Cải tiến nuôi tôm: Hiệu quả trong hạn mặn

Chưa có đánh giá về bài viết

Nuôi tôm quảng canh cải tiến ít thay nước; nuôi có mái che; trồng cỏ nuôi tôm… là những mô hình nuôi cải tiến đang được áp dụng rộng rãi ở các tỉnh ĐBSCL. Nhằm hạn chế tình trạng hạn mặn đang diễn ra khốc liệt và giúp giảm thiệt hại, mang lại hiệu quả cho người nuôi tôm.

Quảng canh cải tiến ít thay nước

Đây là mô hình đang được nhiều huyện của tỉnh Cà Mau áp dụng. Một số kỹ thuật đối với nuôi quảng canh cải tiến đã được Bộ NN&PTNT khuyến cáo như: Tập trung gia cố bờ bao, cống để tăng khả năng giữ nước; Chủ động bơm trữ nước vào mương và ao đầm nuôi khi mực nước cao ở các tuyến kênh; Diện tích ao nuôi thường < 15.000 m2; diện tích ao lắng, xử lý chiếm 10 – 15% diện tích ao nuôi; diện tích ao ương 200 – 1.000 m2; Thả giống với mật độ phù hợp và cần đạt kích thước 1,5 – 2 cm/con (nuôi chuyên tôm: mật độ thấp hơn 10 con/m2; nuôi kết hợp cua, cá là 1 – 3 con/m2). Sau 2 tháng, thả tiếp 1 – 2 con/m2 (khoảng cách giữa hai lần thả giống không quá ngắn). Tôm giống trước khi thả nên ương trong ao hoặc gièo 10 – 15 ngày để tăng tỷ lệ sống và phát triển tốt. Thực hiện đầy đủ các quy trình nuôi tôm đúng khoa học, kỹ thuật và định kỳ bổ sung các chế phẩm sinh học vào ao nuôi.

cải tiến nuôi tôm hiệu quả trong hạn mặn

Giống cỏ đuôi phụng có khả năng chịu mặn khá tốt được nông dân Kiên Giang áp dụng hiệu quả – Ảnh: Lê Hoàng Vũ

 

Nuôi có mái che

Việc sử dụng các loại lưới che trong ao nuôi tôm không đỏi hỏi nhiều chi phí đầu tư và công sức của hộ nuôi. Với các vùng nắng nóng và hạn mặn kéo dài, người nuôi nên sử dụng các tấm lưới này để che trên mặt ao tôm ngay từ đầu vụ. Lưới sử dụng để che ao tôm thường có độ che phủ 50 – 60% để vừa tránh nắng nóng vừa đảm bảo ánh sáng cho tôm phát triển tốt. Người nuôi nên chọn loại lưới có độ bền cao, trọng lượng nhẹ, thoáng nước tốt, cản nắng mà không gây ảnh hưởng đến môi trường sống của tôm. Để sử dụng cho những ao nuôi có diện tích lớn và thời gian sử dụng lâu dài, nên chọn những loại lưới có độ bền cao, dễ thi công và không làm ảnh hưởng đến vệ sinh trên mặt ao.

 Hiện, trên thị trường có rất nhiều nhà cung cấp loại lưới che cho ao nuôi tôm và thủy sản với các nguồn gốc xuất xứ khác nhau như: Thái Lan, Đài Loan, Việt Nam… Trong đó, loại lưới che từ Thái Lan tuy có giá thành đắt nhưng có nhiều đặc tính vượt trội như độ dốc tốt, độ bền 3 – 5 năm, che nắng 40 – 80%, kích cỡ phổ biến là (2×100)m, (3×50)m được nhiều người nuôi tôm sử dụng. Quy trình nuôi tôm có mái che bằng lưới đang được nhiều người nuôi tôm tại tỉnh Kiên Giang, Nghệ An áp dụng mang lại hiệu quả. Bởi, hệ thống lưới che giúp hạn chế ánh nắng chiếu thẳng xuống ao nuôi, làm giảm chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm. Đồng thời, giúp giảm tình trạng bốc hơi nước và giữ độ mặn ổn định cho ao nuôi, hạn chế tảo phát triển.

 

Trồng cỏ nuôi tôm

Cỏ được trồng trong ao tôm chủ yếu là cỏ năn tượng (hến biển). Theo TS Dương Văn Ni, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm đa dạng sinh học Hòa An – Trường Đại học Cần Thơ, trong hệ sinh thái tự nhiên của đầm lầy ven biển, năn tượng là cây tiên phong phát triển trên nền bùn nhão, giúp giữ lại lớp phù sa. Còn trong hệ sinh thái ao nuôi tôm, năn tượng giúp ổn định nhiệt độ nước và làm giảm các chất ô nhiễm do thức ăn tôm dư thừa gây ra. Cỏ năn tượng có thể sống với mật độ rất dày 800 – 1.000 cây/m2, hệ thống rễ chằng chịt của cây chính là nơi lọc mặn và giữ đất rất tốt. Trong quá trình phát triển, các chồi non của cây cũng là nguồn thức ăn của cua, tôm, cá… Ðến cuối mùa nắng, khi cây lụi dần và chết đi, thân cây lại cung cấp cho môi trường nguồn chất hữu cơ quan trọng.

Châu An

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!