Ngành cá tra ở một tỉnh điển hình

Chưa có đánh giá về bài viết

Thống kê 9 tháng đầu năm 2015, tỉnh Vĩnh Long có diện tích nuôi cá tra lớn thứ 5 trong 10 tỉnh và thành phố vùng ĐBSCL, nhưng thực hiện tốt nhất các quy định theo Nghị định 36. Từ đây có thể thấy rõ thêm thực trạng ngành cá tra ở cơ sở.

Theo Chi cục Thủy sản Vĩnh Long, hiện tỉnh có diện tích nuôi cá tra 442,56 ha, tăng 3,3% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, đang nuôi 295,39 ha (tăng 18 ha); chưa thả lại 79,23 ha (giảm 26 ha); chuyển nuôi thủy sản khác 6,74 ha; “treo ao” 61,2 ha, chiếm 13,8% tổng diện tích nuôi (tăng 25 ha).

 Cả tỉnh có 197 cơ sở nuôi cá tra. Trong đó, 23 công ty (11,68% cơ sở) với 257 ha (57,37% tổng diện tích) và 174 hộ gia đình (88,32% cơ sở) với 192 ha (42,63 % tổng diện tích). Trong 9 tháng, kiểm tra đánh giá 121 cơ sở nuôi cá tra; kết quả loại A có 19 cơ sở (16%), loại B có 85 cơ  sở  (70%), loại C có 17 cơ sở (14%).

 

Đạt tiêu chuẩn cao

Vĩnh Long là tỉnh đầu tiên ở ĐBSCL hoàn thành việc cấp mã số nhận diện cơ sở nuôi và xác nhận đăng ký nuôi cá tra thương phẩm. Đến ngày 6/10/2015, có 100% cơ sở đang thả nuôi cá tra (160 cơ sở) nộp hồ sơ cấp mã số ao nuôi. Kết quả, đã đăng ký 639 ao, đạt 100% số ao đang thả nuôi. Diện tích đã cấp mã số nhận diện là 392,63 ha, đạt 100% số diện tích đang nuôi. Đã nhập mã số nhận diện cơ sở ao nuôi 160/160, mã số ao nuôi cá tra 639/639 ao.

Xác nhận đăng ký diện tích và sản lượng nuôi cá tra thương phẩm năm 2015: Tổng số đăng ký 510 ao, diện tích 332,3 ha với sản lượng dự kiến 107,8 tấn. Đồng thời, đã xác nhận đăng ký diện tích và sản lượng nuôi cá tra thương phẩm năm 2016: Tổng số đăng ký 191 ao, diện tích 123,049 ha với sản lượng dự kiến 40,43 tấn.

Quy hoạch nuôi cá tra đến năm 2020 đã được phê duyệt, công tác quản lý quy hoạch có hiệu quả. Diện tích nuôi cá tra hiện nay chỉ mới đạt 63,6% và sản lượng đạt 42,8% so với quy hoạch năm 2015, nên không có hiện tượng cung vượt cầu. Trước những biến động mới, Chi cục Thủy sản rà soát lại quy hoạch nuôi cá tra đến năm 2020 trình UBND tỉnh và đã được phê duyệt theo hướng giảm chỉ tiêu. Đến năm 2020 diện tích nuôi cá tra 750 ha, chỉ tăng 8,5% so năm 2013 với sản lượng 170.000 tấn, tăng 15,45% so năm 2013.

ngành cá tra ở một tỉnh điển hình

Người nuôi cá tra vẫn khó tiếp cận vốn vay – Ảnh: Duy Khương

Toàn tỉnh có 93,23 ha nuôi trồng thủy sản được chứng nhận các tiêu chuẩn quốc tế (GlobalGAP/ASC/BMP) và tiêu chuẩn VietGAP. Trong đó, 11 cơ sở nuôi cá tra thương phẩm được chứng nhận GlobalGAP/ASC với tổng diện tích 69,73 ha; 2 cơ sở sản xuất giống cá tra (6,3 ha) được chứng nhận GlobalGAP; 3 cơ sở nuôi cá tra thương phẩm và 1 hợp tác xã (14,2 ha) được chứng nhận VietGAP; 1 cơ sở nuôi cá tra thương phẩm (3 ha) được chứng nhận BMP.

 

Nhiều khó khăn

Sản lượng 9 tháng khoảng 55.436 tấn, đạt 61,6 % kế hoạch năm, tăng 5% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản lượng thu hoạch thực tế 47.700 tấn (86% sản lượng dự kiến, do giá cá nguyên liệu trong 9 tháng vẫn thấp nên người nuôi cho ăn cầm chừng, kéo dài thời gian, cá không đạt kích cỡ thu hoạch).

