Hiệu quả ban đầu từ Đề án 52 tại Trà Cú

Chưa có đánh giá về bài viết

Đề án 52 được thực hiện tại 9 xã trong huyện Trà Cú (tỉnh Trà Vinh) từ năm 2009; sau 5 năm thực hiện, đã góp phần thay đổi nhận thức của đối tượng tham gia, đặc biệt là chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ…

Lợi ích lớn

Nhớ lại những ngày đầu thực hiện Đề án, một phụ nữ tại xã Đại An, huyện Trà Cú cho biết: Nhiều chị em phụ nữ còn ngại ngùng và không hưởng ứng khi Đề án triển khai. Nhưng cho đến nay, thấy được lợi ích và hiệu quả, mọi người đã tham gia nhiệt tình và kết hợp với cán bộ thực hiện tích cực. Đề án với những chiến dịch lồng ghép tuyên truyền, đã giúp các chị em biết sử dụng các biện pháp tránh thai hiệu quả, góp phần hạn chế tỷ lệ sinh con thứ 3 của nhiều người…

Theo bà Trương Thị Xinh, Phó Giám đốc Trung tâm Dân số huyện Trà Cú, công tác tham mưu thực hiện Đề án được quán triệt tại các cấp, từ cấp huyện đến cơ sở. Hiện nay, chiến dịch thực hiện xong đợt I và Trung tâm đang chuẩn bị kế hoạch hoạt động đợt II theo kế hoạch. Nội dung thực hiện bao gồm việc chỉ đạo các xã triển khai mô hình truyền thông làm giảm thiểu hậu quả tảo hôn và kết hôn cận huyết thống, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh… Trung tâm còn giao chỉ tiêu kế hoạch và hướng dẫn thực hiện chương trình đến các xã. Qua 9 tháng thực hiện, tỷ lệ các cặp vợ chồng thực hiện triệt sản đạt 35%, đặt vòng tránh thai trên 60%, thuốc viên tránh thai đạt 99%, thuốc cấy tránh thai 12,5%, thuốc tiêm tránh thai 69%, sử dụng bao cao su đạt 123%. Đồng thời tuyên truyền nhóm tại khu công nghiệp có đối tượng khó tiếp cận tại xã Phước Hưng 3 cuộc với 150 người dự. Trong đợt I thực hiện chiến dịch, Trung tâm đã tổ chức khám và điều trị bệnh viêm nhiễm đường sinh sản cho phụ nữ và tư vấn tại điểm cung cấp dịch vụ các xã. Hầu hết các xã đều đạt và vượt chỉ tiêu so với kế hoạch.

Tuyên truyền DS – KHHGĐ là nhiệm vụ được huyện Trà Cú chú trọng – Ảnh: CTV

 

Mô hình hiệu quả

Khó khăn chung hiện nay của địa phương là tình trạng biến động về đội ngũ cán bộ dân số ở các xã, thị trấn, một số địa phương cán bộ còn thiếu và hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ, dịch vụ KHHGĐ và đội ngũ cán bộ y tế cấp cơ sở tại các xã vùng sâu vùng xa chưa được đầu tư đúng mức, cơ sở vật chất, trang thiết bị còn thiếu, chưa đáp ứng kịp thời việc cung cấp thực hiện các gói dịch vụ phục vụ nhu cầu người dân.

Trước thực trạng trên, Trung tâm Dân số đã kết hợp với Trung tâm Y tế huyện, chủ động sử dụng các phương tiện khám chữa bệnh hiện đại, đến nay đã có 8/9 xã được sử dụng phương tiện khám chữa bệnh hiện đại. Bên cạnh đó, Trung tâm đã sử dụng đội ngũ cán bộ dân số nòng cốt là những cựu chiến binh, cán bộ phụ nữ… để tuyên truyền sâu rộng, hiệu quả nội dung Đề án thông qua việc lồng ghép chiến dịch vào các chương trình khác nhau. Trung tâm cũng áp dụng phương pháp đưa mỗi cán bộ dân số phụ trách tuyên truyền một lĩnh vực hoạt động khác nhau của hoạt động liên quan đến công tác dân số. Qua đó, đã có rất nhiều cán bộ dân số thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền trong nhiệm vụ được phân công, đóng góp chung vào kết quả của Đề án.

Từ nay đến cuối năm, Trung tâm tiếp tục đẩy mạnh công tác chỉ đạo các Phòng, ban thực hiện tốt các chương trình mục tiêu Quốc gia về dân số. Tiếp tục duy trì công tác phối kết hợp với các ban, ngành đoàn thể, Đài Phát thanh… vận động đối tượng áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại mang tính bền vững; đẩy mạnh hoạt động truyền thông ở các xã, thị trấn đặc biệt là những nơi nhận thức của người dân còn hạn chế. Tăng cường các hoạt động tư vấn cộng đồng, tư vấn bà mẹ mang thai, những cặp vợ chồng mới kết hôn hiểu biết tác dụng, hiệu quả và ý nghĩa của việc sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh. Tiếp tục cung cấp đầy đủ và kịp thời về số lượng, chất lượng các phương tiện tránh thai miễn phí. Triển khai, thực hiện kế hoạch tiếp thị xã hội các phương tiện tránh thai năm 2014. Trong hoạt động nâng cao chất lượng dân số, tiếp tục lấy mẫu máu gót chân sàng sơ sinh và siêu âm chẩn đoán trước sinh cho bà mẹ mang thai; tư vấn cho đối tượng khám sức khỏe tiền hôn nhân…

>> Đề án 52 được triển khai tại các xã An Quảng Hữu, Lưu Nghiệp Anh, Kim Sơn, Hàm Tân, Đại An, Định An và các thị trấn Định An, Đôn Xuân, Đôn Châu; với tổng số dân 90.821 người, trong đó số phụ nữ tuổi 15 – 49 là  26.263 người, (số có chồng 19.857 người).

Thảo Dương

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!