Giải pháp phát triển bền vững nghề nuôi cá biển

Chưa có đánh giá về bài viết

Nghề nuôi cá biển đang phát triển nhanh chóng, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội cho các vùng ven biển. Tuy nhiên, quá trình nuôi cũng có một số trở ngại đáng kể.

Do đa số các loài cá nuôi vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới châu Á – Thái Bình Dương đều là loài cá ăn thịt, có nhu cầu đạm động vật cao trong thức ăn chế biến, vì vậy, chi phí thức ăn lớn, giá thành cao và sản lượng nuôi thường thấp. Hiện, các nước đang phát triển thường có xu hướng tập trung nuôi một số loài cá có giá trị cao để xuất khẩu sang Nhật, Bắc Mỹ và châu Âu, gây cạnh tranh rất lớn về thị trường, giá cả, từ đó dẫn đến việc khó khăn trong xuất khẩu và giá giảm thấp, ảnh hưởng đến kinh tế cho người nuôi. Việc tập trung nuôi nhóm cá ăn thịt và sử dụng quá mức nguồn cá tạp cũng gây trở ngại về nguồn thức ăn, nguồn lợi tự nhiên và ô nhiễm môi trường. Trước thực tế đó, người nuôi không nên tập trung quá mức vào một vài loài có giá trị cao xuất khẩu mà nên đầu tư vào những loài nuôi khác hỗ trợ tiêu thụ nội địa.

Hiện nay, nuôi cá biển đã đạt được một số thành tựu nhất định trong sản xuất giống nhân tạo cho ương nuôi, tuy nhiên, rất nhiều loài cá vẫn còn lệ thuộc vào nguồn giống đánh bắt tự nhiên. Mặt khác, nếu chúng ta tiến hành khai thác quá mức sẽ gây cạn kiệt về nguồn lợi cá tự nhiên. Điều này, gây trở ngại cho khả năng cung cấp giống không đầy đủ, thiếu chủ động và chất lượng giống cũng khó đảm bảo do các vấn đề như bệnh tật, thoái hóa. Chính vì thế, tiêu chuẩn lựa chọn đối tượng cá nuôi thích hợp cần phải dựa vào nhiều yếu tố như nhu cầu, giá trị kinh tế, kỹ thuật nuôi, đặc điểm sinh học, phù hợp với điều kiện môi trường nơi nuôi… Các biện pháp kỹ thuật nuôi ngày càng được phát triển, cải tiến nhưng cần phải chọn lựa giải pháp sao cho vừa đạt hiệu quả kinh tế cao, vừa đảm bảo thân thiện môi trường. Thực tiễn cho thấy, nuôi kết hợp ở vùng ven nội địa và nuôi thâm canh trong lồng biển khơi là phương án lựa chọn tối ưu trong thời gian tới.

Nghề nuôi cá biển là một trong những hoạt động quan trọng vùng ven biển, vì vậy, cần quản lý một cách phù hợp trong khuôn khổ quản lý tổng hợp vùng ven biển, bao gồm một số hoạt động, cụ thể:

– Phân vùng nuôi phù hợp với quy hoạch chung toàn vùng;

– Xây dựng luật, chính sách, quy chế, quy tắc quản lý nuôi thủy sản bền vững và phù hợp với các luật, quy tắc của các ngành kinh tế khác;

– Xây dựng cơ sở hạ tầng;

– Giải quyết xung đột giữa các thành phần và hoạt động kinh tế;

– Đánh giá các biện pháp kỹ thuật, xử lý môi trường cho từng dự án phát triển nuôi biển, tránh gây tác động xấu đến kinh tế, xã hội và môi trường chung trong vùng nuôi.

PGS.TS Trần Ngọc Hải - Phó trưởng Khoa Thủy sản, Đại học Cần Thơ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!