Làm gì để phát triển bền vững nghề nuôi tôm hùm?

Chưa có đánh giá về bài viết

Nuôi tôm hùm ngày càng được mở rộng bởi giá trị nó mang lại, tuy nhiên, không phải khi nào nghề nuôi này cũng cho lợi nhuận cao. Bởi, nuôi tôm hùm ngày càng nhiều rủi ro.

Thiếu đủ thứ

Theo Tổng cục Thủy sản, mỗi năm nghề nuôi tôm hùm lồng đem lại nguồn thu hơn 3.500 tỷ đồng, đồng thời giải quyết được công ăn việc làm cho đông đảo người dân từ nhiều hoạt động như nuôi, khai thác giống… Tuy nhiên, thời gian qua nghề nuôi tôm hùm đã bộc lộ nhiều hạn chế, thiếu bền vững, lỗ hổng đầu tiên là chưa có một quy hoạch đồng bộ.

Hiện nay, ngay cả ở những tỉnh trọng điểm nuôi tôm hùm thì hầu như vẫn chưa có quy hoạch chi tiết vùng nuôi tôm hùm. Trong khi đó, tại các khu vực đã được quy hoạch chi tiết thì mật độ nuôi lại ngày càng gia tăng, dẫn đến nguy cơ phá vỡ quy hoạch, hoặc quy hoạch nằm chung với các đối tượng nuôi biển khác… gây khó khăn cho quản lý và làm dịch bệnh dễ lây lan. Cùng đó, con giống cũng đang là vấn đề nan giải nhất của nghề nuôi tôm hùm. Bởi đến nay, người nuôi phải hoàn toàn lệ thuộc vào con giống được đánh bắt tự nhiên, với nhiều cách như đánh lưới mành, bẫy chà, lặn… Điều này dẫn đến bất cập là tôm giống có kích cỡ không đồng đều, chất lượng kém; sức khỏe tôm không đảm bảo, dẫn tới tôm thường chết vào thời gian đầu thả nuôi, hay èo uột, chậm lớn. Giá đắt, chất lượng con giống kém khiến người nuôi gặp nhiều rủi ro.

làm gì để phát triển bền vững nghề nuôi tôm hùm

Nghề nuôi tôm hùm ngày càng nhiều rủi ro – Ảnh: Đoàn Ngọc Nhuận

Cùng đó, là vấn đề chất lượng tôm hùm giống dường như đang bị thả nổi, bởi những khó khăn trong việc kiểm soát, kiểm dịch, điều này dẫn đến tình trạng dịch bệnh trên tôm bỏ ngỏ ngay giai đoạn đầu. Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, tôm hùm bông nuôi lồng ở các tỉnh duyên hải miền Trung thường gặp một số bệnh lý như trắng râu, long đầu, đầu to, đỏ thân, đen mang… Từ đầu năm 2015 đến nay, tại các vùng nuôi ở Phú Yên, tỷ lệ tôm hùm nuôi mắc bệnh khá cao, tỷ lệ tôm chết lên đến 25 – 30% đã gây thiệt hại lớn cho người nuôi.

Chưa kể đến nay, hoàn toàn chưa có thức ăn công nghiệp dành cho đối tượng này. Hiện nay, nuôi tôm hùm vẫn chủ yếu sử dụng thức ăn tự nhiên (các loại cá tạp, cua, sò…). Đây được nhận định là một trong những tác nhân gây ô nhiễm môi trường nước, bùng phát dịch bệnh…

 

Khắc phục mọi bất cập

Theo thạc sĩ Nguyễn Thị Lệ, Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản (Tổng cục Thủy sản), do nguồn giống chưa thể sản xuất chủ động nên sẽ tiến hành công nhận nghề khai thác tôm hùm giống là một nghề, cấp phép khai thác cho các hộ dân làm cơ sở cho việc quản lý chặt chẽ về số hộ khai thác, số lượng tàu, ngư cụ, hình thức và sản phẩm khai thác tôm hùm giống. Cùng đó, tiến hành điều tra nguồn lợi tôm hùm giống để xây dựng cơ chế giám sát, quản lý nhằm khai thác bền vững nguồn giống. Đồng thời, nghiên cứu giảm tỷ lệ hao hụt trong quá trình ương giống.

Ngoài ra, cần nhanh chóng thúc đẩy việc nghiên cứu sản xuất thức ăn công nghiệp trong nuôi tôm hùm, nhằm hướng đến việc đưa nghề nuôi này tiến lên quy mô công nghiệp. Tuy nhiên, cần phải giải quyết tồn tại hiện nay là nghiên cứu sử dụng thức ăn tự nhiên không ô nhiễm môi trường. Một bất cập cần khắc phục nữa là công nghệ nuôi. Bởi nghề này đã tồn tại hàng chục năm nhưng đến nay kỹ thuật nuôi và các phương pháp phòng trị bệnh cho tôm chưa theo kịp với tốc độ phát triển của thực tế.

>> Ông Phạm Khánh Ly, Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng Thủy sản: Cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào nuôi tôm hùm nhằm nâng cao sản lượng, giảm thiểu tác động của điều kiện tự nhiên, đồng thời nghiên cứu giải pháp giảm ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, cải tiến kỹ thuật, mật độ nuôi, kiểm soát thức ăn dư thừa…

Linh Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!