Nhiều câu hỏi khó cho thức ăn thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

Ngành nuôi trồng thủy sản của Việt Nam ngày càng phát triển, kéo theo đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh thức ăn thủy sản cũng không ngừng mở rộng. Vậy nhưng, không phải sản phẩm nào cũng đảm bảo chất lượng. Vậy, đâu là giải pháp cho phát triển thức ăn trong nuôi trồng thủy sản?


Quản lý thức ăn tốt giúp giảm giá thành vụ nuôi Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Thiếu tiêu chí cụ thể

Trong nuôi trồng thủy sản, thức ăn có vai trò quan trọng, thường chiếm 40 – 70% chi phí sản xuất, nhưng hiện nhiều người nuôi vẫn rất băn khoăn về tính hiệu quả của thức ăn khi mà tình trạng tôm chậm lớn vẫn nỗi ám ảnh của họ. Chưa kể, người nông dân hiện nay bị lạc vào những “rừng” quảng bá, quảng cáo về các loại thức ăn, khiến việc đánh giá, lựa chọn thức ăn phù hợp cho vật nuôi trở thành bài toán khó.

Tại Hội thảo giải pháp kỹ thuật cho thức ăn trong nuôi trồng thủy sản tổ chức tại Hà Nội mới đây, có sự tranh luận sôi nổi, thậm chí gay gắt, khi một chuyên gia trẻ của nước ngoài nêu ý kiến: thức ăn thủy sản có cần lượng đạm quá cao hay không? Bởi vì, lượng đạm quá cao, tạo ra quá nhiều năng lượng và điều đó có thực sự cần thiết cho vật nuôi? Thay vì nên tăng cường chất béo để tăng trọng cho vật nuôi? Ý kiến này không phải là không có lý, khi rất nhiều doanh nghiệp sản xuất thức ăn đang theo đuổi và quảng cáo cho các loại thức ăn có độ đạm cao, thậm chí rất cao. Đại diện một doanh nghiệp cho biết: “Hiện nay đánh giá thế nào là thức ăn tốt cũng chưa có. Một số doanh nghiệp lấy thức ăn dùng cho nuôi tôm giống để nuôi tôm thịt và thấy hiệu quả cao, nhưng ngược lại thì không ít doanh nghiệp lấy thức ăn dành cho tôm thịt để nuôi tôm giống mà kết quả lại cao”.

Trong khi đó, ý kiến của một nhà khoa học thì cho rằng, chúng ta chưa có những tiêu chuẩn cụ thể cho thức ăn tôm, cá về các tiêu chí như hàm lượng dưỡng chất, phụ gia và các yếu tố khác. Đánh giá hàm lượng cao hay thấp thì dựa theo tiêu chuẩn nào?

Tăng sức nặng khoa học

Theo nghiên cứu của Trần Việt Phương và Trần Thị Bích Ngọc (Bộ môn Dĩnh dưỡng và thức ăn Chăn nuôi – Viện Chăn nuôi), những cơ sở tiêu chí đánh giá về chất lượng thức ăn tại Việt Nam còn nhiều lạc hậu, yếu kém, đó là điểm yếu từ ngay cả trong giới khoa học. Hai tác giả này cho biết: “Chúng ta phải mượn các phương trình và hệ số tiêu hóa của nước ngoài, chủ yếu từ các tài liệu về thức ăn và dinh dưỡng của Liên Xô cũ và tại liệu của Boghol, do đó tính chính xác chưa cao”.

Gần đây, đã có một số công trình nghiên cứu về thức ăn chuyên sâu, như đề tài cấp nhà nước: “Nghiên cứu xác định nhu cầu dinh dưỡng đối với thủy cầm chăn nuôi tập trung nhằm nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế” – TS Trần Quốc Việt chủ trì)… được đánh giá là “chúng ta bắt đầu có những nghiên cứu có hệ thống và bài bản về đánh giá thành phần và giá trị dinh dưỡng của thức ăn cho lợn và gia cầm theo hướng nghiên cứu cơ bản, sử dụng kỹ thuật sắc ký lỏng cao áp để phân tích, xác định hàm lượng các axit amin trong thức ăn… tính tỷ lệ tiêu hóa các axít amin.

