Đưa ngao về đầm phá

Chưa có đánh giá về bài viết

Xã Lộc Bình (huyện Phú Lộc, tỉnh TT – Huế) vốn đã thành công với nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản hiệu quả kinh tế cao. 2 năm trở lại đây, việc khai thác ngao (còn gọi là trìa) giống trên đầm phá Tam Giang – Cầu Hai đưa vào ương nuôi đã mở ra một hướng đi mới đầy hứa hẹn.

Mô hình nuôi ngao “bén duyên” với hộ dân đầu tiên là anh Trần Ty (26 tuổi, thôn An Bình). Dẫn chúng tôi ra gần cửa Tư Hiền, nơi đầm Cầu Hai mênh mông, anh Ty cho biết: “Mấy năm trước mình đi bộ đội ở Thanh Hóa, thấy mô hình nuôi ngao ở đây rất thành công, thế rồi mình tìm cách học hỏi cách nuôi, chăm sóc, làm vuông lưới…

Khi về lại xã, sẵn có nguồn giống ngao trong tự nhiên, mình khai thác, mang ra đầm ương nuôi thử thấy rất hiệu quả. Từ người nuôi đầu tiên, đến nay đã có 3 hộ tham gia mô hình này rồi”.

Mô hình nuôi ngao của anh Ty và Phú hiệu quả kinh tế cao

Theo anh Ty, ngao giống trên đàm phá những năm trước rất phong phú, được khai thác ươm nuôi, đến tháng 7 – 8 dương lịch là bắt đầu bước vào vụ thả ngao, nuôi hơn 1 năm bắt đầu khai thác bán.

Ngao giống trên đầm Cầu Hai tuy kích thước không lớn nhưng chất lượng thơm ngon, ít bị bệnh và khá dễ nuôi. Với diện tích mặt nước 1.500 m2, anh Ty đầu tư gần 40 triệu đồng mua vuông lưới, đổ cát đáy tạo môi trường sống, xây dựng chòi canh…

Tuy mới vụ đầu tiên, sau khi thu hoạch trừ các chi phí, anh Ty cũng lãi được 50 – 60 triệu đồng. Tuy số tiền chưa phải là lớn do diện tích ươm nuôi còn nhỏ, theo anh Ty, trong thời gian tới, nếu được cấp thêm diện tích mặt nước, anh sẽ tiến hành mở rộng khu nuôi, tìm kiếm đầu ra ổn định hơn.

Cùng với hộ anh Ty là hộ anh Trần Viết Phú cũng gặt hái được nhiều thành công đối với mô hình nuôi ngao. Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi, anh Phú cho hay: “Ngao là loài vật khá dễ nuôi, gần như không dịch bệnh và ít tốn công chăm sóc do không phải cần cung cấp thức ăn. Cần thả nuôi với mật độ 100 con/m2. Hằng ngày chỉ cần kiểm tra lưới vây, vớt các loài ốc, tảo hay các loài vật có khả năng gây hại cho vật nuôi”.

Hiện, anh Phú đã đưa vào thả nuôi 4 tạ ngao trên diện tích hơn 1.000 m2. Vụ vừa qua, ngao ở khu nuôi anh phát triển tốt giúp anh Phú lãi được vài chục triệu đồng. Nuôi ngao ở Lộc Bình khá thành công bởi đây là mô hình mới, sản phẩm nuôi trồng được thương lái về tận xã thu mua.

 Với mức giá bình quân từ 50 – 55 nghìn/kg, thời vụ cao điểm có khi lên 65 – 70 nghìn/kg, mỗi hộ có bình quân vài nghìn m2 ương nuôi cũng thu được vài chục triệu.

Mặt khác, do là loài vật dễ nuôi nên người dân Lộc Bình đã tận dụng được những diện tích mặt nước trước đây không nuôi trồng thủy sản hoặc nuôi trồng không có hiệu quả chuyển đổi sang nuôi ngao. Nguồn giống có thể khai thác sẵn có trong tự nhiên cũng hạn chế được chi phí giống cho người nuôi.

Tuy nhiên, theo anh Phú, thời gian gần đây nguồn giống đã không còn nhiều như trước nên các hộ nuôi phải nhập giống từ Nha Trang đưa ra với giá 30.000 đồng/kg (khoảng 60 – 70 con giống).

Ông Phan Văn Lợi, Chi hội trưởng Chi hội Nghề cá Lộc Bình 1 khẳng định: “Dù là mô hình bà con nuôi tự phát nhưng hiệu quả kinh tế qua hai mùa vụ rất khả quan. Thời gian tới, nếu mở rộng diện tích nuôi ngao cần chú ý đến thị trường đầu ra cũng như yếu tố con giống để phát triển bền vững”.

>> Ông Lương Thế Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Bình:

Qua đánh giá mô hình nuôi ngao thí điểm ở địa phương đã cho thấy hiệu quả kinh tế rất cao, đầu tư ít nhưng thu lãi khá lớn. Sắp tới chúng tôi sẽ cho mở rộng diện tích nuôi, giao cho Chi hội Nghề cá khuyến khích người dân chuyển đổi những diện tích nuôi trồng không hiệu qua sang nuôi ngao.

Về phía địa phương, sẽ tạo điều kiện cho các hộ dân có nhu cầu nuôi cũng như mở rộng diện tích mặt nước nuôi ngao nhằm tạo ra công ăn việc làm, tăng thu nhập.

Duy Phiên

Báo Nông nghiệp Việt Nam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!