Giá mua cá tra nguyên liệu tại ao trong 9 tháng đầu năm là 19.000 – 25.000 đồng/kg. Trong đó, 5 tháng đầu năm, tăng 21.500 – 25.500 đồng/kg nhưng sang tháng 6 – 9 giảm còn 19.000 – 21.000 đồng/kg. Trong lúc giá thành 22.000 – 23.000 đồng/kg, người nuôi lỗ 2.000 – 3.000 đồng/kg.

Sản xuất giống chỉ bằng 34% so cùng kỳ năm 2014, đạt 33,4% kế hoạch năm, đáp ứng gần 40% nhu cầu. Nguồn giống còn thiếu chủ yếu nhập từ các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang. Trong 9 tháng, Chi cục Thú y kiểm dịch được 3.100.000 con (6.000 con cá giống; 2.500.000 con cá tra bột). Chất lượng giống cá tra khó kiểm soát do chủ yếu giống nhập từ tỉnh khác và khó kiểm tra thực hiện kiểm dịch do vận chuyển bằng phương tiện thủy.

Vĩnh Long có 3 nhà máy chế biến thủy sản với công suất thiết kế 660 tấn nguyên liệu/ngày, trong đó 2 nhà máy ở huyện Long Hồ (An Phước và Hùng Cường), 1 nhà máy ở TP Vĩnh Long (Hùng Vương). Từ đầu năm đến nay, chỉ có nhà máy Hùng Vương hoạt động cầm chừng, 2 nhà máy còn lại ngưng hoạt động.

 

Liên kết vẫn yếu

Đa số người nuôi tự liên hệ bán cá cho các nhà máy với hình thức ai mua cao thì bán, không ký hợp đồng liên kết khi bắt đầu sản xuất. Việc thực hiện theo các quy định quản lý đã có tiến bộ như: Ghi chép nhật ký sản xuất, theo dõi quá trình nuôi, sử dụng thuốc thú y, hóa chất, thức ăn để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, phục vụ truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên, vẫn còn một số cơ sở nuôi chưa xử lý nước thải ao nuôi trước khi đưa ra môi trường, sử dụng con giống không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch đã ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất.

 Trong 9 tháng, thu và nhận 82 mẫu cá bệnh từ các cơ sở nuôi để xét nghiệm; Thu 164 mẫu nước cấp và nước thải để quan trắc và cảnh báo môi trường. Các yếu tố môi trường trong giới hạn thích hợp cho nuôi trồng thủy sản, chưa có dấu hiệu dịch bệnh hoặc tác động tiêu cực đến môi trường. Tuy nhiên, hàm lượng các chỉ tiêu nước thải từ ao nuôi thường vượt giới hạn cho phép.

Nhà nước có nhiều chính sách ưu đãi ngành cá tra nhưng thực tế, sản xuất kinh doanh vẫn khó tiếp cận vốn. Giá cá xuất khẩu và giá nguyên liệu không ổn định, luôn ở mức thấp hơn giá thành nên ngân hàng khó thẩm định hiệu quả phương án sản xuất làm cho nông hộ gặp trở ngại trong vay vốn. Giá thức ăn chăn nuôi được miễn thuế VAT 5% nhưng thực tế thức ăn phục vụ nuôi cá tra chưa giảm và khó kiểm soát chất lượng. Thuốc thú y thủy sản tăng cao, chất lượng khó kiểm soát làm tăng chi phí.

– Chi cục Thủy sản Vĩnh Long kiến nghị Chính phủ chỉ đạo và giám sát các bộ ngành liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện Nghị định 36, nhất là việc công bố giá sàn mua nguyên liệu.

– Bộ NN&PTNT hỗ trợ địa phương đầu tư xây dựng cơ sở kiểm định chất lượng giống, thức ăn thủy sản và trang thiết bị quan trắc cảnh báo dịch bệnh và môi trường. Đàm phán quốc tế công nhận VietGAP tương đương các tiêu chuẩn khác làm tiền đề xây dựng thương hiệu cá tra Việt Nam. Hỗ trợ các tỉnh trọng điểm nuôi cá tra xây dựng mô hình liên kết chuỗi sản xuất với sự tham gia của ngân hàng, sản xuất giống, thức ăn, chế biến, quản lý, khoa học.

– Bộ Tài chính chỉ đạo triển khai thực hiện tính giá thành sản xuất nguyên liệu cá tra phù hợp thực tiễn sản xuất.

– Hiệp hội Cá tra Việt Nam cần tính toán và công bố giá sàn nguyên liệu định kỳ theo quan điểm hài hòa lợi ích giữa người nuôi và chế biến theo hướng phải bằng hoặc cao hơn 5% giá thành sản xuất tại thời điểm công bố. Đồng thời, cần thực hiện nghiêm túc việc đăng ký xuất khẩu. Trong đó, yêu cầu nguyên liệu chế biến phải từ vùng nuôi được chứng nhận VietGAP hoặc các tiêu chuẩn quốc tế khác, để thực hiện tốt Nghị định 36.

Thanh Hải

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!