Những nguyên nhân cá voi mắc cạn

Chưa có đánh giá về bài viết

Các nhà khoa học cho rằng sự thay đổi của gió, ảnh hưởng của sóng âm từ thiết bị định vị tàu ngầm hay tảo độc có thể là nguyên nhân khiến cá voi mắc kẹt hàng loạt.

Gần 200 con cá voi hoa tiêu hôm 13/2 bị mắc cạn trên bờ biển ở mũi Farewell, thuộc Đảo Nam của New Zealand. Sau nhiều giờ giải cứu, hơn 100 con đã chết. Đây là vụ mắc cạn lớn nhất trong một thập kỷ qua ở Farewell.

Hiện tượng cá voi dạt vào các vùng biển nông và mắc cạn như trên không hề hiếm gặp trên thế giới. Tại Anh, hàng năm có khoảng 800 loài thú biển bao gồm cá voi và cá heo bị mắc cạn. Chỉ tính riêng năm 2013, Scotland ghi nhận 211 trường hợp. Tại các bờ biển của New Zealand, Australia, đông nam và tây bắc nước Mỹ, hàng trăm vụ mắc cạn cũng xảy ra mỗi năm, biến chúng trở thành “nghĩa địa” cá voi nổi tiếng.

1-5553-1425268284.png 

Múi Farewell ở New Zealand là một trong những khu vực ghi nhận nhiều trường hợp cá voi mắc cạn – Ảnh: AFP

Thời tiết

Nguyên nhân cá voi bơi vào vùng biển nông vẫn là câu hỏi thách thức giới khoa học. Nhiều nhà khoa học cho rằng, không phải ngẫu nhiên mà các địa điểm này trở thành nghĩa địa tập thể của các loài động vật biển to lớn. Nhiều nghiên cứu đã đưa ra giả thiết khác nhau nhằm lý giải hiện tượng này, trong đó có yếu tố thời tiết.

Năm 2005, nhóm nghiên cứu từ Đại học Tasmania, Australia, phân tích các vụ mắc cạn ở vùng biển đông nam và đảo Tasmania trong hơn 82 năm. Kết quả chỉ ra rằng, cứ 11 – 13 năm, thời điểm hoạt động của gió có sự thay đổi, thì mắc cạn thường xảy ra cao điểm. Theo lý giải của các nhà khoa học, sự thay đổi đưa các dòng nước giàu dinh dưỡng vào bờ với nguồn thức ăn phong phú, thu hút cá voi đến gần.

“Đây là nơi có nhiều động vật sinh sống. Nguồn thức ăn phong phú có thể đã dẫn dụ cá voi vào bờ”, Ari Friedlaender từ Đại học bang Oregon, Mỹ, giải thích.

Giới khoa học cũng không loại trừ khả năng những trận bão biển bắt nguồn từ sự thay đổi của gió làm cá voi mất phương hướng và dạt vào bờ. Khi mắc kẹt, chúng nhanh chóng mất sức và chết nếu không được giải cứu kịp thời.

Trong nhiều trường hợp, hàng chục hay thậm chí hàng trăm con cá voi cùng mắc cạn tại một nơi. Điều này chỉ ra bản chất xã hội của cá voi và có thể bổ sung giả thiết “con đầu đàn bị bệnh”. Nhiều loài cá voi, trong đó có cá voi hoa tiêu, thường sinh sống theo từng nhóm lớn. Các cá thể trong nhóm tiếp tục đi theo con đầu đàn, kể cả khi nó ốm hoặc bị lạc. Đây là nguyên nhân có thể khiến cả đàn gặp nguy hiểm. Năm 2012, đàn cá voi hoa tiêu vây dài mắc cạn trên bãi biển Scotland, trong đó con dẫn đầu đã già và bị bệnh.

“Giả thiết cho rằng các con đầu đàn tự bơi vào bờ vì không muốn chết đuối. Cũng có thể con đầu đàn biết nó bị ốm và di chuyển vào khu vực nước nông để bảo vệ các con khác trong đàn”, Andrew Brownlow, trưởng nhóm điều tra vụ mắc cạn cho hay.

