Kiểm soát chặt chẽ loài ngoại lai xâm hại

Chưa có đánh giá về bài viết

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao các bộ, ngành liên quan và địa phương xây dựng dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại.

Dự thảo Chỉ thị sẽ tập trung vào giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn các hành vi vi phạm quy định pháp luật về nuôi trồng, phát triển, kinh doanh loài ngoại lai, các biện pháp kiểm soát, hạn chế tác động tiêu cực của loài ngoại lai xâm hại.

Trong thời gian qua, nhiều loài ngoại lai xâm hại đã xuất hiện và gây ảnh hưởng tới đa dạng sinh học và tổn thất kinh tế. Trước đây, ốc bươu vàng (Pomacea canaliculata) được nhập về nhằm mục đích phát triển kinh tế. Tuy nhiên, sau một thời gian, ốc bươu vàng đã trở thành đại dịch làm điêu đứng ngành nông nghiệp Việt Nam và đến nay, loài này vẫn đang tiếp tục gây hại cho mùa màng. 

Ốc bươu vàng gây hại cho mùa màng – Ảnh: ST

Rùa tai đỏ cũng là một trong những loài đã được quốc tế cảnh báo là loài xâm hại nguy hiểm, tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học, các ngành kinh tế nhưng vẫn tiếp tục được nhập khẩu, phát tán và nuôi trồng tự phát tại Việt Nam. Bên cạnh đó, các loài ngoại lai du nhập vào Việt Nam theo các con đường tự nhiên như: cây mai dương (Mimosa pigra) có nguồn gốc từ châu Mỹ; bọ cánh cứng hại dừa (Brontispa longissima)…  

Theo báo cáo của các địa phương về tình hình quản lý loài ngoại lai xâm hại, 67% các tỉnh bước đầu xác định sự có mặt của các loài ngoại lai xâm hại như: ốc bươu vàng, mai dương, trinh nữ móc, cá lau kính… Trong đó, đáng lo ngại là loài ốc bươu vàng phân bố rộng khắp các tỉnh, thành trên cả nước.

Vậy nhưng, pháp luật chưa có tính bao quát hết các trường hợp trong thực tiễn. Luật cũng không quy định cần có các hướng dẫn dưới luật cho các vấn đề này, nên việc ban hành các văn bản dưới luật còn khó khăn. Một số bộ, ngành cho rằng, để quản lý tốt các loài ngoại lai xâm hại, cần nâng cao công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin; triển khai các hoạt động điều tra, thống kê và xây dựng cơ sở dữ liệu về các loài ngoại lai; tăng cường công tác trao đổi thông tin nghiệp vụ giữa các cơ quan liên quan để xử lý nhanh chóng các vụ việc nóng; và cần có các chế tài đủ mạnh để xử lý các đối tượng kinh doanh, vận chuyển và tiêu thụ sinh vật ngoại lai vì theo quy định hiện nay rất khó xử lý hình sự các đối tượng vi phạm.

PV

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!