Đẩy mạnh tuyên truyền ATTP trong nông nghiệp

Chưa có đánh giá về bài viết

An toàn thực phẩm trong nông nghiệp luôn rất được quan tâm. Mới đây, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị toàn quốc công tác quản lý chất lượng ATTP, chế biến và phát triển thị trường nông, lâm, thủy sản, nhằm tiếp tục đưa ra những giải pháp đảm bảo.


Tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản

Thay đổi tích cực

Báo cáo tham luận và các ý kiến phát biểu tại Hội nghị khẳng định, trong 6 tháng đầu năm 2019, toàn ngành nông nghiệp đã nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu quan trọng. Hiện nay, hàng hóa nông nghiệp của Việt Nam đang được xuất khẩu sang 180 nước và vùng lãnh thổ, đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á và đứng thứ 15 trên thế thới. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cả nước 6 tháng đầu năm 2019 ước 19,75 tỷ USD, tăng 2,1% so cùng kỳ năm 2018. Đến nay, 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã triển khai xây dựng và phát triển mô hình chuỗi với 1.269 chuỗi (tăng 451 chuỗi so 6 tháng đầu năm 2018), 1.456 sản phẩm (tăng 60 sản phẩm) và 3.179 địa điểm bán sản phẩm đã kiểm soát theo chuỗi. Công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra và xử lý vướng mắc, thúc đẩy tiêu thụ nông, lâm, thủy sản cũng được tăng cường. Từ đầu năm đến nay, toàn ngành nông nghiệp đã kiểm tra 34.220 cơ sở; xử phạt hành chính 1.947 cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp, ATTP nông, lâm, thủy sản, với số tiền 9,63 tỷ đồng…

Về công nghệ và chất lượng nông, lâm, thủy sản, Việt Nam đã đạt mức độ trung bình khá của thế giới, xuất khẩu trên 180 nước và vùng lãnh thổ, kể cả thị trường khó tính như EU, Mỹ và Nhật Bản. Thế nhưng, hiện nay một số doanh nghiệp chưa chủ động được nguồn cung cấp nguyên liệu đảm bảo về số lượng. Liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị sản xuất – chế biến – tiêu thụ của các ngành hàng phần lớn thiếu chặt chẽ. Sản phẩm chế biến chủ yếu vẫn là sơ chế có giá trị gia tăng thấp (chiếm 70 – 85%). Tổn thất sau thu hoạch còn lớn (10 – 20%) do thiếu cơ sở vật chất bảo quản đáp ứng yêu cầu. 

Đẩy mạnh tuyên truyền

Bên cạnh kết quả đạt được, việc đảm bảo ATTP trong nông, lâm, thủy sản vẫn còn tồn đọng những hạn chế nhất định. Điển hình như việc hoàn thiện chính sách, pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn còn chậm; việc rà soát, loại bỏ các vật tư nông nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam chưa thường xuyên; hoạt động giám sát, cảnh báo, thanh tra xử lý vi phạm chưa kịp thời…

Để khắc phục các tồn tại, hạn chế và hóa giải được các thách thức, triển khai hiệu quả công tác quản lý chất lượng, ATTP, chế biến và phát triển thị trường nông, lâm, thủy sản trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT, Ban ATTP, Sở NN&PTNT các địa phương cần tập trung hoàn thiện thể chế nâng cao hiệu quả quản lý và tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản; tổ chức giám sát thường xuyên ATTP nông, lâm, thủy sản; kịp thời cung cấp các kết quả các đoàn xúc tiến thương mại tại thị thường quốc tế; đẩy mạnh công tác mở cửa, phát triển thị trường đối với các ngành hàng chủ lực; xây dựng, mở rộng các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn các sản phẩm quốc gia, sản phẩm chủ lực của tỉnh kết hợp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ…

Mới đây, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 233/TB-VPCP thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại cuộc họp Ban Chỉ đạo liên ngành trung ương về ATTP; trong đó, có nội dung đẩy mạnh công tác truyền thông về ATTP. Theo đó, những tháng cuối năm 2019, các bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục thục hiện nghiêm các chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về đảm bảo ATTP. Trong đó, với nhiệm vụ đẩy mạnh công tác truyền thông về ATTP; Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức liên quan tổ chức chương trình truyền thông về áp dụng các tiêu chuẩn đối với thực phẩm tiêu dùng trong nước tương đương với tiêu chuẩn thực phẩm xuất khẩu; lựa chọn một số địa bàn trọng điểm như TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các đô thị lớn để chỉ đạo làm điểm. Tăng cường ứng dụng công nghệ nhằm quản lý chặt chẽ, hiệu quả hoạt động quảng cáo, giao dịch điện tử, mua bán thực phẩm trên mạng, theo phương thức bán hàng đa cấp. Các Bộ: Y tế, NN&PTNT, Công thương cùng phối hợp, khẩn trương hoàn thành hệ thống thông tin về ATTP. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với 3 bộ trên mở chuyên mục về ATTP trong Hệ tri thức Việt số hóa…

>> Trong 6 tháng đầu năm 2019, NAFIQAD đã kiểm tra đột xuất 34.220 cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp, nông, lâm, thủy sản, xử phạt hành chính 1.947 cơ sở với 9,63 tỷ đồng. Kiểm tra 31.118 lô hàng vật tư nông, lâm, thủy sản nhập khẩu vào Việt Nam với hơn 110 loại mặt hàng từ trên 40 quốc gia; xử lý 552 vụ vi phạm với hàng trăm nghìn động vật và sản phẩm động vật nhập lậu…

Phương Cúc

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!