Khơi dậy tiềm năng thủy sản ở Cẩm Khê

Chưa có đánh giá về bài viết

Có đặc thù trung du miền núi nhưng Cẩm Khê có nhiều đồng chiêm trũng, ao hồ. Mảnh đất này khi xưa canh tác lúa kém hiệu quả, tuy nhiên, với việc tận dụng để phát triển thủy sản, làm giàu từ đồng trũng của những người nông dân tần tảo sớm hôm đã trở thành phong trào của các địa phương trong huyện.

Tận dụng diện tích mặt nước, nuôi tôm càng xanh đang được huyện khuyến khích phát triển. - Hộ ông Đặng Văn Được - khu 4, xã Văn Khúc nuôi trên 1,5ha tôm càng xanh, cho thu lãi trên 200 triệu đồng/năm.

Tận dụng diện tích mặt nước, nuôi tôm càng xanh đang được huyện khuyến khích phát triển.
– Hộ ông Đặng Văn Được – khu 4, xã Văn Khúc nuôi trên 1,5ha tôm càng xanh, cho thu lãi trên 200 triệu đồng/năm.

Gặp gỡ những con người nơi đây, chúng tôi hiểu rằng, theo dõi cả một quá trình phát triển của vùng đất canh tác đầy khó khăn này mới thấy hết sự đúng đắn của đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước. Sự thay đổi ở vùng trũng không chỉ về vóc dáng, sự bung ra của những mô hình, mà quan trọng là các chính sách chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hợp lý đã mang đến cho nông dân cuộc sống ấm no. Những chân ruộng lúa một vụ, vùng đất trũng hoang hóa nay đã tận dụng để phát triển thủy sản. Cũng đồng đất ấy, cũng những con người ấy nhưng khi kinh tế phát triển đúng hướng thì cuộc sống đã thật sự đổi thay.

Toàn huyện hiện có trên 1.790ha mặt nước nuôi trồng thủy sản, trong đó diện tích thâm canh và bán thâm canh trên 1.000ha; diện tích một vụ lúa, một vụ cá là 785ha. Sản lượng thủy sản năm 2016 đạt trên 6.600 tấn, trong đó sản lượng thủy sản nuôi trồng là 6.350 tấn. Trên địa bàn huyện có làng nghề cá chép đỏ Thủy Trầm ở xã Tuy Lộc với tổng diện tích nuôi 30ha với 520 hộ tham gia. Trung bình hàng năm riêng làng nghề sản xuất được trên 130 tấn cá thương phẩm và cá giống. Cùng với các giống thủy sản truyền thống, năm 2016 diện tích tôm càng xanh được đưa vào sản xuất tại hai xã Văn Khúc, Chương Xá với diện tích trên 25ha, bước đầu cho hiệu quả cao. Đó là những mảnh ghép quan trọng góp phần tạo nên bức tranh ấm no, trù phú của vùng quê đồng chiêm đất trũng ngày nào.

Bà Trần Thị Thu Hưởng – Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện cho biết: “Đây là thành quả từ chủ trương chuyển dịch đúng hướng, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất thủy sản của Cẩm Khê thời gian qua. Huyện có nhiều chính sách khuyến khích phát triển thủy sản theo hướng hàng hóa. Huyện hỗ trợ giá giống cho các hộ có diện tích nuôi thủy sản liền vùng, liền thửa đảm bảo diện tích và mật độ nuôi theo quy định. Trong giai đoạn 2012-2015, tổng nguồn vốn ngân sách hỗ trợ thực hiện chương trình phát triển thủy sản là trên 3,6 tỷ đồng với diện tích gần 1.570ha. Chính sách đã góp phần thay đổi tập quán nuôi thủy sản của người dân từ hình thức nuôi thức ăn tận dụng, đầu tư thấp sang nuôi thâm canh, bán thâm canh. Năng suất nuôi bình quân đạt 3,4 tấn/ha. Giai đoạn 2016-2020 huyện hỗ trợ nuôi thâm canh thủy sản và bán thâm canh ở cánh đồng chiêm trũng, hỗ trợ nuôi tôm càng xanh với diện tích liền vùng, liền thửa, chủng loại giống theo quy định”.

Đi thăm những mô hình nuôi trồng thủy sản được quy hoạch tương đối bài bản của huyện mới cảm nhận hết được những nỗ lực vượt bậc của Đảng bộ, chính quyền và nông dân vùng đất trũng trong công cuộc chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, phát triển nông nghiệp hàng hóa, trong đó đặc biệt chú trọng phát triển thủy sản. Trước đây, trên địa bàn huyện, ruộng trũng, ao hồ mới chỉ khai thác theo hướng tận dụng, tiềm năng chưa được phát huy triệt để. Thực hiện các chủ trương phát triển nông nghiệp, huyện tập trung quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản, phát triển kinh tế gia trại, trang trại.

