sát và điều khiển từ xa, tập trung cho trại nuôi ở những vị trí địa lý cách xa nhau; giúp thu thập dữ liệu trong quá trình sản xuất nhằm truy xuất nguồn gốc.

Ước tính, việc áp dụng công nghệ 4.0 có thể giảm khoảng 20% chi phí điện năng, giảm 50% chi phí nhân công, gia tăng 5 – 10% sản lượng do tôm phát triển tốt hơn trong môi trường tốt hơn, loại bỏ rủi ro tôm chết do sự cố môi trường.

Các nhà nghiên cứu nông nghiệp của Thái Lan cho rằng công nghệ 4.0 sẽ giúp xây dựng những vùng nuôi rộng lớn, tập trung, do đó Thái Lan sẽ quy hoạch nông nghiệp thành 4 trung tâm với các đặc thù khác nhau. Tuy vậy, Thái Lan cũng nhận ra rằng để có nền nông nghiệp thông minh thì phải xây dựng hàng ngàn trung tâm đào tạo để có thể ứng dụng, sử dụng các phần mềm tính toán và điều hành sản xuất nông nghiệp.

Báo cáo của Diễn đàn kinh tế thế giới WEF về 100 quốc gia sẵn sàng cho cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam không thuộc nhóm này và các chỉ số liên quan đến đổi mới sáng tạo còn ở mức thấp. Thực tế, để tiếp cận công nghệ 4.0, Việt Nam có lợi thế về nền tảng viễn thông internet, điện thoại thông minh, song ngành công nghiệp tự động hóa, sản xuất rô bốt và năng lượng mặt trời còn yếu và thiếu.

Đồng bộ

Thị trường và khách hàng ngày càng đòi hỏi tiêu chuẩn cao và việc hiện đại hóa sản xuất là điều cần thiết. Tập đoàn Sao Mai áp dụng công nghệ 4.0 sản xuất dầu ăn từ mỡ cá tra nhận được tài trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ thông qua Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020. Sản phẩm này rất được ưa chuộng và là một ví dụ sinh động về việc đưa công nghệ 4.0 vào cuộc sống. Rõ ràng, một mình nông dân hay doanh nghiệp không thể tiếp cận được công nghệ 4.0 mà cần sự chung tay của cả hệ thống quản lý, nhiều bộ, ngành trong và ngoài lĩnh vực nông nghiệp để phát triển.

Rất nhiều nông dân cho rằng, cơ hội của người nông dân tiếp cận 4.0 là không nhiều, mà dường như dành cho các đại gia, các tập đoàn lớn. Vì công nghệ 4.0 đòi hỏi sự đầu tư vào thiết bị, công nghệ nuôi. Nguồn vốn này vượt quá khả năng của các nông hộ.

Một xu hướng khác có thể huy động nguồn lực tối đa hơn, đó là mở rộng liên kết chuỗi, liên kết 4 nhà gồm nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà nông… trong đó có liên kết giữa các trang trại và các cơ quan khoa học, các công ty sản xuất rô bốt, các công ty tin học… từ đó có thể phát triển ngành sản xuất các thiết bị tự động hóa, ngành sản xuất pin năng lượng mặt trời… song song với quá trình phát triển ngành thủy sản. 

>> Lợi ích của quá trình xây dựng công nghệ 4.0 cho ngành thủy sản sẽ không chỉ giới hạn trong nuôi thủy sản mà nó còn đem lại động lực, sức sống và lợi ích cho các ngành công nghiệp khác, đặc biệt là công nghiệp tự động hóa và năng lượng mặt trời.

Trần Nguyên Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!