Chưa tìm được nguyên nhân tôm hùm chết

Chưa có đánh giá về bài viết

Đây là bức xúc của người nuôi tôm hùm tại vịnh Xuân Đài, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Bởi tôm chết hàng loạt với số lượng rất lớn, thiệt hại nặng nề, thời gian xảy ra khá lâu nhưng nguyên nhân hiện vẫn là “ẩn số”.

Tôm hùm tại vịnh Xuân Đài chết hàng loạt

Tôm hùm tại vịnh Xuân Đài chết hàng loạt

Trắng tay vì tôm

Từ khoảng giữa tháng 5/2017, tại nhiều vùng nuôi tôm hùm thuộc vịnh Xuân Đài xuất hiện tình trạng cá tự nhiên chết hàng loạt khiến người nuôi lo lắng. Ông Nguyễn Như Hùng ở khu phố Phước Lý, phường Xuân Yên (thị xã Sông Cầu), cho biết, tình trạng cá tự nhiên chết hàng loạt bắt đầu xảy ra từ ngày 15/5, tuy nhiên chết nhiều nhất là ngày 24 – 26/5. Nguyên nhân có thể do thời tiết chuyển mùa, từ nắng gắt sang mưa dông nên có khả năng thiếu ôxy tầng đáy. Người nuôi tôm hùm ở đây phát hiện ở tầng đáy khu vực vùng nuôi xuất hiện một lớp mỏng giống như rêu xanh làm bít mặt đáy bùn và nước có màu đỏ đục đến đỏ đậm. Tất cả các loại cá, cua sinh sống ở tầng đáy đều nổi đầu lên mặt nước, bơi lừ đừ rồi chết.

Ông Nguyễn Thành An ở thôn Phú Mỹ, xã Xuân Phương (thị xã Sông Cầu), cho biết, gia đình có 15 lồng với số lượng khoảng 1.000 con tôm hùm bông, tại vùng nuôi Vũng Mắm, nuôi được hơn một năm. Từ khi xuất hiện tình trạng cá tự nhiên chết nổi lên mặt nước, ông đã chủ động đưa lồng nuôi lên cách đáy khoảng 2 – 3 m. Nhưng từ sáng 23/5, khi lặn kiểm tra thì phát hiện tôm chết rất nhiều với số lượng gần cả trăm con, tôm cỡ 0,4 – 0,7 kg/con. Chưa dừng lại ở đó, ngày 24 – 25/5, tất cả số lượng tôm nuôi của gia đình ông bị chất sạch. Giá tôm bông loại 1 hiện nay khoảng 1,5 triệu đồng/kg, nhưng tôm chết chỉ bán 400.000 – 600.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Văn Bảy, Trưởng thôn Phú Mỹ, xã Xuân Phương, cho biết, đến nay, tất cả các hộ nuôi tôm hùm ở thôn Phú Mỹ đều bị thiệt hại, có gia đình bị thiệt hại hàng tỷ đồng. Nguyên nhân do đa số nuôi tôm hùm bông, con giống ban đầu đã hơn 340.000 đồng/con và giá tôm hùm thịt loại 1 hiện nay khoảng 1,5 triệu đồng/kg. Hơn 340 hộ nuôi tôm hùm ở thôn Phú Mỹ với khoảng 1.500 – 1.600 lồng, bình quân mỗi lồng tôm hùm bông 60 – 70 con thì lượng tôm nuôi ở thôn này đã hơn 100.000 con. Trong đợt này, bình quân số lượng tôm hùm ở thôn Phú Mỹ bị chết khoảng 80% tổng đàn, có nhiều hộ nuôi 30 – 50 lồng bị chết sạch, lượng tôm chết có hộ vớt vào đến 5 tấn, thiệt hại rất lớn.

Được biết, đa số người nuôi tôm hùm ở thôn Phú Mỹ nói riêng và thị xã Sông Cầu nói chung đều có vay vốn tại các ngân hàng. Qua đợt thiệt hại này, nhiều hộ nuôi trắng tay, nợ nầng chồng chất.

Nguyên nhân chưa tìm thấy

Giám đốc Sở NN&PTNT Phú Yên Nguyễn Trọng Tùng, cho biết, kết quả ban đầu phân tích mẫu nước của Trung tâm Giống và kỹ thuật thủy sản (Sở NN&PTNT Phú Yên) cho thấy, thành phần tảo giáp chiếm ưu thế, mật độ tế bào tảo rất cao, tế bào tảo tương đối lớn có khả năng sắp tàn. Chỉ tiêu NH3 (amoniac), PO4 (photphat) vượt ngưỡng cho phép trong nuôi trồng thủy sản, chỉ tiêu ôxy hòa tan trong nước quá thấp. Kết quả phân tích mẫu bệnh do Chi cục Chăn nuôi và Thú y Phú Yên lấy mẫu tôm hùm gửi Cơ quan Thú y vùng 4 xét nghiệm các bệnh truyền nhiễm cho thấy tôm bị nhiễm bệnh sữa. Từ những kết quả trên, nhận định ban đầu nguyên nhân tôm hùm chết là do mật độ nuôi còn quá dày cả về số lượng lồng nuôi và số con trong một lồng nuôi (tại thời điểm kiểm tra là 150 – 300 con/lồng đối với tôm hùm xanh và 70 – 75 con/lồng đối với tôm hùm bông), thức ăn dư thừa, chất thải từ hoạt động nuôi tích tụ, gây ô nhiễm nguồn nước tại khu vực nuôi. Đồng thời, những ngày gần đây thời tiết chuyển đổi đột ngột, có mưa dông đã làm nước có hiện tượng phân tầng, nắng nóng kéo dài, cường độ ánh sáng mạnh, nhiệt độ cao làm quá trình phân hủy hữu cơ ở tầng đáy diễn ra mạnh và tảo phát triển quá mức gây hiện tượng thiếu ôxy cục bộ vào ban đêm làm cho các loài thủy sản nuôi và sống trong tự nhiên bị chết ngạt. Mặt khác, khi tôm bị yếu tác nhân gây bệnh luôn có sẵn trong môi trường nước nên dễ dàng xâm nhập vào cơ thể tôm nuôi làm tôm chết nhanh hơn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế, cho biết, UBND tỉnh đã đề nghị Bộ NN&PTNT và Bộ Tài nguyên và Môi trường hỗ trợ tỉnh để tìm ra nguyên ngân chính thức gây ra tình trạng tôm hùm bị chết và đề nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ. Hiện nay, công tác lấy mẫu để xác định nguyên nhân được các cơ quan chức năng tiếp tục triển khai, lấy mẫu trên diện rộng như tại khu vực gần nhà máy chế biến thủy sản, khu vực tôm chết và cả các khu vực có nguồn thải khác… để tổng hợp và đưa ra kết luận chính thức. UBND tỉnh đã làm việc với các ngân hàng thương mại trên địa bà để bàn giải pháp khoanh nợ, giãn nợ đối với các hộ nuôi tôm hùm có vay vốn ngân hàng mà bị thiệt hại, đồng thời tiếp tục cho vay để tái sản xuất.

>> Theo Sở NN&PTNT Phú Yên, đến 1/6 đã có 769.175 con tôm bị chết của 502 hộ nuôi Xuân Đài. Số lượng tôm hùm chết khoảng 350 – 400 tấn, ước thiệt hại trên 700 tỷ đồng, trong đó khoảng 70 – 80% số hộ nuôi bị mất trắng.

Ngọc Chung

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!