Thực tế, nhiều trang trại nuôi trồng cũng phản ánh, do các nhà máy sản xuất thức ăn đua nhau làm sản phẩm giàu đạm dẫn đến việc tôm không hấp thụ hết, gây ô nhiễm ao nuôi. Quá trình làm sạch ao đã phát hiện lượng thức ăn tôm dư thừa rất nhiều. Tình trạng này dẫn đến chi phí thức ăn cao, tạo ra sự lãng phí, tăng giá thành nuôi.

Ông Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cũng cho rằng, cần phải phát triển nghiên cứu về thức ăn thủy sản, đơn cử như việc thức ăn dành cho tôm nuôi theo các hình thức như: quảng canh, thâm canh, nuôi công nghiệp mật độ dày… có sự khác nhau như thế nào và hiệu quả ra sao? Mỗi quy trình nuôi khác nhau có thể sẽ cần đến những loại thức ăn khác nhau.

Tăng chất dụ… người mua

Trong Hội thảo, một nhà nghiên cứu khoa học đã nói lên một thực trạng “nửa cười nửa khóc”, đó là các nhà máy sản xuất thức ăn hướng tới việc thuyết phục câu khách nhằm vào người mua hơn là nhằm vào con tôm. Chẳng hạn, các nhà máy cố làm ra thức ăn có mùi thơm, khiến người mua cảm thấy thích thú, đánh giá cao thức ăn có mùi thơm, song thực sự thì con tôm có cảm nhận được mùi thơm đó hay không? Hay là nó chỉ hấp dẫn với con người?

Tương tự đó là việc sản xuất rất nhiều loại thức ăn đóng gói rất nhỏ, khiến cho chi phí bao bì đóng gói rất cao, giá thành thức ăn tăng cao, nhưng bao bì cũng chỉ là để dành cho con người, làm thỏa mãn nhu cầu của con người và gây ô nhiễm môi trường, còn con tôm thì không ăn bao bì, không quan sát bao bì. Đại diện Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc cho biết, họ khuyến khích sử dụng bao bì đựng thức ăn loại lớn, không gây ô nhiễm môi trường và nên hạn chế chi phí sản xuất vào bao bì. Một số nhà máy thông tin, họ có thể cung cấp thức ăn thủy sản với loại bao bì có sức chứa hàng tấn thức ăn, với thiết kế đơn giản để giảm giá thành. Nhưng muốn vậy, các cơ sở nuôi trồng phải có hệ thống kho chứa đảm bảo tiêu chuẩn, để tránh thức ăn bị hư hỏng. Nhìn chung, các ý kiến đều cho rằng, cần phải hạn chế chi phí bao bì và hướng tới cung cấp những bao bì thông minh, thân thiện với môi trường, tránh ô nhiễm nguồn nước và vùng nuôi.

Nhiều công ty và doanh nghiệp cùng chung nhận xét, thức ăn dù có hàm lượng dinh dưỡng cao, nhưng quy trình cho ăn, chăm sóc tôm, cá không đúng thì cũng không phát huy được hiệu quả cao. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đang cố gắng thay đổi quy trình sản xuất, để đưa ra các sản phẩm thức ăn giúp cho tôm, cá có thể tiêu hóa tốt hơn, giảm bệnh tật, tăng sức đề kháng. 

>> Ông Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản: Sự phát triển của ngành thủy sản Việt Nam không thể tách rời sự phát triển của ngành sản xuất thức ăn thủy sản. Do đó, ngành thức ăn thủy sản cần có những bước phát triển hơn nữa để giúp người nuôi giảm chi phí sản xuất, tăng tỷ lệ nuôi thành công, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm thủy sản Việt Nam trên trường quốc tế.

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!