Ngư dân vi phạm, lãnh đạo chịu trách nhiệm

Chưa có đánh giá về bài viết

Nhằm ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đến năm 2025, ngày 16/1/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 78/QĐ-TTg phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia thực hiện triệt để điều này. Trong đó, sẽ quy trách nhiệm cho người đứng đầu nếu tại địa phương còn xảy ra sai phạm.


Ngư dân khai thác trái phép bị lực lượng chức năng tịch thu tang vật Ảnh: ST

Cấp thiết

Khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) làm suy giảm nguồn lợi, ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ đối ngoại và hoạt động xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trên trường quốc tế. Cùng đó, Chính phủ Việt Nam không dung túng, khuyến khích hoạt động khai thác IUU ở các vùng biển trong nước và quốc tế. Quyết định này ra đời nhằm mục đích ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ hoạt động khai thác IUU của các tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài trên các vùng biển Việt Nam; thúc đẩy phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm, góp phần đảm bảo an ninh quốc gia, khu vực và hội nhập quốc tế; chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân Việt Nam khai thác hải sản trái phép tại vùng biển các nước.

Hơn nữa, khai thác IUU được kiểm soát hiệu quả sẽ góp phần duy trì nguồn lợi thủy sản và hệ sinh thái thủy sinh, đảm bảo nghề phát triển hiệu quả, an toàn, bền vững; góp phần nâng cao đời sống người dân, công bằng xã hội; an ninh quốc gia trên các vùng biển được giữ vững.

Kế hoạch đồng bộ

Theo Quyết định 78/QĐ-TTg, đến tháng 4/2018, ngành chức năng cần rà soát, sửa đổi và bổ sung các văn bản liên quan đến khai thác IUU, phê duyệt đề án Khai thác hải sản viễn dương; Quy hoạch khai thác hải sản xa bờ đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030. Thành lập tổ liên ngành về phòng chống khai thác IUU; Nâng cấp hệ thống trạm bờ tại Tổng cục Thủy sản và tại 28 tỉnh, thành phố; thiết lập cơ sở dữ liệu nghề cá…

Tiếp đó, giai đoạn 2018 – 2020, sẽ tăng cường các giải pháp tổng thể nhằm chấm dứt hoàn toàn tình trạng tàu cá và ngư dân Việt Nam khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài và vùng biển quốc tế; Xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Thủy sản 2017; Phê chuẩn việc tham gia các hiệp định về quản lý nghề cá quốc tế và khu vực có liên quan đến phòng chống khai thác IUU; Xây dựng và triển khai chính sách chuyển đổi nghề, sinh kế bền vững cho ngư dân; Kiểm soát chặt chẽ (số lượng, chủng loại, xuất xứ) các lô hàng thủy sản nhập khẩu; Điều chỉnh, bổ sung vào danh mục cấm một số nghề khai thác hủy diệt: lưới kéo đáy, lờ dây… và một số đối tượng khai thác như: hải sâm, trai tai tượng… Đàm phán đưa tàu cá Việt Nam sang khai thác hợp pháp ở vùng biển quốc tế và các nước trong khu vực theo đề án Khai thác viễn dương…

Sang đến giai đoạn 2021 – 2025, sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, thể chế quản lý nghề cá; Tiếp tục triển khai chính sách chuyển đổi nghề, sinh kế bền vững cho ngư dân; Tiếp tục tăng cường năng lực kiểm soát, thanh tra tàu cá, xác nhận sản lượng lên bến tại các cảng cá, bến cá và truy xuất nguồn gốc một cách đồng bộ; 100% sản lượng khai thác lên bến được kiểm soát, xác nhận nguồn gốc tại cảng. Cùng đó, ngành chức năng sẽ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như truyền thông, khoa học công nghệ, cơ chế chính sách, trong đó quan trọng là định kỳ điều tra nguồn lợi đánh giá trữ lượng hải sản, làm căn cứ để khai thác hải sản bền vững, ứng dụng các phương pháp đánh giá nguồn lợi hải sản tiên tiến và thu thập số liệu nghề cá thường xuyên để có cơ sở phục vụ công tác quy hoạch và quản lý năng lực khai thác, cơ cấu đội tàu ở các vùng biển.

Quy trách nhiệm người đứng đầu

Điểm mới trong Nghị định này là phân cấp cho địa phương, phân quyền quản lý, giám sát, kiểm soát khai thác IUU tại địa phương và cộng đồng. Cụ thể, trong giai đoạn 2018 – 2020, Nghị định quy định rõ, cần xây dựng cơ chế chịu trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương nơi có tàu cá đi khai thác bất hợp pháp ở nước ngoài.

Cùng đó, trong giải pháp về cơ chế chính sách, Nghị định cũng xác định, “quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền các cấp không kiểm soát được tàu cá khai thác IUU tại địa phương; Quy trách nhiệm người đứng đầu chính quyền địa phương các tỉnh ven biển, đặc biệt là các địa phương không ngăn chặn, kiểm soát hiệu quả tình trạng tàu cá đi khai thác bất hợp pháp ở nước ngoài”.

Ngay sau chỉ đạo của Chính phủ, các địa phương cũng đã nhanh chóng vào cuộc. Cụ thể tại Bình Thuận, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Huỳnh Thanh Cảnh cho biết, lãnh đạo tỉnh đã ra chỉ thị phải chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài trước ngày 1/5. Nếu sau ngày đó, tàu cá của tỉnh còn vi phạm thì người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, các ban, ngành, đơn vị có liên quan phải chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy.

Hy vọng với sự chặt chẽ và mạnh tay này, hải sản Việt Nam sẽ nhanh chóng thoát khỏi “thẻ vàng”, tiến tới lấy “thẻ xanh” của Liên minh châu Âu (EC) để tiếp tục góp mặt trên các kệ hàng của thị trường rộng lớn này.

>> Theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội công bố trong kỳ họp cuối năm vừa qua, từ năm 2010 – 2016, đã có 1.071 vụ với 1.774 tàu cá và 13.937 ngư dân Việt Nam bị phía nước ngoài bắt giữ, xử lý. Một số địa phương bị “đánh dấu” của tình hình này là Quảng Ngãi, Kiên Giang, Cà Mau, Bình Định, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Thuận, Bến Tre, Tiền Giang.

Phan Thảo

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!