T2, 06/07/2020 01:18

Phát triển kinh tế biển theo chuỗi giá trị

Chưa có đánh giá về bài viết

Tỉnh Quảng Trị đã có nhiều cách làm hay, mới mẻ, hiệu quả để thực hiện Nghị quyết 09 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.

Quảng Trị quyết tâm và nỗ lực trở thành một tỉnh mạnh về kinh tế biển, làm giàu từ biển và góp phần bảo vệ chủ quyền an ninh Tổ quốc.  

Khai thác đi đôi bảo vệ chủ quyền

Năm trước, tàu cá của anh Lê Văn Tuấn, xã Gio Việt, huyện Gio Linh ra ngư trường đảo Cồn Cỏ khai thác bằng lưới vây. Lập tức máy dò cá trên tàu của anh báo có luồng cá lớn ở đáy biển. Anh Tuấn huy động 15 thuyền viên tập trung bủa lưới vây được mẻ cá bè xước ước chừng 160 tấn. Đây là mẻ cá bè xước rất quý, mỗi con nặng 5 – 10kg. Với giá bán 40 ngàn đồng mỗi kg, anh Tuấn thu về được khoảng 6 tỷ đồng từ chuyến biển này.

Khu hậu cần nghề cá Cửa Việt

Tỉnh Quảng Trị có bờ biển dài hơn 75km, ngư trường rộng trên 8.400km2 nối cửa Vịnh Bắc Bộ với Biển Đông, có trữ lượng thủy hải sản lớn, khoảng hơn 60 ngàn tấn/năm. Toàn tỉnh có 5 huyện (đặc biệt trong đó có huyện đảo Cồn Cỏ),16 xã, thị trấn ven biển với gần 16 ngàn lao động hoạt động thủy sản, trong đó có trên 7 ngàn lao động trên biển, có kinh nghiệm, thuận lợi cho việc khai thác, phát triển kinh tế biển cũng như đảm bảo ANQP biển, đảo Cồn Cỏ.

Ông Võ Văn Hưng, Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Trị cho biết sau mười năm thực hiện NQ 09 hoạt động quản lý, khai thác kinh tế biển ngày càng ổn định và phát huy hiệu quả, đã góp phần nâng cao sản lượng khai thác, cải thiện đời sống kinh tế của ngư dân. Khai thác hải sản được đẩy mạnh theo hướng phát triển xa bờ, tăng cường phát triển mô hình tổ, đội hợp tác sản xuất trên biển, tạo sự liên kết, nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo đảm an toàn.

Sở luôn khuyến khích ngư dân mạnh dạn đầu tư, trang bị đồng bộ ngư lưới cụ, thiết bị hàng hải, ứng dụng máy định vị, dò cá tầm ngang thế hệ mới trong sản xuất, hướng dẫn chuyển giao ứng dụng KHKT vào khai thác thủy sản, nhất là các nghề lưới rê khơi, rê bùng nhùng, vây, lưới chụp, câu cho ngư dân. Ứng dụng công nghệ PU Foam trong hầm lạnh bảo quản sản phẩm trên tàu cá đã góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm sau thu hoạch.

Mới đây, tỉnh Quảng Trị đã phối hợp với Nhật Bản hỗ trợ về thiết bị lắp đặt gồm 1.800 đèn LED cho 40 tàu đánh bắt xa bờ thuộc các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh và Triệu Phong. Việc làm này không chỉ giúp ngư dân tiết kiệm điện, đạt hiệu quả cao hơn trong đánh bắt, thân thiện với môi trường mà còn thay đổi tư duy của ngư dân trong việc tiếp cận với khoa học công nghệ mới.

Tổng số tàu cá trên địa bàn tỉnh có 2.311 chiếc với tổng công suất 119 ngàn CV, trong đó tàu cá xa bờ từ 90CV trở lên có 221 chiếc, tăng 74% so với năm 2012. Toàn tỉnh có 25/32 tàu đóng mới theo NĐ 67, trong đó 17 tàu vỏ thép, 7 tàu vỏ gỗ và 1 tàu vỏ Compsite. Sản lượng khai thác thủy hải sản sau mười năm đạt gấp đôi.

