Nam Định: Hải Triều phát triển mạnh nghề nuôi thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

Người dân xã ven biển Hải Triều (Hải Hậu, Nam Định) chủ yếu sống bằng nghề làm muối, khai thác và nuôi thủy sản. Nghề muối vốn đã khó khăn bởi bấp bênh giá cả, phụ thuộc thời tiết trong khi cơ sở hạ tầng thấp kém. Nghề khai thác cũng ngày càng đòi hỏi đầu tư thuyền lớn, vốn lớn để vươn khơi xa thì hiệu quả kinh tế mới khá. Riêng nghề nuôi thủy sản của xã gần đây được định hướng và đầu tư đúng nên ngày càng phát triển, góp phần nâng cao đời sống kinh tế cho người dân.

Kinh doanh thức ăn cho tôm thẻ chân trắng tại đại lý thức ăn, con giống thủy sản Thiện Bích, xóm Tây Bình, xã Hải Triều

Toàn xã Hải Triều có 53,7ha diện tích nuôi thủy sản, chủ yếu nuôi tôm thẻ chân trắng, trong đó diện tích nuôi công nghiệp là 18,8ha; nuôi bán công nghiệp là 34,9ha. Theo báo cáo của UBND xã, 6 tháng đầu năm các hộ nuôi thủy sản đã thả 20 triệu con tôm thẻ chân trắng, trên 10 triệu con tôm sú; 60 nghìn con cá giống các loại và 50 nghìn con cua giống. Tổng giá trị sản xuất ngành thủy sản 6 tháng đầu năm ước đạt 131,3 tỷ đồng, đạt 59,2% so với kế hoạch năm và tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2015. Về Hải Triều một ngày đầu thu, chúng tôi được giới thiệu đến đại lý thức ăn, con giống thủy sản Thiện Bích, xóm Tây Bình. Đây là đại lý có tiếng được người dân trong và ngoài xã tin tưởng vì chuyên cung cấp con giống, thức ăn, thuốc thú y thủy sản đảm bảo chất lượng. Ngoài ra, đại lý còn có 20ha ao đầm nuôi tôm thẻ chân trắng. Anh Hoàng Đức Thiện, chủ đại lý cho biết: “Đại lý của tôi hoạt động khá lâu năm và đã được cấp đầy đủ các giấy tờ như giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, giấy chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm do Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cấp… Trong sản xuất, kinh doanh chúng tôi luôn đặt chữ “tín” lên hàng đầu, mỗi người đều phải tự nâng cao ý thức để có những sản phẩm tốt nhất cung cấp cho bà con, góp phần giúp cho nghề nuôi thủy sản của địa phương phát triển bền vững”. Mỗi vụ, trung bình cơ sở của anh Thiện thu hoạch khoảng 80 tấn tôm thẻ chân trắng. Chia sẻ về những thành công trong nuôi tôm thẻ chân trắng, anh Thiện cho biết thêm, anh luôn chú trọng đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng thật tốt với đầy đủ máy bơm, quạt nước và đặc biệt là phải luôn theo dõi sát tình hình diễn biến thời tiết để có những biện pháp chủ động chăm sóc đàn tôm. Do vậy nên dù mấy năm qua diễn biến thời tiết bất thường phức tạp nhưng đàn tôm của anh vẫn khỏe mạnh và phát triển đồng đều. Ngoài ra, chế biến sứa cũng là một thế mạnh của cơ sở Thiện Bích. Mỗi năm, cơ sở cung cấp cho thị trường 2.000 thùng sứa đã chế biến, đóng gói. Đến xóm Tân Thịnh, chúng tôi được giới thiệu vào hộ anh Trần Văn Thiêm, chủ của 1,5ha nuôi tôm thẻ chân trắng. Mỗi vụ, đàn tôm mang lại cho anh thu nhập trên 500 triệu đồng trừ chi phí. Sau cơn bão số 1 các vùng nuôi thủy sản chịu thiệt hại khá nặng nề. Người dân đang trong quá trình khắc phục thì cơn bão số 3 lại “bồi” tiếp với những cơn mưa kéo dài. Với kinh nghiệm đã tích lũy, anh Thiêm nhanh chóng xử lý nguồn nước, xả tràn nước ngọt trên tầng mặt và sục khí để tránh hiện tượng phân tầng nước ao nuôi, theo dõi chặt chẽ các yếu tố môi trường ao nuôi để kịp thời bổ sung các khoáng chất cần thiết cho tôm cũng như bổ sung men tiêu hóa, vitamin C vào thức ăn giúp tôm có thêm sức đề kháng chống chọi với môi trường, phát triển khỏe mạnh. Nhờ sự chăm sóc tỉ mỉ và khoa học nên đàn tôm của anh không bị thiệt hại nhiều. Đồng chí Đỗ Quốc Vương, Chủ tịch UBND xã Hải Triều cho biết: “Nghề nuôi thủy sản là một trong những nghề mang lại thu nhập chính cho bà con trong xã. Hiện nay và trong nhiều năm tới, nuôi thủy sản vẫn giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của Hải Triều. Do vậy Đảng ủy, UBND xã đã chỉ đạo định hướng bà con tích cực đẩy mạnh việc tu bổ ao đầm, hệ thống tiêu nước, đặc biệt là trong mùa mưa bão; tổ chức một số lớp tập huấn kỹ thuật, nâng cao kiến thức, tay nghề cho người nuôi thủy sản”. Bên cạnh đó, xã chủ động khai thác có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ và có những chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân mạnh dạn và chủ động hơn trong phát triển nghề nuôi thủy sản. Một kết quả đáng mừng nữa cho Hải Triều là nghề đan lưới của xóm Tân Minh và mô hình tổ chức làng nghề nuôi thủy sản Trần Phú ngày càng đi vào hoạt động nề nếp, tăng cường mối liên kết của người dân hợp tác, cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, kiến thức cũng như những biện pháp kỹ thuật, mang lại hiệu quả tích cực cho kinh tế địa phương.

Tuy nhiên, để nghề nuôi thủy sản ở Hải Triều phát triển mạnh thì ngoài những biện pháp trên, các cấp, các ngành cần có sự quan tâm, chỉ đạo chặt chẽ hơn nữa giúp người dân yên tâm đầu tư phát triển sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, góp phần xây dựng địa phương ngày càng giàu đẹp.

Thanh Hoa

Báo Nam Định

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!