Đề án 52 tại Sóc Trăng: Hiệu quả chính sách vùng biển Vĩnh Châu

Chưa có đánh giá về bài viết

Đời sống ngày càng được cải thiện, người dân được chăm sóc toàn diện hơn, tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt hơn.

Lợi thế từ biển

Thị xã Vĩnh Châu có chiều dài bờ biển hơn 43 km, với cửa sông Mỹ Thanh đổ ra biển có lợi thế rất lớn đối với phát triển nuôi trồng và khai thác thủy sản, sản xuất muối, vận tải thủy, mở rộng diện tích rừng phòng hộ và phát triển du lịch sinh thái biển. Tài nguyên biển mang lại lợi thế lớn cho người dân trong vùng về phát triển nuôi trồng thủy sản trên diện tích 28.350 ha, trong đó nuôi công nghiệp và bán công nghiệp 18.000 – 20.000 ha; phát trển sản xuất muối kết hợp nuôi Artemia.

Vĩnh Châu đang phát triển đa dạng các mô hình nuôi trồng thủy sản, bao gồm: nuôi quảng canh truyền thống, nuôi quảng canh cải tiến, bán công nghiệp và công nghiệp…, cho hiệu quả cao.

Nuôi trồng thủy sản tại Vĩnh Châu

Diện tích nuôi thủy sản tăng nhanh, từ 13.084 ha năm 2000 lên 26.430 ha năm 2012; trong đó, diện tích nuôi tôm công nghiệp và bán công nghiệp tăng từ 9.145 ha (2000) lên 22.807 ha (2012); nuôi cá và thủy sản khác tăng từ 180 ha (2000) lên 2.781 ha (2012). Đến nay, toàn Vĩnh Châu đã thả nuôi các loại thủy sản được 23.634 ha (đạt 82,93 % kế hoạch); trong đó, tôm sú 13.976 ha (đạt 65% KH), tôm thẻ chân trắng 6.374 ha (đạt 212,47 % KH). Tổng sản lượng thủy sản đã thu hoạch đến nay là 20.468 tấn; trong đó tôm nguyên liệu 16.126 tấn (đạt 52,75 % KH).

 

Chú trọng sức khỏe người dân

Thị xã Vĩnh Châu có gần 53% dân số là người Khmer và 17,83% là người Hoa với mặt bằng dân trí thấp, nhất là nhận thức về chăm sóc SKSS/KHHGĐ, tuy đã được cải thiện nhưng vẫn còn nhiều hạn chế do tập tục, tập quán nghề nghiệp của địa phương còn khá nặng nề. Do vậy, từ quý IV/2009 đến nay, Thị xã Vĩnh Châu đã được triển khai thực hiện Đề án 52 (giai đoạn 2009 – 2020). Theo đó, từ năm 2010, ngành y tế Sóc Trăng đã hoàn thiện 10 trạm y tế đạt chuẩn, với 9/10 trạm có bác sĩ và 100 %  trạm có y sĩ sản nhi hoặc nữ hộ sinh trung học. Địa phương cũng thành lập Tiểu ban quản lý và Đội lưu động thực hiện Đề án. Ông Trịnh Panh Nha, Phó Chủ tịch UBND phường 2, thị xã Vĩnh Châu cho biết, từ khi triển khai Đề án đến nay, nhìn chung công tác dân số ở đây có nhiều chuyển biến, các cặp vợ chồng ý thức hơn về việc sinh con đông, thai phụ biết cách chăm sóc sức khỏe và khám thai định kỳ.

