Quảng Nam: Độc đáo nuôi cá bằng phương pháp dân gian

Chưa có đánh giá về bài viết

Tận dụng dòng sông Tam Kỳ, ông Ung Tấn Lịch (61 tuổi, thôn Phú Bình, xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành) đã phát triển mô hình nuôi cá điêu hồng lồng bè và nuôi cá lóc trong bể xi măng bằng phương pháp dân gian.

Ông Lịch nuôi cá điêu hồng   Ảnh: Nguyễn Trang

Ông Lịch nuôi cá điêu hồng Ảnh: Nguyễn Trang

Tận dụng lợi thế nguồn nước sạch và khí hậu mát mẻ từ con sông Tam Kỳ mang lại, ông Lịch đầu tư nuôi 4 lồng bè với diện tích 144 m2, thả nuôi khoảng 1 tạ giống cá điêu hồng, với vốn ban đầu chỉ 140 triệu đồng. Sau vụ đầu tiên, ông Lịch thu 7 tấn cá, bán ra 280 triệu đồng. Thấy nuôi cá điêu hồng có lãi cao, ông Lịch lập tức đầu tư nuôi và mở rộng lồng nuôi.

Đến nay, ông sở hữu hơn 20 lồng cá với diện tích 720 m2, bình quân 1 tạ cá giống/lồng, mật độ thả 10 con/m3, độ sâu mặt nước khoảng 3 – 4 m. Sau 6 tháng nuôi, cá điêu hồng đạt trọng lượng 5 g/con và có con lên tới 2 – 3 kg. Ngoài ra, ông Lịch còn đầu tư nuôi cá lóc với 5 hồ nuôi, diện tích 200 m2, trung bình 8.000 con/hồ, sau 7 – 8 tháng có thể xuất bán, cá đạt trọng lượng 5 g/con. Theo ông Lịch, cá điêu hồng và cá lóc đều loài ăn tạp nên rất dễ nuôi, mau phát triển, tỷ lệ sống cao sau 2 tháng ương cá giống đạt 30 – 50 con/kg, tỷ lệ hao hụt khoảng 10 – 20%.

Chia sẻ về phương pháp nuôi, ông Lịch nói: “Đối với cá lóc, ngoài việc cho ăn bằng bột công nghiệp, khi cá lóc dưới 10 ngày tuổi thì cho ăn cá biển xay nhỏ, ngày cho ăn 3 lần. Để nuôi cá lóc hiệu quả, cần xây dựng tường xi măng và trải bạt dưới hồ nuôi. Việc trải bạt có thể tránh nóng, thoáng khí, đồng thời, che chắn bằng lưới phía trên hồ cho cá lóc tránh nắng, đảm bảo nhiệt độ mát mẻ.  Khi đó, mùa đông thả dày cá, mùa hè thả thưa”. Cùng đó, các biện pháp chăm sóc cần sử dụng các chế phẩm sinh học, kháng sinh, vệ sinh môi trường sạch sẽ, để có cách phòng trừ bệnh trên cá. Đặc biệt, mô hình này ông Lịch nuôi bằng kinh nghiệm dân gian, đó là cá nuôi cần được “tắm” thường xuyên, có thể cách tuần/lần, bằng phương pháp dùng muối và vôi trộn lẫn rải đều trong hồ nuôi. Theo đó, cá sẽ được diệt trừ các vi khuẩn gây hại, sau đó, tiến hành thay nước sạch cho cá. Ngoài ra, ông Lịch còn dùng tỏi xay trộn với bột cho cá ăn nhất là trong giai đoạn trời chuyển, thay đổi thời tiết, cá thường xuất hiện bệnh. Đối với trường hợp cá bị bệnh lở loét, ông thường dùng lá bàng chặt bỏ dưới ao khoảng 2 – 3 ngày khi lá đã úa thì vớt lên để trị bệnh cho cá.

Nhờ có phương pháp dân gian kết hợp với công nghệ chăm sóc hiện đại, với giá bán trung bình 35.000 – 40.000 đồng/kg cá, ông Ung Tấn Lịch thu về khoảng 1 tỷ đồng/năm, trừ vốn đầu tư có thể lãi ròng 200 triệu đồng/năm.

Nguyễn Trang

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!