Mô hình nuôi tôm trên cát: Hướng đi đúng nhưng thiếu bền vững

Chưa có đánh giá về bài viết

Tại Nghệ An và Hà Tĩnh, mô hình nuôi tôm trên cát đang là hướng đi đem lại lợi nhuận cao cho người dân ven biển. Trên những đồi cát trắng vốn hoang hóa, những mô hình nuôi tôm công nghệ cao đã góp phần làm thay đổi bộ mặt kinh tế-xã hội địa phương. Song, để mô hình phát triển bền vững cần chú trọng làm tốt công tác bảo vệ môi trường.

Tại Hà Tĩnh, nhiều tổ chức, cá nhân đã và đang đầu tư phát triển mô hình nuôi tôm trên cát, chuyển đổi hình thức từ nuôi tôm quảng canh sang nuôi công nghiệp, công nghệ cao. Năm 2018, diện tích nuôi tôm công nghệ cao trên cát ở Hà Tĩnh đạt 450ha, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2017.

Xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân là vựa nuôi tôm trên cát lớn của tỉnh Hà Tĩnh với gần 20ha. Dẫn chúng tôi đi tham quan các vùng nuôi tôm trên địa bàn, anh Nguyễn Anh Dũng, cán bộ phụ trách địa chính, nông nghiệp của UBND xã Cương Gián cho biết: “Vừa qua, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với UBND huyện Nghi Xuân đã xử phạt hành chính đối với 3 cơ sở nuôi tôm trên cát trên địa bàn do không đáp ứng tiêu chuẩn xả thải ra môi trường”. Có mặt tại cơ sở nuôi tôm trên cát của Hợp tác xã Thái Minh Thùy, chúng tôi thấy nước thải được dẫn theo con mương nhỏ chảy trực tiếp ra biển, mùi hôi bốc lên nồng nặc. Anh Hoàng Văn Thái, chủ cơ sở phân trần: “Cơ sở nuôi tôm mới xây dựng nên chưa có kinh nghiệm dẫn đến sai phạm về hệ thống xử lý nước thải. Hiện chúng tôi đang bắt đầu vụ nuôi mới và cải tạo, đầu tư xây dựng lại hệ thống xử lý nước thải bảo đảm đúng quy chuẩn”.

Tỉnh Nghệ An có diện tích nuôi tôm trên cát gần 130ha, năm 2018 sản lượng tôm thu hoạch đạt 1.500 tấn và có nhiều vùng nuôi tôm được chứng nhận vùng nuôi tôm áp dụng quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (VietGAP). Hình thức nuôi tôm trên cát lót bạt đang được nhiều hộ nuôi lựa chọn và mang lại kết quả khả quan. Nhiều hộ nuôi tôm có lợi nhuận lớn, từ 700 triệu đến 1,5 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, dịch bệnh trên tôm vẫn diễn ra trên phạm vi rộng. Ngoài nguyên nhân khách quan do thời tiết diễn biến phức tạp thì hệ thống xử lý nước thải chưa đồng bộ, ô nhiễm cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

Ông Ngô Xuân Đại (xã Diễn Trung, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) có 4ha nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát, mỗi năm thu về khoảng từ 700 triệu đến 1 tỷ đồng. Mô hình nuôi tôm của gia đình ông được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP do lựa chọn con giống, thức ăn, chế phẩm sinh học bảo đảm chất lượng, thân thiện với môi trường, đầu tư hệ thống xử lý nước thải đúng quy chuẩn. Theo đó, nước thải của ao tôm được đưa về ao chứa để xử lý sơ bộ, sau đó đưa về phía gần biển để xử lý lần cuối, nước thải từ từ thấm ra nơi quy định và xa trạm bơm cấp nước cho các ao nuôi tôm.

Xử lý nước thải đúng quy trình là một trong những điều kiện quan trọng để mô hình nuôi tôm trên cát phát triển bền vững. Tuy vậy, việc xử lý phải đồng bộ mới mang lại hiệu quả. Từ kinh nghiệm thực tế, theo ông Ngô Xuân Đại: Mặc dù cơ sở nuôi tôm của ông xử lý nước thải đúng quy định nhưng nhiều hộ khác trong vùng lại không quan tâm đến vấn đề này. Vì vậy, việc nuôi tôm của gia đình ông vẫn bị ảnh hưởng do nước thải từ các hộ khác ngấm vào nguồn nước nuôi tôm. “Nuôi tôm trên cát tại Nghệ An hiện chưa có quy hoạch và mang nặng tính tự phát, manh mún nên việc đầu tư cơ sở hạ tầng, hệ thống xử lý nước thải chưa đồng bộ, thiếu liên kết giữa các vùng nuôi tôm. Để giải quyết vấn đề này cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền và các ngành chức năng”, ông Ngô Xuân Đại đề xuất.

Để phát triển mô hình nuôi tôm trên cát theo hướng bền vững, ông Lê Văn Hướng, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Nghệ An cho biết: “Chi cục đã khuyến cáo các địa phương triển khai tốt chương trình làm thủy lợi; tuyên truyền, hướng dẫn người nuôi tôm chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước về việc xử lý nước thải, xả thải ra môi trường…”.

Hiện nay, ở hầu hết các vùng nuôi tôm trên cát của tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, hệ thống cơ sở hạ tầng, từ cấp thoát nước, giao thông, điện, đặc biệt là hệ thống xử lý nước thải chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất theo hướng công nghệ cao. Vì vậy, mỗi địa phương cần sớm có quy hoạch đồng bộ về vùng nuôi tôm trên cát, đầu tư hệ thống xử lý nước thải hợp lý, tránh tình trạng “mạnh ai nấy làm” để bảo đảm mô hình nuôi tôm trên cát phát triển bền vững, thân thiện với môi trường.

Hoàng Hoa Lê

Theo Báo QDND

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!