Chiến lược chiều sâu phát triển cá nước lạnh

Chưa có đánh giá về bài viết

Nghề nuôi cá nước lạnh (cá tầm, cá hồi) ở nước ta đang ngày một phát triển. Tại thủ phủ Lâm Đồng, nghề nuôi loài cá này vẫn có xu hướng mở rộng, tuy nhiên, còn nhiều khó khăn để phát huy tiềm năng.


Nghề nuôi cá nước lạnh ngày một phát triển

Tăng trưởng trở lại

Với độ cao trên 1.500 m so với mực nước biển cùng với nguồn nước lạnh phong phú, nhiệt độ dưới nước luôn ở ngưỡng dưới 200C nhờ khí hậu quanh năm mát mẻ và tỷ lệ che phủ rừng cao, có thể nói Lâm Đồng là tỉnh duy nhất ở phía Nam có điều kiện tự nhiên lý tưởng để phát triển nghề nuôi cá nước lạnh (cá hồi và cá tầm). Hiện nay, nuôi cá nước lạnh đang là nghề “ăn nên làm ra” và phát triển khá nhanh tại Lâm Đồng.

Theo báo cáo của Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh Lâm Đồng, tính đến tháng 7/2019, trên địa bàn tỉnh có 25 đơn vị, tổ chức, cá nhân nuôi cá nước lạnh thương phẩm và sản xuất giống, được tỉnh thỏa thuận và cấp giấy chứng nhận đầu tư phát triển.

Về diện tích và năng suất nuôi, đến tháng 6/2019, diện tích nuôi bể xi măng, ao hồ lát bạt, bể composite là 49 ha; năng suất bình quân 30 tấn/ha so năm 2015 năng suất bình quân chỉ đạt 19,5 tấn/ha; Năng suất cá tầm nuôi lồng bè trên hồ chứa nước Kala là 30 kg/m3 cao hơn năm 2015 là 11,5 kg/m3 nước.

Về sản lượng, năm 2017, sản lượng cá nước lạnh của tỉnh ước đạt 800 tấn, đạt 69% so kế hoạch 1.150 tấn. Năm 2018 uớc đạt 950 tấn, đạt 76% so kế hoạch 1.250 tấn. Năm 2019 ước thực hiện 1.250 tấn, đạt 96% so với kế hoạch 1.300 tấn. Trong hai năm 2017 – 2018, sản lượng cá nước lạnh của Lâm Đồng khá thấp, lượng cung ứng ra thị trường không đáp ứng đủ nhu cầu. Nguyên nhân được cho là do ảnh hưởng của cơn bão số 12 (tháng 11/2017). Tuy nhiên năm 2019 các doanh nghiệp đã khắc phục được hoàn toàn sự cố, ổn định lại sản xuất, sản lượng cá nước lạnh khả năng sẽ đạt so với kế hoạch đã đề ra.

Đổi hướng đầu tư

Cũng theo báo cáo của Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh Lâm Đồng, từ năm 2015 đến nay số lượng doanh nghiệp tham gia sản xuất cá tầm bị giảm (1/3) so năm 2015 do nhiều nguyên nhân khác nhau như: Thiếu tính chuyên nghiệp; hiệu quả kinh doanh kém; thiếu kinh nghiệm kỹ thuật; thiếu vốn; chưa lấy mục tiêu phát triển cá nước lạnh làm mục tiêu chính của doanh nghiệp, từ đó trả dự án hoặc chuyển mục đích kinh doanh, một số doanh nghiệp phá sản.

Tuy vậy số doanh nghiệp còn lại, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp G7 (các doanh nghiệp có quy mô nuôi – sản lượng lớn) trong 2 năm 2017 – 2019 đã đầu tư chiều sâu, nâng quy mô bằng cách tăng số lượng trang trại mới, từ đó tăng được sản lượng nuôi, không ngừng ứng dụng công nghệ kỹ thuật cao trong thiết kế và đầu tư xây dựng hạ tầng thủy sản nước lạnh, ứng dụng quy trình kỹ thuật nuôi cá tầm suối trong bể xây có mái che theo hình thức nuôi công nghiệp, mật độ dày, có kiểm soát bằng các chỉ tiêu kinh tế – kỹ thuật, giảm thiểu rủi ro, tăng tỷ lệ sống, tăng sản lượng, chất lượng cá tầm thương phẩm hàng hóa; góp phần đưa thương hiệu cá tầm suối Đà Lạt ngày càng ảnh hưởng sâu rộng đối với thị trường tiêu thụ và khẳng định được chất lượng sản phẩm trong các nhà hàng, siêu thị cao cấp trong nước.

Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng bên cạnh đầu tư nuôi thương phẩm còn đẩy mạnh phát triển một số giống cá tầm chuyên dụng để chế biến dòng sản phẩm cao cấp có hiệu quả kinh tế lớn là trứng cá đen (caviar). Từ 2017 đến nay, sản lượng trứng cá đen do các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sản xuất liên tục tăng. Năm 2017, sản lượng trứng cá đen sản xuất và chế biến là 1.000 kg; năm 2018 là 1.200 kg/năm và năm 2019 ước thực hiện 1.500 kg.

