Mục tiêu Quốc gia Dân số: Tín hiệu tích cực

Chưa có đánh giá về bài viết

Lần đầu tiên, tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam đã giảm sau nhiều năm tăng liên tục. Năm 2013, tỷ số này là 113,8 trai/100 gái đến điều tra dân số giữa kỳ 1/4/2014 cho thấy, tỷ số này đã giảm xuống còn 112,2 trai/100 gái. Ông Nguyễn Văn Tân (ảnh), Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Dân số (Bộ Y tế) vui mừng thông báo với PV Tạp chí Thủy sản Việt Nam.

Ông có thể cho biết một số kết quả về thực hiện chỉ tiêu kế hoạch hóa giá đình năm 2014?

Năm 2014, các chỉ tiêu về KHHGĐ đạt khá, khoảng 85% so cùng kỳ năm 2013. Đặc biệt, lần đầu tiên, tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam đã giảm sau nhiều năm tăng liên tục. Năm 2013, tỷ số này là 113,8 trai/100 gái, vượt cả mức giới hạn mục tiêu chỉ số này trong Chương trình mục tiêu Quốc gia DS-KHHGĐ giai đoạn 2012 – 2015 là thấp hơn 113 trai/100 gái vào năm 2015. Điều tra dân số giữa kỳ 1/4/2014 cho thấy, tỷ số này đã giảm còn 112,2 trai/100 gái. Qua đây cũng thấy khoảng cách đạt mục tiêu, hạn chế tỷ số giới tính khi sinh ở mức dưới 113 trai/100 gái là có thể đạt được. Ngoài ra, việc sàng lọc những chỉ tiêu về nâng cao chất lượng dân số về sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh, các hoạt động tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân đạt kết quả tốt.

Tuy nhiên, về chỉ tiêu duy trì tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại khoảng 70%, tỷ lệ này ở mức 67%, nếu không có sự nỗ lực vượt bậc, trong xu thế chuyển đổi từ bao cấp sang tự chi trả như hiện nay, chỉ tiêu này khó đạt được vào cuối năm 2015.

 

Nguyên nhân nào khiến một số chỉ tiêu KHHGĐ chưa đạt, thưa ông?

Năm 2014 là năm hết sức khó khăn, nhiệm vụ không giảm nhưng ngân sách bị giảm hơn 1/3 so năm 2013. Năm 2014, chúng ta đã chuyển từ cơ chế nhà nước bao cấp, chi trả một phần dịch vụ, phương tiện tránh thai, hoạt động khác sang việc hầu hết những người sử dụng phương tiện, dịch vụ này phải tự chi trả. Nhà nước chỉ còn bao cấp cho người nghèo, cận nghèo, gia đình có công, người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn. Cũng trong năm 2014, bộ máy làm công tác DS – KHHGĐ tại cơ sở chưa thực hoàn thiện, ảnh hưởng đến hiệu quả thực hiện công tác DS – KHHGĐ năm 2014.

Chăm sóc SKSS-KHHGĐ được nhiều địa phương tích cực triển khai – Ảnh: CTV

 

Tổng cục Dân số có giải pháp gì trong năm tới?

Những giải pháp đã được hoạch định trong chiến lược dân số năm 2011 – 2020 và chương trình mục tiêu Quốc gia về dân số 2012 – 2015 gồm 7 giải pháp và 3 nhóm giải pháp. Nhóm giải pháp về truyền thông cung cấp dịch vụ, thực hiện tốt các chính sách, nhóm giải pháp có tính điều kiện tiên quyết là nhóm giải pháp về lãnh đạo chỉ đạo của các cấp ủy đảng, cần tiến hành vận động tốt hơn với các cán bộ lãnh đạo hay các cán bộ quan tâm lãnh đạo chỉ đạo công tác này. Củng cố lại tổ chức bộ máy để bộ máy vận hành. Và những giải pháp có tính điều kiện, giải pháp về tài chính. Nguồn tài chính còn phải phụ thuộc nhưng để bù đắp những thiếu hụt từ nguồn ngân sách nhà nước, cần phải đẩy mạnh xã hội hóa, vận động nhân dân để mọi người dân từng bước quen việc tự chi trả những dịch vụ mà mình nhận, để huy động những thị trường tham gia cung ứng dịch vụ cho người dân. Năm 2015, ngành Dân số tiếp tục đẩy mạnh truyền thông giáo dục và tiến hành tổng thể giải pháp để chuyển đổi hành vi về DS – KHHGĐ, nhằm tăng cường sự tham gia và tạo sự đồng thuận của toàn xã hội, góp phần nâng cao chất lượng dân số, giảm tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, phát huy lợi thế cơ cấu dân số vàng và duy trì mức sinh thấp hợp lý.

>> Có 3 nhóm địa phương với mức sinh khác nhau. Thứ nhất là nhóm địa phương đạt mức sinh hợp lý, cần phải tuyên truyền vận động cung cấp dịch vụ thuận tiện, an toàn cho người dân, có chính sách khuyến khích để giảm mức sinh. Ở nhóm địa phương tại những khu vực có mức sinh thấp, cần vận động tuyên truyền để duy trì mức sinh hiện có, không để mức sinh giảm nữa, như TP Hồ Chí Minh chẳng hạn. Tại các tỉnh đã đạt mức sinh thay thế, cần gắng duy trì mức sinh đó với điều kiện cung cấp đủ nhu cầu sử dụng dịch vụ KHHGĐ của người dân.

Thảo Dương (Thực hiện)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!