Cơ hội nuôi cá rô phi vùng ĐBSCL

Chưa có đánh giá về bài viết

Vườn ươm Công nghệ công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc tại TP Cần Thơ (KVIP), vừa phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Quốc gia Pukyong Hàn Quốc và Công ty KBOR (Hàn Quốc) tổ chức Hội thảo báo cáo việc nuôi thử nghiệm cá rô phi trong ao tại TP Cần Thơ, đồng thời thảo luận về giải pháp xúc tiến canh tác và kinh doanh thương phẩm cá rô phi tại vùng ĐBSCL.

PGS – TS Trần Ngọc Hải, Phó Trưởng Khoa thủy sản trường Đại học Cần Thơ cho biết, để cá rô phi trong ao (nước ngọt) tại TP Cần Thơ thích nghi với vùng nước lợ, nhất là vùng tôm của ĐBSCL không quá khó, vẫn là giống cá rô phi nuôi thử nghiệm thành công, chúng ta tiếp “thuần hóa” sẽ thả nuôi bình thường ở vùng nước lợ.

ĐBSCL có nhiều điều kiện thuận lợi nuôi cá rô phi – Ảnh: Ngọc Trinh

Đánh giá tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng: Cá rô phi là một trong những loài thủy sản được tiêu thụ nhiều nhất trên thế giới, nước nhập khẩu nhiều là Mỹ, Mexico, Nga, châu Âu và một số quốc gia khác. Đây là đối tượng nuôi tiềm năng do kỹ thuật nuôi đơn giản, chi phí thấp. Diện tích vùng nuôi lớn, nguồn nước thích hợp, có thể kết hợp với các đối tượng nuôi khác giúp đa dạng mô hình nuôi. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là nguồn giống cá rô phi không đảm bảo, chất lượng con giống lẫn cá bố mẹ thấp, lại chỉ thích nghi với vùng nuôi là nước ngọt. Đặc biệt do chưa nuôi theo mô hình công nghiệp và công nghệ  hướng đến xuất khẩu dẫn đến chi phí cao giá thành đầu ra thấp và không ổn định. Để nghiên cứu phát triển nghề nuôi cá rô phi thương phẩm, Trường Đại học Cần Thơ đang phối hợp với Công ty KBOR (Hàn Quốc) triển khai mô hình cá rô phi trong ao và vèo tại Công ty Cổ phần Chế biến thực phẩm Sông Hậu (Sohafood) với kết quả bước đầu khá khả quan.

Hầu hết ý kiến đều nhận định, vùng ĐBSCL có nhiều điều kiện để nuôi cá rô phi thương phẩm phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa . Tin vui là vừa qua, Tổng cục Thủy sản đã có Quyết định số 2714/TCTS-NTTS “Về nuôi và sản xuất giống cá rô phi” nhằm khuyến khích phát triển đối tượng nuôi này. Như vậy, để phát triển ngành hàng cá rô phi cần có các giải pháp về tổ chức tập huấn cho cán bộ kỹ thuật ở địa phương. Trong đó, cần làm tốt công tác khuyến ngư, tái cấu trúc và quy hoạch đất, vùng nuôi trồng thủy sản, với đối tượng nuôi là cá rô phi; kết  hợp với  đẩy mạnh xúc tiến thương mại và thị trường tiêu thụ cá rô phi trên cơ sở tăng cường chức năng và nhiệm vụ của các hiệp hội nuôi trồng thủy sản và các bên có liên quan. Hội thảo lần này nhằm đáp ứng nhu cầu giống nuôi cá rô phi thương phẩm trong vùng nước ngọt, còn là cơ hội nuôi thương phẩm trong vùng sản xuất tôm trọng điểm của ĐBSCL. Cũng phải nói thêm, vùng ĐBSCL có không ít trang trại nuôi tôm, do ảnh hưởng của dịch bệnh phải treo ao để cải tạo môi trường đã thí điểm thả nuôi cá rô phi nhưng thất bại, do cá rô phi nước ngọt không thích nghi với vùng tôm (nước lợ) nên việc tiến hành nuôi thành công rô phi trong ao sẽ có ý nghĩa lớn.

Trường Ca

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!