Đầu năm, gặp những người nuôi tôm giỏi

Chưa có đánh giá về bài viết

Mấy năm gần đây, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng luôn đứng đầu về con số tôm nuôi thiệt hại của tỉnh Sóc Trăng. Tuy nhiên, cũng trên vùng đất nuôi tôm khó này vẫn có những hộ nuôi tôm thẻ chưa bao giờ thất bại; và năm qua, một hộ nuôi đã thiết lập kỷ lục nuôi tôm thẻ lớn nhất.

Người bất bại với tôm thẻ nuôi ao đất

Trong số những người bất bại đó phải kể tới là anh Phạm Văn Mừng, Phó Giám đốc HTX Thủy sản Toàn Thắng ở xã Vĩnh Hiệp.

Hôm chúng tôi đến, anh Mừng đang nhập thêm thức ăn về để cung ứng cho những diện tích đang còn tôm của anh và một số thành viên HTX. Gặp chúng tôi, anh mở điện thoại di động ra khoe hình ảnh anh vừa tiếp một đoàn tham quan, tìm hiểu mô hình nuôi của HTX đến từ Ấn Độ. Anh cho  biết: “Năm nay, nuôi tôm trúng nhưng lợi nhuận không cao do vụ đầu giá tôm quá thấp, tính ra chỉ còn lời hơn 400 triệu đồng”.

Trên diện tích 2,6 ha, anh chia thành 12 ao nuôi và 3 ao lắng, tất cả đều là ao đất. Anh Mừng giải thích: “Dù là nuôi ao đất, nhưng nhờ tham gia nhiều lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật, trao đổi kinh nghiệm, nên tôi thực hiện đúng theo quy trình nuôi tôm 2 giai đoạn và luôn thành công”. Thông thường, khi mới bắt tôm post về anh ương khoảng 1 tháng, sau đó mới bung ra ao lớn, để giảm mật độ nhằm thu hoạch tôm cỡ lớn. Với cách làm này, ở vụ nuôi năm 2019, anh thu được 15 tấn tôm, trong đó, 2 tấn đạt kích cỡ 38 con/kg, mang về lợi nhuận trên 400 triệu đồng. 

Anh Mừng cho biết: “Nuôi ao đất khó khăn nhiều hơn so với nuôi ao lót bạt đáy, nhưng nếu mình có kỹ thuật tốt thì vẫn thành công, dù không nhiều như ao lót bạt. Riêng tôi, từ khi nuôi tôm thẻ đến giờ gần 10 năm, năm nào tôi cũng có lời, ít cũng được 200 triệu đồng, năm nhiều được 500 – 700 triệu đồng. Đó cũng là nhờ tôi không thả nuôi đồng loạt hết diện tích mà chỉ thả rải vụ để thăm dò, sau 1 tháng thấy tôm phát triển thì tiếp tục thả thêm, còn không tạm ngưng ngay”.

Dù vẫn nuôi tôm thẻ bằng ao đất, nhưng anh Mừng thành công liên tiếp trong gần 10 năm qua

Không chỉ vượt qua những khó khăn, rủi ro từ việc nuôi ao đất, anh Mừng và các thành viên HTX còn mạnh dạn ký kết hợp tác với Công ty CP Thủy sản Út Xi để thực hành nuôi và được cấp chứng nhận ASC. “Chủ trương liên kết nuôi tôm theo tiêu chuẩn ASC của HTX là nhằm hướng đến nghề nuôi tôm bền vững, vì một khi đã thực hiện thì tất cả các thành viên đều nói không với kháng sinh hay các chất cấm khác. Đây cũng chính là điều kiện giúp ao nuôi, nguồn nước không còn dư lượng hóa chất độc hại cũng như hạn chế các vi sinh vật có hại cho tôm”, anh Mừng nhấn mạnh.

