Đề án 52 tại Quảng Ninh: Tận tình bác sỹ về đảo xa

Chưa có đánh giá về bài viết

Được triển khai từ năm 2009 cho đến nay, Đề án 52 đã góp phần đắc lực trong việc nâng cao chất lượng sức khỏe ngư dân tại các địa phương. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, người dân vẫn rất cần sự chung tay giúp đỡ của cơ quan chức năng để cải thiện tình hình sức khỏe.

Khám toàn diện

Năm 2015, chương trình phối hợp giữa Tổng cục DS – KHHGĐ với Bệnh viện Quân y 7/Cục Hậu cần/Quân khu 3 được triển khai tại huyện đảo Cô Tô, Quảng Ninh. Đợt khám diễn ra từ ngày 2 – 10/6 tại thị trấn Cô Tô, xã Đồng Tiến, xã Thanh Lân với các hoạt động khám, tư vấn sức khỏe, phát thuốc cho phụ nữ, bà mẹ mang thai, trẻ em và tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ SKSS cho người dân. Giám đốc Bệnh viện Quân y 7, Phó trưởng đoàn công tác, thượng tá, tiến sỹ, bác sỹ Đặng Vũ Hải cho biết: Dịp này, Bệnh viện đã thành lập đoàn công tác gồm 21 cán bộ y, bác sỹ có kinh nghiệm, tay nghề cao trên các lĩnh vực: Nội khoa, ngoại khoa, chuyên khoa, sản khoa, da liễu, nhi khoa. Đặc biệt đoàn mang theo nhiều trang thiết bị y tế, thuốc và hóa chất để phục vụ công tác khám, chẩn đoán và điều trị bệnh như máy xét nghiệm huyết học, máy sinh hóa, máy soi tế bào âm đạo, máy siêu âm, máy điện tim và các trang thiết bị chuyên khoa (răng hàm mặt – tai mũi họng – mắt), sản khoa và nhi khoa để khám, chẩn đoán, tư vấn, điều trị và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho đối tượng. Nội dung tư vấn bao gồm chăm sóc và kiểm tra sức khỏe toàn diện cho phụ nữ có thai, chăm sóc SKSS tiền hôn nhân, tình dục an toàn, các bệnh lây qua đường tình dục, chăm sóc sức khỏe trẻ em và vệ sinh phòng bệnh tại gia đình. Đồng thời, cấp 4.000 tờ gấp hướng dẫn chăm sóc sức khỏe phụ nữ có thai, sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân.

 

Còn nhiều khó khăn

Theo lãnh đạo địa phương, người dân trong huyện ngoài Quảng Ninh ra, chủ yếu đến từ các tỉnh như Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Hải Dương sinh sống làm nông nghiệp kết hợp ngư nghiệp, nuôi trồng thủy sản, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, việc đi lại của người dân còn hạn chế, đường từ trung tâm huyện vào đất liền khoảng 50 km đường biển với thời gian tàu cao tốc chạy khoảng gần 2 giờ. Đường vào các thôn bản rất xấu, dân cư thưa thớt, người dân thường đi đánh bắt xa bờ, việc tiếp cận dịch vụ khám chữa bệnh vô cùng khó khăn. Bên cạnh đó, tại các điểm khám, nhìn chung, địa điểm tổ chức tại trạm y tế xã do cơ sở hạ tầng còn chật hẹp, điện nước chưa đủ phục vụ cho khám bệnh, phương tiện truyền thông phục vụ hoạt động chuyên môn còn thiếu…

Ông Tống Trần Vị, Trưởng trạm Y tế xã đảo Đồng Tiến, chia sẻ: Phụ nữ ở xã 15 – 49 tuổi thường mắc các bệnh viêm nhiễm cổ tử cung, nấm âm đạo và một số bệnh về phụ khoa; trẻ em, nhất là trẻ em dưới 6 tuổi hay mắc các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp (như viêm phổi, viêm phế quản) và một số bệnh về mắt (như đau mắt, viêm kết mạc); trẻ em bị sâu răng, viêm tai giữa. Nguyên nhân chính là do điều kiện sinh hoạt, khí hậu và nhận thức của người dân còn hạn chế, chưa biết cách phòng tránh bệnh.

Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Cô Tô, ông Nguyễn Tiến Phương cũng cho biết: Cô Tô là một trong những huyện gặp khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa đồng bộ; Năng lực, trình độ chuyên môn của cán bộ, nhân viên y tế có mặt còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc SKSS, phòng bệnh và KHHGĐ… Đợt khám, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc được đã giúp người dân hiểu sâu sắc hơn nữa tầm quan trọng của việc bảo vệ và chăm sóc SKSS; Nhận thức được về phòng chống dịch bệnh cho người dân, nhất là phụ nữ, bà mẹ mang thai và trẻ em.

 

Mong sớm được hoàn thiện

Tổng số cán bộ bệnh viện tham gia các hoạt động tại huyện đảo Cô Tô là 21 người, lực lượng cán bộ tại địa phương là 15 người. Để tạo điều kiện cho ngư dân có điều kiện tham gia khám chữa bệnh thường xuyên, ông Nguyễn Tiến Phương cho biết thêm: Thời gian tới huyện mong nhận được sự quan tâm của Đảng, chính sách ưu đãi của Nhà nước; đặc biệt là sự quân tâm của Đảng ủy – Ban giám đốc Bệnh viện Quân y 7/Cục Hậu cần/Quân khu 3 để người dân thường xuyên được hưởng lợi nhiều nhất từ những chương trình, chính sách của Nhà nước, quân đội.

Bác sĩ Bệnh viện Quân y 7 khám sức khỏe cho người dân huyện Cô Tô

Theo thống kê, các vấn đề thuộc lĩnh vực gia đình ở đảo Cô Tô còn phức tạp như: Tuổi kết hôn trung bình lần đầu của phụ nữ và nam giới còn thấp, bệnh phụ khoa chiếm cao… do đó, các đối tượng tham gia là mong muốn được hưởng dịch vụ chăm sóc nhiều hơn nữa. Chị Nguyên Thị Trang (21 tuổi, xã đảo Đồng Tiến) trên tay bế cô con gái chưa tròn 8 tháng tuổi hổn hển nói: Nhà tôi ở xa, mỗi lần muốn đi khám bệnh, phải đi khoảng 10 km đường bộ để đến Trung tâm Y tế xã. Đến đây, được các bác sĩ khám, tư vấn chu đáo và phát thuốc mà không phải trả tiền. Tôi mong sẽ có nhiều lần được các bác sĩ đến khám bệnh và phát thuốc như hôm nay.

Trong dịp này, đoàn công tác đã khám sức khỏe, tư vấn, cấp thuốc cho 2.790 đối tượng. Vượt qua những khó khăn mọi mặt, bằng sự tận tình, chu đáo, ân cần của đoàn bác sỹ, người dân địa phương đã cảm thấy hài lòng. Đây là hoạt động thiết thực nhằm tri ân, chia sẻ khó khăn, góp phần nâng cao sức khỏe người dân huyện đảo Cô Tô.

>> Đây là lần thứ 4 Bệnh viện Quân y 7 tổ chức khám, tư vấn, cấp phát thuốc cho thị trấn đảo Cô tô, xã Đảo Đồng Tiến, xã Đảo Thanh Lân. Đoàn đã cấp thuốc cho 2.790 đối tượng. Các đối tượng được khám sức khỏe, tư vấn và cấp thuốc là phụ nữ từ tuổi 15 – 49, bà mẹ mang thai, trẻ em, các đối tượng chính sách và gia đình thuộc diện chính sách. Trong quá trình khám, khi phát hiện những trường hợp mắc bệnh cấp tính, người bệnh sẽ được tư vấn giới thiệu về Trung tâm Y tế huyện để điều trị…

Thảo Dương

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!