Về Văn Khúc – một xã có diện tích nuôi thủy sản tương đối lớn của huyện với gần 160ha, ở các ao nuôi đã vệ sinh ao, chuẩn bị sẵn sàng cho mùa vụ mới. Toàn xã có trên 130ha nuôi cá truyền thống và trên 20ha nuôi tôm càng xanh. Tổng sản lượng thủy sản năm 2016 của xã là 415 tấn. Ông Hà Minh Tuấn – Chủ tịch UBND xã cho biết: “Văn Khúc là một trong những xã có diện tích đồng chiêm trũng lớn nhất của huyện. Xã quy hoạch vùng đất trũng, chỉ sản xuất được một vụ lúa, kém hiệu quả sang nuôi thủy sản theo hướng một lúa một cá, đồng thời phát triển các mô hình nuôi cá giống, nuôi tôm càng xanh, góp phần tăng năng suất, nâng cao thu nhập cho người dân. Từ hiệu quả đó, nơi nào có nguồn sinh thủy bà con lại tận dụng nuôi cá, nuôi tôm, nuôi cá xen với lúa. Điều phấn khởi là những diện tích trước đây bỏ hoang hóa hoặc kém hiệu quả, nhà nông đã và đang làm giàu trên mặt nước”.

Không kể đến số hộ thoát nghèo ngày càng nhiều mà ngay cả số hộ làm giàu từ nuôi trồng thủy sản ở Cẩm Khê giờ cũng không còn hiếm. Từ những mô hình nuôi cá truyền thống đến những mô hình nuôi cá đặc sản, với phương thức chăn nuôi chuyển từ quảng canh sang nuôi với quy mô lớn, có đầu tư bài bản và hướng an toàn dịch bệnh ngày càng phổ biến tại địa phương.

Tuy nhiên, trong phát triển thủy sản của Cẩm Khê vẫn còn những hạn chế nhất định. Nhiều địa phương chưa thực sự chú trọng tới đầu tư thâm canh, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; vẫn còn hình thức nuôi quảng canh; tỷ lệ xen ghép và mật độ nuôi thả chưa hợp lý với từng loại hình mặt nước nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Mật độ nuôi, tỷ lệ nuôi xen ghép, độ đồng đều các loại giống thả còn chưa hợp lý, phần lớn là nuôi theo kinh nghiệm. Thị trường tiêu thụ sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp chưa mặn mà trong việc đầu tư trực tiếp vào chăn nuôi hoặc liên kết với nông dân để tạo ra chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ. Sản xuất thủy sản thường xuyên chịu tác động bởi điều kiện thời tiết bất lợi như mưa lũ, hạn hán và dịch bệnh, gây thiệt hại nhiều diện tích nuôi trồng thủy sản. Cơ sở hạ tầng trong nuôi trồng thủy sản còn thiếu đồng bộ, các bờ bao vùng, các công trình thủy lợi cấp nước, tiêu nước, bảo vệ vùng nuôi trồng thủy sản chưa đáp ứng với yêu cầu. Cơ cấu giống thủy sản vẫn chủ yếu là các giống truyền thống như cá trắm cỏ, chép lai, rô phi đơn tính còn cá đặc sản và cá lai chỉ chiếm 0,7% diện tích nuôi.

Trong thời gian tới, huyện Cẩm Khê tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp đề ra, trong đó chú trọng phối hợp với các ngành chức năng triển khai tốt công tác quản lý chất lượng giống, cải tạo, vệ sinh ao, hồ; quản lý mùa vụ nuôi, đối tượng nuôi, phương thức nuôi cho phù hợp với điều kiện của địa phương. Tranh thủ sự hỗ trợ của các cấp, ngành đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất thông qua các dự án đã và đang triển khai; tăng cường chuyển giao tiến bộ kỹ thuật qua việc tổ chức đào tạo, tập huấn kỹ thuật nuôi thủy sản, xây dựng mô hình trình diễn phù hợp với điều kiện từng vùng và có khả năng nhân rộng cao. Đồng thời tăng cường huy động các nguồn vốn đầu tư cho phát triển chăn nuôi thủy sản, tích cực triển khai lập các dự án, chương trình hỗ trợ để thu hút và huy động các nguồn vốn đầu tư từ Trung ương, tỉnh, huyện, các doanh nghiệp để xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển vùng nuôi thủy sản tập Trung theo hướng sản xuất hàng hóa.

Dẫu vẫn còn đó khó khăn trong phát triển thủy sản trên địa bàn huyện nhưng chắc chắn rằng với những chính sách khuyến khích phát triển đúng hướng, cơ cấu thủy sản có sự chuyển dịch hợp lý, cuộc sống người dân theo đó cũng sẽ có những đổi thay tích cực.

Nguyễn Huế

Báo Phú Thọ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!