Ông Hưng cho biết Sở NN-PTNT Quảng Trị đã xây dựng Đề án “Tổ chức lại sản xuất trong khai thác thủy sản trên địa bàn đến năm 2020” phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; đồng thời tham UBND tỉnh thành lập Khu bảo tồn (KBT) biển đảo Cồn Cỏ. Xây dựng và thực hiện chương trình bảo tồn và bảo vệ rùa biển tại tỉnh Quảng Trị.

Tại KBT có 113 loài san hô, 57 loài rong cỏ biển, 67 loài động vật đáy, 19 loài giáp xác, 224 loài cá biển khơi, 87 loài cá rạn san hô, 164 loài thực vật phù du, 68 loài động vật phù du đặc biệt loài san hô đang phát triển tốt, phục vụ tốt cho khai thác phát triển du lịch biển. KBT này còn là nơi tập trung các bãi đẻ của nhiều loài thủy hải sản quý hiếm, có giá trị kinh tế cao và đặc hữu của vùng biển Trung Bộ.

Ngoài ra, cảng cá, bến cá, khu neo đậu trú bão của tàu cá ngày càng hoàn thiện. Quảng Trị đã hình thành 3 trung tâm nghề cá lớn là Cửa Tùng, Cửa Việt và đảo Cồn Cỏ.

Đội tàu khai thác thủy sản của huyện Gio Linh

Nhiều cơ sở hạ tầng nghề cá quan trọng đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả như cảng cá Cửa Việt, cảng cá Cửa Tùng, cảng cá và khu dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Cồn Cỏ giai đoạn II, khu neo đậu tránh trú bão Cửa Việt, khu neo đậu tránh trú bão Cửa Tùng. Ngoài ra, đã hình thành được 2 cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu thuyền là Cty TNHH đóng tàu Cửa Việt và Cty TNHH đóng tàu Triệu An, nhất là đóng tàu cá vỏ thép có công suất lớn trên 400CV.  

Sản xuất theo chuỗi giá trị

Đến nay, các hoạt động thu mua, chế biến và dịch vụ hậu cần nghề cá được tỉnh Quảng Trị khuyến khích đầu tư phát triển nhanh. Nhiều NM chế biến thủy sản đông lạnh và bột cá hiện đại công suất hàng chục ngàn tấn/năm tại Cửa Tùng, Cửa Việt đi vào hoạt động góp phần thu mua tiêu thụ hết sản lượng khai thác để chế biến thủy sản xuất khẩu. Đồng thời ngư dân đã phát triển được nhiều mô hình kinh tế như chế biến nước mắm, ruốc, mắm các loại, hàng khô, bảo quản thủy sản sau thu hoạch. Chất lượng và mẫu mã sản phẩm, nguồn gốc truy xuất sản phẩm được chú trọng đầu tư.

Ông Võ Văn Hưng khẳng định mặc dù quá trình phát triển kinh tế biển còn gặp không ít khó khăn nhưng Quảng Trị quyết tâm và nỗ lực trở thành một tỉnh mạnh về kinh tế biển, làm giàu từ biển.

Trước hết Quảng Trị tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn kết sản xuất, chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Ưu tiên phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng lớn, phát triển một số thương hiệu mạnh gắn với sản phẩm thế mạnh của địa phương như tôm sú, mực ống, tôm thẻ chân trắng, cá thu, cá ngừ… Xây dựng Cửa Tùng và Cửa Việt thành những trung tâm nghề cá của Quảng Trị, nhất là về chế biến thủy sản xuất khẩu. Thí điểm áp dụng một số phương pháp bảo quản sản phẩm mới hiện đại trên tàu cá khai thác ở vùng biển xa.

Điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản, nhất là vùng ven bờ sau sự cố môi trường biển nhằm từng bước khôi phục và phát triển nguồn lợi thủy sản theo hướng bền vững. Khuyến khích tàu thuyền tham gia khai thác hải sản trên các vùng biển xa. Thông qua các chính sách khuyến khích ngư dân đóng mới tàu cá xa bờ để giảm áp lực khai thác gần bờ và phát triển bền vững.

Lâm Quang Huy

Báo Nông Nghiệp

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!