Cơ sở để bứt phá

Từ năm 2017 đến nay, nhu cầu giống cá nước lạnh cho sản xuất cá thịt thương phẩm hàng hóa và lấy trứng cá đen ngày càng tăng. Cụ thể, năm 2017 nhu cầu về giống cá tầm, cá hồi (trong đó 95% cá tầm) là 1,3 triệu con; năm 2018 là 1,35 triệu con; năm 2019 nhu cầu cho sản xuất theo kích thước và quy cỡ cho từng loại hình thức nuôi khoảng 1,5 triệu con. Với sự đầu tư nâng cấp và ứng dụng công nghệ kỹ thuật vào sản xuất giống, sản lượng con giống sản xuất ra đáp ứng đủ 100% nhu cầu về con giống cho các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất trong tỉnh và 85% nhu cầu con giống cho cả nước.

Thời gian tới, tỉnh Lâm Đồng đặt mục tiêu, đến năm 2020 đạt sản lượng 1.500 tấn; trong đó cá tầm 1.450 tấn, cá hồi 50 tấn. Và đến năm 2022, sản lượng đạt 2.000 tấn. Về diện tích, phát triển tăng thêm diện tích đầu tư trang trại nuôi cá nước lạnh có mái che theo hướng nuôi công nghiệp kỹ thuật cao đến năm 2020 là 100 ha, năm 2022 là 120 ha, trong đó diện tích nuôi cá hồi 5 – 10 ha. Phát triển diện tích nuôi lồng bè đến năm 2020 khoảng 50 ha, năm 2022 là 80 ha với số lượng lồng bè nuôi ở các thủy vực hồ chứa 300 – 350 lồng; ngoài ra phát triển các hình thức nuôi khác như nuôi ao hồ có lát bạt, ao xây, nuôi trong bể composte…

Để đạt được mục tiêu này, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp từ con giống; thức ăn; quản lý, kỹ thuật; công tác phát triển liên kết chuỗi giá trị sản xuất và xây dựng thương hiệu cá tầm… Trong đó, giống là giải pháp đầu tiên và hết sức quan trọng trong chuỗi sản xuất – tiêu thụ khép kín của ngành nuôi cá nước lạnh. Chính vì thế, Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh Lâm Đồng cũng đề ra những giải pháp thực hiện để tăng tốc phát triển giống như: Tăng cường phát triển các cơ sở nhân giống các giống chủ lực với quy mô và loại hình phát triển phù hợp với năng lực quản lý của từng doanh nghiệp. Khuyến khích các doanh nghiệp có điều kiện về cơ sở hạ tầng, có điều kiện về nhập trứng giống, kỹ thuật ương nuôi cá giống, sản xuất giống có nguồn gốc, giống sạch bệnh, đủ chuẩn cho các loại hình thức nuôi trước khi cung ứng cho các trại nuôi thương phẩm, giảm thiểu rủi ro trong quá trình nuôi từ giống lên thương phẩm. Phát triển các đối tượng giống cá nước lạnh mới…

Dù còn nhiều khó khăn, song những số liệu quy hoạch nói trên đã thể hiện “những bước đi vững chắc, có tính chiến lược lâu dài và đầu tư theo chiều sâu” cho nghề cá nước lạnh ở Lâm Đồng. Sự phát triển của nghề cá nước lạnh ở Lâm Đồng cũng khẳng định định hướng đúng đắn cũng như phù hợp với mục tiêu mà Bộ NN&PTNT đã đề ra trong Quyết định số 3195/QĐ-BNN-TCTS ngày 11/8/2018 về việc phê duyệt quy hoạch phát triển cá nước lạnh đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Phát triển sản xuất cá nước lạnh tạo sản phẩm hàng hóa với chất lượng và giá cả cạnh tranh đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Sản xuất đủ con giống, thức ăn từ trong nước đảm bảo chất lượng cung cấp cho nuôi thương phẩm để giảm giá thành sản xuất. Tạo công ăn việc làm và thu nhập cho đồng bào vùng sâu vùng xa, đồng thời góp phần bảo vệ an ninh quốc phòng khu vực Đông Bắc, Tây Bắc và Tây Nguyên của Tổ quốc.

>> Mục tiêu sản xuất giống cá nước lạnh của Lâm Đồng: Năm 2019: Cá tầm 1,5 triệu con, cá hồi 100.000 con; Năm 2020: Cá tầm 2 triệu con, cá hồi 100.000 con; Năm 2021: Cá tầm 2,5 triệu con, cá hồi 100.000 con; Năm 2022: Cá tầm 3 triệu con, cá hồi 100.000 con.

Nguyễn Văn Hữu – Vụ Nuôi trồng thủy sản

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!