Quảng Ninh: Hiệu quả của nghề nuôi cá nước chảy ở Tình Húc

Chưa có đánh giá về bài viết

Nghề nuôi cá nước chảy có ở hầu khắp các xã huyện Bình Liêu, nhưng chỉ mang tính nhỏ lẻ, mỗi xã lác đác có khoảng chục hộ nuôi. Ở xã Tình Húc nghề nuôi cá nước chảy phát triển quy mô hơn bởi ở đây có nhiều đồi sườn dốc thoai thoải, có khe nước chảy qua thích hợp với nghề nuôi cá nước chảy.

Từ xa xưa người dân Tình Húc đã làm nghề này, nhưng không mang tính sản xuất hàng hoá, chủ yếu là phục vụ gia đình người nuôi. Bắt đầu từ năm 2010, người dân ở đây mới tính chuyện làm giàu từ nuôi cá nước chảy. Tuy thế nghề cũng không phát triển rộng rãi được vì người nuôi phải có địa thế ao ở lưng chừng đồi, để đón dòng nước trong lành từ trên cao chảy xuống khu vực đó, lại vừa đủ cao để xả nước đi. Nước  được dẫn về ao, rồi lại từ ao chảy đi, giống như nước chảy trong tự nhiên, khiến cho nước trong ao luôn sạch giống như nước suối.

Mô hình nuôi cá nước chảy của anh Vi Văn Toàn, thôn Nà Kẻ, xã Tình Húc. 

Mô hình nuôi cá nước chảy của anh Vi Văn Toàn, thôn Nà Kẻ, xã Tình Húc.

Hiện tại Bình Liêu có khoảng 200 hộ nuôi cá nước chảy, thì riêng xã Tình Húc đã có 40 hộ nuôi, người nuôi cá nước chảy quy mô nhất xã Tình Húc là anh Vi Văn Toàn, thôn Nà Kẻ (1.200 m2 ao). Để có kỹ thuật, Toàn đã mất nhiều công tìm hiểu trên mạng Internet, rồi tự vận dụng thực tế vào địa hình ở Tình Húc. Chỉ riêng việc đầu tư cho 3 ao cá, Toàn mua khoảng 600 m3 đá hộc, 80 tấn xi măng, trong khi việc vận chuyển khối vật liệu này đến địa điểm đào ao thả cá không dễ dàng gì. Công việc gia cố ao tiêu tốn của anh khoảng 600 triệu đồng. Anh Toàn cho biết: “Nếu không làm chắc chắn như vậy thì đến mùa mưa, bờ ao bị lũ xả vỡ ra ngay”. Ao được anh đào sâu 2m, để về mùa đông có độ sâu nước mới ấm, không sợ cá chết vì lạnh. Thức ăn cho cá chủ yếu cho ăn loại thức ăn nguồn gốc từ tự nhiên như cỏ, lá mía, rau xanh, chỉ xen vào đó một ít thức ăn công nghiệp nên không sợ ảnh hưởng đến môi trường nước. Hàng năm, anh Toàn thả khoảng 1 vạn cá rô phi đơn tính, vài nghìn con cá chép, cá trắm cỏ. Cá lớn rất nhanh, trong thời gian khoảng 6 tháng, cá rô phi đã nặng khoảng từ 8 lạng đến 1kg/con, cá chép, trắm nặng từ 1 – 2kg/con. Nếu cá để trong ao vài năm có thể nặng từ 8 – 10kg/con. Cá biệt như năm 2012, anh Toàn bắt được con cá trắm nặng tới 12kg. Anh Toàn cho biết: “Hiện tại ở Tình Húc làm nghề nuôi cá nước chảy cho thu nhập từ vài chục triệu đến 100 triệu đồng/hộ/ năm. Nuôi bằng nước chảy nên nước không bị ô nhiễm cá sống rất khoẻ. Từ nhiều năm nay chưa thấy có hiện tượng cá nước chảy chết hàng loạt vì dịch bệnh”.

Nghề nuôi cá nước chảy trước mắt tạo công ăn việc làm và thu nhập tốt cho những hộ dân sống ở địa hình khó khăn ở huyện Bình Liêu. Đối với Tình Húc nhiều điều kiện thuận lợi để tạo ra được sản phẩm riêng của mình cho chương trình “Mỗi làng một sản phẩm” xây dựng nông thôn mới, vì nghề không dễ áp dụng ở mọi nơi.

Công Thành

Báo Quảng Ninh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!