Phú Yên: Cần cơ chế cho vay đặc thù

Chưa có đánh giá về bài viết

Đó là kiến nghị của tỉnh Phú Yên với Chính phủ để hỗ trợ người dân bị thiệt hại trong đợt bão số 12 vừa qua; nhất là các hộ dân nuôi trồng thủy sản; giúp họ sớm ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất.

Sớm hỗ trợ ngư dân khắc phục hậu quả sau bão   Ảnh: NC

Sớm hỗ trợ ngư dân khắc phục hậu quả sau bão Ảnh: NC

Thủy sản thiệt hại nặng

Theo UBND tỉnh Phú Yên, về thủy sản, do bão số 12 kèm mưa lũ lớn đã làm khoảng 145.350 m3 lồng, bè nuôi thủy sản nước mặn ở thị xã Sông Cầu và các huyện Tuy An, Đông Hòa bị thiệt hại từ 30 – 70%; trong đó có khoảng 1,1 triệu con tôm hùm thương phẩm và hơn 21.900 con tôm hùm ươm bị chết. Ngoài ra, hơn 246 ha diện tích nuôi trồng thủy sản nước lợ bị thiệt hại; 18 cơ sở sản xuất giống thủy sản và 215 phương tiện tàu, thuyền khai thác thủy sản bị hư hỏng…

Ông Lâm Duy Dũng, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu cho biết, thiệt hại lớn nhất của địa phương do bão số 12 là lĩnh vực thủy sản, nhiều hộ trắng tay, nợ nầng chồng chất. Có 38 tàu thuyền bị chìm, hơn 700 lồng bè nuôi thủy sản bị thiệt hại, khoảng 140 ha ao nuôi ốc hương và tôm bị vỡ bờ gây thiệt hại hơn 120 tỷ đồng. Địa phương đang tiếp tục sắp xếp lại lồng bè nuôi thủy sản tại vịnh Xuân Đài đúng theo quy hoạch của tỉnh; Đồng thời kiến nghị các ngân hàng quan tâm khoanh nợ, cho vay lại để người dân khôi phục sản xuất…

Sở NN&PTNT cũng tham mưu cho UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành trung ương hỗ trợ trước mắt cho Phú Yên khoảng 162 tỷ đồng. Phú Yên cũng đã kiến nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại thống kê dư nợ, theo đó cơ cấu lại nợ để phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng, xem xét miễn, giảm lãi suất, cho vay mới để đầu tư sản xuất lại.

Cần cơ chế cho vay đặc thù

Ông Huỳnh Hữu Phương, Phó Giám đốc Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh Phú Yên cho biết, đến nay thiệt hại của khách hàng có vay vốn là khoảng 1.150 tỷ đồng, trong đó thiệt hại có dư nợ với Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh Phú Yên khoảng 409 tỷ đồng. Để có cơ sở khoanh nợ, giãn nợ và cho vay mới, ngân hàng đề nghị các địa phương rà soát, thống kê chính xác và có xác nhận thiệt hại đối với những hộ dân đã vay vốn…

Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên, qua nắm tình hình của nhiều đơn vị, cá nhân sản xuất nông nghiệp, đa số các trường hợp bị thiệt hại là rất nặng, nếu chỉ khoanh nợ trong vòng 2 năm theo quy định hiện nay thì người dân không đủ thời gian và điều kiện để trả nợ vay cũ. Theo đó, đề xuất UBND tỉnh kiến nghị với Chính phủ để có cơ chế cho vay đặc thù đối với người dân bị thiệt hại trong cơn bão số 12 vừa qua. Do đó, có thể khoanh nợ thời gian dài hơn, cho vay mới với lãi suất ưu đãi thấp hơn so quy định. UBND tỉnh cũng cần có kiến nghị Chính phủ triển khai ngay chính sách bảo hiểm trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là những hộ dân có vay vốn ngân hàng thì rất cần thiết bảo hiểm rủi ro.

>> Ngày 29/11, tại buổi làm việc với UBND tỉnh Phú Yên về việc khắc phục thiệt hại sau bão số 12, Thứ tưởng Bộ NN&PTNN Vũ Văn Tám đã đề nghị tỉnh cần triển khai rà soát lại tàu thuyền khai thác thủy sản có công suất dưới 20 CV bị thiệt hại, có chính sách hỗ trợ kịp thời theo quy định của Nhà nước; đồng thời khẩn trương phối hợp với tỉnh Khánh Hòa thống kê thiệt hại của ngư dân Phú Yên nuôi thủy sản. Tổng dư nợ đối với các ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh tham gia cho vay trong sản xuất nông nghiệp nhưng bị thiệt hại do bão số 12 là khoảng 460 tỷ đồng với hơn 9.600 khách hàng.

Ngọc Chung

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!