Nỗi lo từ tự phát nuôi cá tra giống

Chưa có đánh giá về bài viết

Mặc dù cách đây mấy tháng, Bộ NN&PTNT đã có văn bản và cử đoàn công tác trực tiếp kiểm tra chỉ đạo chấn chỉnh tình hình thả nuôi cá tra giống tự phát tại Long An, thế nhưng, sau thời gian tạm lắng thì tình trạng này lại tái diễn.

Tình hình nuôi cá tra giống tự phát diễn biến phức tạp

Long An là địa phương có diện tích sản xuất cá tra giống tự phát nhiều nhất khu vực ĐBSCL với hơn 2.100 ha, tăng gần gấp 2 lần so với hồi tháng 5/2018; ngoài ra, ở các địa phương khác trong tỉnh vẫn tái diễn tình trạng đào ao trên đất lúa để nuôi cá tra giống. Nguyên nhân là do trong thời gian qua giá cá tra nguyên liệu tăng cao, nhu cầu thả nuôi của người dân và doanh nghiệp nhiều dẫn đến cá giống hút hàng, giá tăng đột biến. Nhiều hộ thấy có lợi nhuận nên đã tự ý chuyển đổi sang sản xuất cá tra giống.

Do việc sản xuất không nằm trong vùng quy hoạch, thiếu hệ thống thủy lợi, môi trường ô nhiễm, tại những vùng sản xuất cá tra giống tự phát đã xảy ra dịch bệnh, gây thiệt hại nặng nề. Ông Nguyễn Thành Duy, tại xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng, Long An có 3 ao cá tra giống thì 2 ao bị thiệt hại tới hàng trăm triệu đồng, mọi hy vọng dồn vào ao cá còn lại nhưng mọi thứ lại đang không thuận lợi khi tỷ lệ sống của cá giống rất thấp. Ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân không nên đào ao nuôi cá vì tiềm ẩn nhiều rủi ro về ô nhiễm nguồn nước và dịch bệnh; trên thực tế, cá giống sống khu vực huyện Tân Hưng chiếm tỷ lệ thấp, chỉ 3 – 5%.

Bà Định Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Long An cho biết, khu vực sản xuất lúa chịu tác động của thuốc bảo vệ thực vật, kết hợp con giống không chất lượng và quy trình kỹ thuật nuôi chưa bài bản nên tỷ lệ sống không đạt. Do đó, cần giải pháp quyết liệt hơn về vấn đề này, bởi nếu tình trạng này tái diễn không chỉ gây thiệt hại vài chục, vài trăm triệu đồng cho hộ nuôi mà còn trực tiếp đe dọa đến quy hoạch sản xuất của địa phương.

Để khắc phục cho người dân, trước mắt, UBND tỉnh Long An đã chỉ đạo các ngành chức năng, UBND các huyện thực hiện: Tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật chọn cá bột tốt, kỹ thuật  ương cá hiệu quả cao, các biện pháp phòng trị bệnh; Mở các lớp dạy nghề nông thôn về kỹ thuật ương cá tra giống; Kết hợp với địa phương theo dõi, giám sát dịch bệnh trên ương cá tra giống; Thực hiện quan trắc môi trường nước tại một số hệ thống kênh dẫn chính của vùng Đồng Tháp Mười.

Tiếp đó, Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, giám sát môi trường, phát hiện và xử lý vi phạm tại các vùng ương cá tra giống tập trung; Hướng dẫn thủ tục lập hồ sơ môi trường cho Phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện để yêu cầu các hộ dân có hoạt động ương cá tra giống thực hiện thủ tục hồ sơ môi trường theo quy định; Kiểm tra tổng thể, xử lý việc chuyển đổi đất lúa sang nuôi trồng thủy sản theo quy định tại Luật Đất đai, Nghị định số 35/2015/NĐ-CP, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đồng thời, phối hợp với UBND các huyện có ương cá tra không theo quy hoạch phát triển thủy sản tỉnh Long An đến năm 2020, xử lý nghiêm để đảm bảo tính răn đe, ngăn chặn việc tự ý chuyển đổi đất từ trồng lúa sang nuôi trồng thủy sản không theo quy định. UBND các huyện có diện tích ương cá tra giống cần xử lý vi phạm đối với các hộ đang chuyển đổi từ đất lúa sang ương cá tra giống nằm ngoài quy hoạch phát triển thủy sản tỉnh Long An đến năm 2020.

Theo số liệu thống kê của cơ quan chuyên môn tại Long An, hiện có trên 1.500 ha đất lúa nông dân chuyển sang nuôi cá tra giống; trong đó, nhiều nhất là huyện Tân Hưng với hơn 1.000 ha, Tân Thạnh hơn 300 ha, Vĩnh Hưng gần 100 ha…

Vân Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!