Tuyên truyền, vận động phụ nữ thực hiện công tác DS – KHHGĐ

Theo kế hoạch, Chiến dịch dân số được tổ chức luân phiên 2 năm 1 lần, ưu tiên 8 xã, phường ven biển thị xã Vĩnh Châu. Riêng đầu tháng 7 vừa qua, tiếp nhận sự đầu tư từ Chương trình Mục tiêu Quốc gia của Đề án 52, cùng sự hỗ trợ về nhân lực, phương tiện của Chi cục DS – KHHGĐ và Trung tâm Chăm sóc SKSS tỉnh, ngành dân số Vĩnh Châu cùng trạm y tế các địa phương tổ chức Chiến dịch tuyên truyền, tư vấn và cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ năm 2013 tại 5/8 xã, phường ven biển (xã Khánh Hòa, Lạc Hòa, Vĩnh Tân, phường 1, phường 2). Trung tâm DS – KHHGĐ thị xã cùng ban dân số địa phương huy động chị em trong tuổi sinh đẻ tham gia Chiến dịch để được xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung, khám phát hiện sớm các bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản và điều trị bệnh phụ khoa miễn phí. Ngoài ra, thai phụ còn được khám thai, siêu âm và hướng dẫn chăm sóc thai nghén, làm mẹ an toàn.

 

Nhiều hoạt động thiết thực

Để đạt kết quả đề ra, Trung tâm đã chọn thời điểm tổ chức chiến dịch thích hợp, tiện cho chị em đến kiểm tra phụ khoa định kỳ và thực hiện các biện pháp tránh thai an toàn. Trước đó, kết hợp với chính quyền và các ngành, đoàn thể tăng cường tuyên truyền nhóm tại cộng đồng cho gần 2.300 lượt người, qua đó vận động, rà soát danh sách và bố trí lịch khám. Y sĩ Ngô Minh Thư, Trưởng trạm Y tế phường 2, thị xã Vĩnh Châu chia sẻ, qua quá trình tuyên truyền, vận động, hầu hết người dân, nhất là phụ nữ trong tuổi sinh đẻ, đã có nhiều hiểu biết và quan tâm hơn đến việc chăm SKSS. Bên cạnh đó, trong khuôn khổ hoạt động Đề án, Chi cục DS – KHHGĐ tỉnh kết hợp với Trung tâm Chăm sóc SKSS cùng lúc thực hiện tại trạm y tế, biện pháp cấy thuốc tránh thai miễn phí. Tuy là thủ thuật nhỏ, nhưng có tác dụng tránh thai cao, an toàn, tiện ích với thời hạn 3 năm. 

Năm nay, Chiến dịch dân số phường Khánh Hòa sắp xếp lịch khám theo từng khóm ấp. Cán bộ dân số tranh thủ phát tờ rơi và hướng dẫn chị em cách chăm sóc sức khỏe, phòng chống bệnh phụ khoa, ngừa thai ngoài ý muốn, lợi ích của việc thực hiện KHHGĐ, các biện pháp tránh thai; cách chăm sóc trước, trong và sau khi sinh… Ngoài ra, còn vận động và tư vấn giúp chị em thực hiện KHHGĐ bằng các biện pháp đặt vòng, tiêm thuốc, uống thuốc tránh thai, cấp bao cao su. Đối với người đăng ký đình sản được Trung tâm tạo điều kiện chăm sóc, bồi dưỡng sức khỏe trước, rồi mới đưa đến bệnh viện đa khoa tỉnh để thực hiện đình sản an toàn. Qua hoạt động của Chiến dịch đã đem lại nhiều lợi ích trong chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ nghèo vùng biển, những trường hợp có nguy cơ cao được phát hiện sớm, cũng góp phần làm giảm tỷ lệ mắc các bệnh viêm nhiễm đường sinh sản. Phụ nữ mang thai được siêu âm, bổ sung viên sắt và sữa bồi dưỡng, ít nhiều đem lại hạnh phúc trong mỗi gia đình …

>> Kết quả Chiến dịch triển khai tại 5 xã, phường của thị xã Vĩnh Châu đã thu hút 2.373 chị em đến khám phụ khoa, đạt 118,65 % kế hoạch. Về thực hiện các biện pháp tránh thai có 3.399 người; trong đó, đình sản đạt và vượt 18,18 %, cấy thuốc tránh thai vượt 117,64 %, riêng đặt vòng đạt thấp 38,75%, do tỷ lệ chị em bị viêm nhiễm đường sinh sản cao.

Phương Chi

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!