Ninh Bình: Kim Sơn hỗ trợ vốn phát triển nghề nuôi trồng thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

Huyện Kim Sơn đã có nhiều giải pháp để mở rộng tín dụng, hỗ trợ nguồn vốn giúp cho nhiều hộ dân ở vùng bãi ngang phát triển nghề nuôi trồng thủy sản bền vững.

Phát triển nuôi trồng thủy sản tại các xã bãi ngang của huyện Kim Sơn.

Kim Sơn là huyện duy nhất của tỉnh Ninh Bình giáp với biển, chiều dài bờ biển khoảng hơn 15 km. Những năm qua, ngành nuôi trồng thủy đã có những đóng góp không nhỏ cho kinh tế của huyện cũng như giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Bình.

Việc nuôi thủy sản theo hướng công nghiệp, công nghệ cao đã giúp cho các hộ dân có sự chuyển đổi mạnh mẽ trong phát triển kinh tế thủy sản. Nhiều hộ gia đình có của ăn, của để, trở nên giàu có. Tiêu biểu như gia đình anh Nguyễn Minh Lý, xóm 5, xã Cồn Thoi một trong những hộ đầu tiên nuôi thả hàu, ngao giống.

Anh Lý cho biết, anh bắt đầu nuôi tôm từ năm 1991, đến nay gia đình anh đã có gần 30 năm kinh nghiệm trong nghề nuôi thủy sản. Tuy nhiên, do chủ yếu nuôi quảng canh nên không ổn định, nhiều năm mất trắng. Cách đây 2 năm, qua tìm hiểu nhu cầu thị trường, anh Lý quyết định vay vốn từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Bình Minh 800 triệu đồng để đầu tư hệ thống bể lọc hiện đại, khu nuôi thả hàu, ngao giống…

Việc sản xuất hàu, ngao giống cần đầu tư vốn lớn, kỹ thuật cao nên ít người làm. Để có được nguồn giống tốt phải đảm bảo hệ thống lọc nước, bể nuôi đúng tiêu chuẩn về độ mặn, môi trường và các khoáng chất cần thiết. Chính vì môi trường sản xuất an toàn nên việc tổn thất do chịu tác động của thiên nhiên, dịch bệnh giảm rất nhiều. Nếu tính toán đúng thời vụ, khả năng thu lãi cao, hiệu quả hơn nuôi trồng các loại thủy sản khác.

Anh Lý tiết lộ, trung bình mỗi năm gia đình anh có thể xuất từ 5-7 vụ với trên 5.000 chùm hàu giống và 3 ngàn chùm ngao giống cho thị trường các tỉnh như Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghệ An… Ngay sau năm đầu tiên đi vào sản xuất, gia đình anh Lý đã thu lãi gần 700 triệu đồng. Dự tính trong thời gian tới anh tiếp tục áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để tăng năng suất con giống trên cùng một diện tích và sẽ hướng dẫn những hộ dân có nhu cầu chuyển đổi mô hình nuôi trồng thủy sản theo hướng sản xuất con giống như gia đình anh.

Ông Phạm Văn Tường, xóm 6, xã Kim Đông thả 25 vạn giống cua xanh trong 5 đầm ươm. Sau một thời gian, ông cung cấp con giống cho các khách hàng tại Hải Phòng, Quảng Ninh, Nghệ An… Hơn 10 vạn giống còn lại, ông nuôi dưỡng để bán cua thịt. Mỗi năm gia đình nuôi thả 2 lứa cua giống, lứa 1 từ tháng 3 đến tháng 6, lứa 2 từ tháng 6 đến tháng 10. Sau khi bán một phần con giống, một phần gia đình để lại nuôi. Trong năm nay, cua được giá cao, thời điểm từ tháng 2 đến tháng 5, giá cua đỉnh điểm lên đến 400 – 450 nghìn đồng/kg. Nhờ đó, vụ cua năm nay gia đình thu lãi từ 600 – 700 triệu đồng.

Ông Tường cho biết thêm, giá cua tăng cao một phần là do nhu cầu lớn của thị trường, thêm vào đó, chất lượng cua năm nay khá tốt, thịt chắc, gạch nhiều nên được giá. Không phải là con giống có thời gian sinh trưởng ngắn như cua xanh, người nuôi phải mất từ 18 – 24 tháng mới có thể thu hoạch một vụ ngao.

Năm nay là năm thu hoạch ngao của gia đình anh Trần Văn Quyền, xóm 8B xã Cồn Thoi. Gia đình anh nuôi 6 ha ngao ngoài vùng đê Bình Minh 3, anh cho biết: Đến nay, công tác thu hoạch đã hoàn tất, sản lượng ngao đạt trung bình 35 tấn/ha. Với hơn 200 tấn ngao thu hoạch được, trừ chi phí gia đình anh thu khoảng 1,2 tỷ đồng. Anh cho biết thêm, vụ ngao vừa qua là vụ sản xuất thắng lợi.

Với quyết tâm khai thác bền vững tiềm năng, lợi thế về nuôi tôm trên địa bàn, vài năm trở lại đây nhiều hộ dân ở các xã bãi ngang của huyện Kim Sơn đã từng bước nghiên cứu, chuyển đổi sang mô hình nuôi tôm công nghệ cao theo hướng công nghiệp nên đã cho năng suất, chất lượng ngày càng ổn định.

