Giá tôm thẻ lao dốc, người nuôi lao đao

Chưa có đánh giá về bài viết

Những ngày qua, giá tôm thẻ nguyên liệu đột ngột giảm mạnh khiến nhiều hộ nuôi tôm, lâm vào tình cảnh khó khăn, thua lỗ ngay cả khi trúng mùa.

Thu hoạch tôm tại ấp Ông Tô, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc. Ảnh: QUANG VINH

Thu hoạch tôm tại ấp Ông Tô, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc. Ảnh: QUANG VINH

Giá tôm rớt gần một nửa

Ông Lê Trọng Nghĩa (ấp An Hải, xã Lộc An, huyện Đất Đỏ) bắt đầu thả giống  1,5ha tôm thẻ theo hình thức công nghiệp (mật độ 70 con/m2) từ cuối tháng Giêng Âm lịch. Năm nay thời tiết thuận lợi, không có dịch bệnh nên các ao đều cho năng suất cao, khoảng 10 tấn/ha. Ông Nghĩa chưa kịp vui vì năng suất cao đã phải rầu lòng vì hơn 1 tháng qua, giá tôm thẻ chân trắng đột ngột giảm mạnh, từ 120 ngàn đồng/kg đến nay chỉ còn 70-80 ngàn đồng/kg. Ông Nghĩa cho biết: “Chi phí đầu tư nuôi tôm thẻ rất cao. Riêng tiền tôm giống cho mỗi ha (thả nuôi 70-80 ngàn con) đã lên đến gần 100 triệu đồng. Thức ăn cho tôm thời gian qua cũng liên tục tăng, đẩy tổng chi phí nuôi tôm lên đến gần 1 tỷ đồng/ha/vụ. Với giá tôm chỉ còn khoảng 70-80 ngàn đồng/kg như hiện nay (loại 70-100 con/kg), dù trúng mùa, người nuôi tôm thẻ cũng lỗ đến 150-200 triệu đồng/ha. Hiện tại, người nuôi tôm ở Lộc An rất e dè với việc thả nuôi tôm thẻ chân trắng”.

Các hộ nuôi tôm tại xã Phước Thuận (huyện Xuyên Mộc) cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Ông Nguyễn Văn Trung (ấp Ông Tô, xã Phước Thuận) đang nuôi 1ha tôm thẻ. Ông Trung cho biết: Những năm trước, người nuôi tôm chỉ dồn tâm trí vào chăm sóc, tránh dịch bệnh là có thể thu lãi cao do giá tôm thẻ khá ổn định. Nhưng năm nay, vùng nuôi tôm Phước Thuận vừa phải đối phó với việc độ mặn nước giảm, vừa phải đối phó với việc giá tôm lao dốc. Một số hộ nuôi tôm thẻ trong vùng đang có ý định tạm ngưng thả nuôi hoặc chuyển sang nuôi tôm sú.

Theo ông Nguyễn Hữu Thi, Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản, Chi cục Thủy sản tỉnh, hiện nay toàn tỉnh có khoảng 3.417ha nuôi tôm thương phẩm, trong đó có 600ha nuôi theo hình thức công nghiệp. Nguyên nhân của việc giá tôm thẻ giảm mạnh là các nước Ấn Độ, Thái Lan… đồng loạt trúng mùa, xuất khẩu tôm với giá rẻ. “Tuy nhiên, nhiều chuyên gia trong ngành thủy sản đánh giá, tình hình này chỉ là tức thời, có thể sẽ kéo dài đến khoảng tháng 7-8. Giá tôm sẽ cao trở lại trong thời gian tới. Do đó, bà con không nên quá hoang mang mà cần tập trung vào sản xuất, nâng cao kỹ thuật canh tác để nâng cao chất lượng tôm thương phẩm, tạo tiền đề để cạnh tranh trên thị trường thế giới”.

Gia đình chị Phan Thị Hồng Diễm (khu phố 4, phường 12, TP. Vũng Tàu) thu hoạch tôm trên nền ruộng muối. Ảnh: QUANG VŨ

Gia đình chị Phan Thị Hồng Diễm (khu phố 4, phường 12, TP. Vũng Tàu) thu hoạch tôm trên nền ruộng muối. Ảnh: QUANG VŨ

Một số giải pháp bền vững hạ giá thành nuôi tôm

Việc giá tôm thẻ diễn biến bất lợi trong thời gian gần đây tác động rất lớn đến các vùng nuôi tôm trong tỉnh, nhất là khi các giải pháp kỹ thuật chưa được ứng dụng triệt để, giúp hạ giá thành nuôi tôm. 

Ông Huỳnh Văn Thêm, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Một trong những vấn đề quan trọng để nuôi tôm đạt hiệu quả cao là chất lượng con giống. Hiện nay, con giống kém chất lượng còn nhiều. Đây là nguyên nhân góp phần khiến con tôm dễ nhiễm bệnh, chậm lớn, chi phí cao. Do đó, trước hết, bà con cần thận trọng chọn mua giống. Nếu có giống tốt, tôm tăng trưởng nhanh, ít dịch bệnh sẽ tiết giảm chi phí rất nhiều.

Ngoài ra, hiện nay, nhiều hộ nuôi tôm thẻ đã áp dụng công nghệ sinh học trong nuôi tôm, giúp giảm chi phí cho hiệu quả cao. Ông Nguyễn Hiệp Thành (ấp Ông Tô, xã Phước Thuận) đã đầu tư nuôi 4ha tôm theo mô hình công nghệ sinh học. Theo đó, ông Thành không sử dụng kháng sinh thông thường, gây ô nhiễm nguồn nước mà sử dụng các chế phẩm vi sinh khống chế lượng khuẩn độc gây bệnh cho tôm trong ao nuôi. Ông cũng đầu tư công nghệ trong nuôi tôm như máy lọc nước siêu âm, máy cho ăn tự động… để giảm ô nhiễm nguồn nước. Bên cạnh đó ông cũng giãn mật độ thả nuôi xuống 50 con/m2 thay vì 100-150 con/m2 như trước đây. “Những giải pháp này giúp ao nuôi sạch, bảo đảm an toàn, giúp tôm tăng trưởng tốt, ít rủi ro. Về lâu dài, sẽ giúp tiết giảm chi phí và người nuôi tôm đỡ phải lao đao trước những biến động về giá trong ngắn hạn”.

Quang Vinh

Báo Bà Rịa - Vũng Tàu

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!