Hoạt động của con người

Tác động của con người đến tự nhiên cũng là một trong những yếu tố được quan tâm, trong đó chủ yếu là hệ thống định vị trên các tàu ngầm quân sự hoạt động dưới biển. Các chuyên gia nhận định sóng âm phát ra từ đây làm ô nhiễm âm thanh đại dương, khiến cá voi hoảng loạn, mất phương hướng và phải lao lên mặt nước nhanh hơn bình thường.

Hệ thống định vị dưới nước được cho là nguyên nhân khiến 100 con cá voi mắc cạn và chết ở vùng nước cạn thuộc Madagascar năm 2008. Sóng định vị dựng nên bức tường âm thanh gây rối loạn hành vi và khiến cá voi muốn bỏ chạy.

Tuy nhiên, Darlene Ketten từ Viện hải dương Massachusetts, Mỹ, cho rằng cá voi đã tới gần bờ 1-2 ngày để kiếm ăn, trước khi thiết bị được kích hoạt. Chuyên gia này nhận định chu kỳ Mặt Trăng mới là nguyên nhân chính.

Tảo độc

Phân tích từ nghĩa địa cá voi hóa thạch trên sa mạc Atacama, miền bắc Chile, các nhà khoa học phát hiện thêm một nguyên nhân tự nhiên khác khiến cá voi mắc cạn. Theo Nicholas Pyenson, nhà cổ sinh vật học tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Smithsonian, nghĩa địa này là minh chứng đầu tiên cho hiện tượng động vật biển chết hàng loạt vì một loại tảo độc. Xác của chúng sau đó bị thủy triều đánh dạt vào bờ.

Nicholas cho hay, tảo nở hoa vô cùng độc hại và có thể ảnh hưởng đến động vật biển có vú, các loài cá săn mồi lớn khi chúng ăn tảo hay con mồi trúng độc. Tảo độc cũng là nguyên nhân khiến 14 con cá voi lưng gù mắc cạn và chết tại mũi Cod, bang Massachusetts, Mỹ, năm 1987.

index-9304-1425268284.png 

Xương cá voi được phát hiện lần đầu tiên năm 2010 – Ảnh: Smithsonian Institution

Mũi Farewell có thể là một trong những “nghĩa địa” cá voi trong mắt loài người. Tuy nhiên, càng tìm hiểu, các nhà khoa học càng nhận thấy đây không phải là nơi “an nghỉ” phổ biến của loài động vật khổng lồ dưới đáy đại dương. Theo đó, vùng biển sâu, môi trường sống chủ yếu của cá voi mới chính là địa điểm nên hướng tới.

Cách đây 200 năm, giới chuyên gia bắt đầu đưa ra những suy đoán đầu tiên về nguyên nhân dẫn tới cái chết của cá voi ngoài khơi xa. Năm 1977, một tàu hải quân Mỹ tình cờ phát hiện xác con cá voi đầu tiên dưới đáy biển.10 năm sau, một nhóm chuyên gia sinh vật học biển ngẫu nhiên tìm thấy một xác cá voi khác ở độ sâu một km, ngoài khơi bang California. Kể từ đó, họ sử dụng tàu ngầm và các thiết bị điều khiển từ xa để nghiên cứu xác cá voi.

Theo nhận định của Friedlaender, nếu xét tới số lượng ít ỏi cá voi còn sống hiện nay và tuổi thọ của chúng, ước tính có tới hàng trăm nghìn con đã chết mỗi năm. Tuy nhiên, chưa có địa điểm nào dưới đáy biển có số lượng lớn xác cá voi được phát hiện.

Dù vậy, việc khám phá khu vực này dưới lòng biển sâu chỉ còn là vấn đề thời gian. Thói quen di cư theo những con đường giống nhau năm này qua năm khác có thể là manh mối dẫn tới các “nghĩa địa” cá voi. Tại các vùng biển lạnh, nơi tàu săn cá voi thường xuyên hoạt động như nam Georgia hay Nam Đại Dương (Southern Ocean), hàng trăm nghìn xác cá voi có thể đang chờ được phát hiện.

Thu Hiền (Theo BBC)

Vnexpress

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!