Gia đình chị Trần Thị Hạnh, xóm 7A Đông, xã Cồn Thoi có thâm niên nuôi trồng thủy sản trên 20 năm nhưng chủ yếu nuôi theo phương pháp quảng canh. Điểm nổi bật ở phương pháp này là dễ làm, chỉ cần thả tôm giống theo mật độ quy định rồi đợi đến ngày thu hoạch. Tuy nhiên, với phương pháp này phụ thuộc khá nhiều vào thời tiết nên người nuôi trồng thủy sản chưa chú trọng đầu tư. Nhận thấy những lợi thế từ nuôi tôm theo phương pháp công nghiệp, năm 2016, gia đình chị Hạnh đã vay hơn 1 tỷ đồng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Bình Minh.

Được sự tư vấn của cán bộ tín dụng, chị Hạnh đã chuyển đổi 1,3 ha đầm nuôi tôm quảng canh sang đầu tư nuôi công nghiệp. Qua vụ thu hoạch đầu tiên, gia đình chị đã thu lãi gần 300 triệu đồng, gấp 3 lần so với nuôi quảng canh. Chị Hạnh cho biết: Nuôi tôm công nghiệp mặc dù đầu tư vốn ban đầu cao nhưng hạn chế được rủi ro như thời tiết, bệnh dịch… Bên cạnh đó, sau khi đầu tư nuôi tôm công nghiệp, gia đình tôi được tham gia nhiều lớp tập huấn kỹ thuật của ngành nông nghiệp, địa phương, các công ty giống, thức ăn…

Theo ông Phạm Văn Hải, Trạm trưởng Trạm Thủy sản Kim Sơn – Yên Khánh (Chi cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn): Ưu điểm nổi trội của hình thức nuôi tôm công nghiệp là giúp tôm lớn nhanh, hạn chế việc ô nhiễm môi trường và mầm bệnh phát triển, chất lượng sản phẩm tôm thương phẩm được nâng lên. Hiện nay, trên địa bàn huyện Kim Sơn đã có nhiều hộ mạnh dạn đầu tư nuôi tôm công nghiệp, công nghệ cao.

Nhờ đó tổng sản lượng thủy sản mặn lợ của tỉnh năm 2017 ước đạt trên 17.300 tấn (tăng 11,3% so với năm 2016). Tuy nhiên, đây là mô hình mới lại đòi hỏi đầu tư kinh phí lớn, do vậy rất cần sự chung sức của Nhà nước thông qua các tổ chức tín dụng ở địa phương để tạo điều kiện cho bà con được vay vốn phát triển sản xuất.

Theo ông Vũ Văn Đoán, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh Bình Minh: Mặc dù chi nhánh được thành lập từ năm 2014 với số dư nợ ban đầu chỉ 24 tỷ đồng. Qua 4 năm đi vào hoạt động Chi nhánh đã nâng tổng mức dư nợ lên 408 tỷ đồng với 1.900 khách hàng, trong đó có 181 khách hàng vay nuôi trồng thủy sản, dư nợ lĩnh vực thủy sản đạt hơn 50 tỷ đồng.

Để đạt được kết quả này những năm qua, Agribank Bình Minh đã chủ động thực hiện hiệu quả các giải pháp về tăng trưởng tín dụng, trong đó chú trọng phát triển các tổ vay vốn trong cộng đồng dân cư thông qua các tổ chức chính trị, xã hội của địa phương như hội phụ nữ, hội nông dân, cựu chiến binh…, đồng thời chi nhánh cũng thành lập tổ kiểm tra thường xuyên nắm bắt cơ sở, thông tin về cơ chế, chính sách của ngân hàng và trao đổi thông tin đối với cán bộ tín dụng để có giải pháp hữu hiệu đáp ứng nhu cầu vay vốn hợp lý của khách hàng.

Bên cạnh đó, chi nhánh Agribank Bình Minh đã tích cực xử lý tồn đọng nợ xấu, có giải pháp để hỗ trợ các hộ dân chuyển đổi hình thức nuôi trồng từ quảng canh sang công nghiệp, công nghệ cao để có điều kiện áp dụng khoa học kỹ thuật, giảm thiểu thiệt hại do tác động của môi trường.

Theo ông Vũ Văn Đoán cho biết thêm: Hiện nay, nhu cầu vay vốn để chuyển đổi sản xuất của người dân vùng thủy sản Kim Sơn là rất lớn. Tuy nhiên, hiện nay dư nợ của lĩnh vực thủy sản chỉ chiếm hơn 10% trong tổng dư nợ của chi nhánh, số khách hàng được vay lĩnh vực thủy sản cũng còn hạn chế. Khó khăn lớn nhất hiện nay làm người dân khó tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng trong lĩnh vực thủy sản là do chính sách quản lý về đất đai vùng bãi bồi chưa ổn định, do đó người dân không có tài sản để thế chấp, mức độ rủi ro cao, tài sản thế chấp khác lại không có nên ngân hàng cũng không đủ căn cứ pháp lý để cho khách hàng vay vốn sản xuất lĩnh vực thủy sản.

Những kết quả đạt được trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản ở các xã bãi ngang của huyện Kim Sơn cũng như hiệu quả từ các mô hình nuôi trồng thủy sản công nghiệp, công nghệ cao đã khẳng định hướng đi đúng trong phát triển kinh tế biển của địa phương và mở ra cơ hội mới giúp nhiều hộ dân xóa đói, giảm nghèo. Điều này cũng góp phần mang đến sự ổn định bền vững cho ngành nuôi trồng thuỷ sản tỉnh Ninh Bình nói chung.

Tuy nhiên, cách làm này hiện đang gặp nhiều khó khăn do vốn đầu tư cao. Đây không chỉ là vấn đề người nuôi quan tâm, mà còn là bài toán đặt ra đối với ngành có liên quan không chỉ hỗ trợ về kỹ thuật, mà quan trọng nhất là hỗ trợ nguồn vốn.

Lê Minh

GD&PL

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!