Chính kinh nghiệm thành công của anh đã giúp cho các thành viên của HTX Toàn Thắng liên tiếp có được lợi nhuận cao. Mấy năm nay, dù vẫn nuôi tôm thẻ bằng ao đất, nhưng tỷ lệ thiệt hại của HTX Thủy sản Toàn Thắng luôn rất thấp so với con số chung của thị xã, nên lợi nhuận của các thành viên cũng được cải thiện đáng kể. Ở vụ nuôi năm nay, HTX thả nuôi trên diện tích 61,5 ha, thu về 132 tấn tôm; trong đó, thành viên có lãi ít nhất cũng được 30 triệu đồng, cao nhất trên 400 triệu đồng. 

 

Người nuôi tôm thẻ siêu lớn

Vụ tôm nước lợ năm 2019, tỉnh Sóc Trăng không chỉ có tỷ lệ thiệt hại thấp nhất, sản lượng cao nhất, mà còn thiết lập kỷ lục nuôi tôm thẻ thâm canh đạt kích cỡ lớn nhất.  Tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang đầy đủ tiện nghi, anh Ngô Văn Lái (phường Khánh Hòa, thị xã Vĩnh Châu) cho biết, tất cả có được đều nhờ vào con tôm nước lợ. Khi chúng tôi hỏi về vụ tôm vừa qua, anh Lái cười híp mắt: “Năm nay không chỉ trúng mùa, lời cao, mà còn là năm đầu tiên tôi nuôi được tôm thẻ về kích cỡ 17,6 con/kg. Tôi còn thể đưa tôm về kích cỡ lớn hơn nữa vì qua quan sát tôi thấy, tôm vẫn còn ăn mạnh, lột xác rất tốt, nhưng vì thời gian nuôi đã hơn 4 tháng, tôm đang có giá nên tôi thu hoạch để chốt lời”.

Anh Lái (giữa) và niềm vui trúng mùa, trúng giá vụ tôm năm 2019

Mô hình của anh Lái không có ao ương, mà chỉ có 2 ao nuôi (1.200 m2/ao) cùng hệ thống ao lắng, ao xử lý, ao sẵn sàng. Anh Lái giải thích: “Tuy không có ao ương, nhưng cách nuôi thì không khác gì có ao ương, vì tôi chỉ thả giống vào 1 ao sau đó khoảng 1 tháng thì san qua ao thứ 2 để giảm mật độ xuống còn ½ so với lúa mới thả”. Với cách nuôi này, ở vụ 1, lúc độ mặn 10 – 11‰, anh thả nuôi 360.000 post tôm thẻ vào ao nuôi đầu tiên. Sau 31 ngày, anh bắt đầu san thưa ra ao thứ 2 với tỷ lệ 1:1. Khi tôm đạt kích cỡ 39 con/kg tiến hành thu tỉa lần 1, số còn lại nuôi đến cỡ 28 – 29 con/kg tiếp tục thu tỉa lần 2. Lần thu hoạch dứt điểm cuối cùng của vụ 1 tôm đạt kích cỡ 23 – 24 con/kg. Tổng cộng qua 3 lần thu cả 2 ao đạt sản lượng 12,5 tấn. Đợt đó, dù giá tôm xuống thấp nhưng nhờ sản lượng cao nên anh vẫn đạt lợi nhuận 680 triệu đồng.  

Vụ 2, do độ mặn đã giảm xuống còn 7‰, nên số lượng post được anh giảm xuống chỉ con 306.000 con và thực hiện san thưa như ở vụ 1. Khi tôm được 91 ngày tuổi bắt đầu thu tỉa lần đầu, với kích cỡ tôm ao 1 là 24 con/kg và ao 2 là 26 con/kg. Tổng sản lượng của lần thu tỉa này là 3,7 tấn. Anh Lái cho biết thêm: “Sau khi thu tỉa, tôi thấy số tôm còn lại phát triển tốt và giá tôm cỡ lớn cao nên quyết định nuôi tiếp đến 124 ngày mới thu hoạch. Lúc này, tôm ở ao 1 đạt kích cỡ 17,6 con/kg, còn ao 2 đạt kích cỡ 18,1 con/kg, tổng sản lượng thu hoạch đợt 2 được đến 8,4 tấn. Vụ 2 nhờ thu toàn tôm cỡ lớn và giá cao nên lợi nhuận lên đến 1,4 tỷ đồng”.

Xuân Trường

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!