Quảng Trị: Thiếu giống, xen canh thủy sản gặp khó

Chưa có đánh giá về bài viết

Nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tăng hiệu quả kinh tế và hướng tới nghề nuôi ổn định, bền vững, ngành khuyến nông Quảng Trị đã thực hiện mô hình nuôi xen canh thủy sản với 3 đối tượng chính là tôm sú – cua và cá đối mục. Kết quả thu được khả quan, tuy nhiên, vấn đề nan giải vẫn là thiếu con giống.

Ưu điểm

Hơn một năm trước, Trạm Khuyến nông – Khuyến ngư huyện Gio Linh đã xác định cá đối mục là đối tượng nuôi có năng suất và giá trị kinh tế cao, có thể đưa vào để thay thế dần dần những vùng nuôi tôm thường xảy ra dịch bệnh. Theo đó, mô hình nuôi cá đối mục được triển khai thử nghiệm trên diện tích 0,4 ha, người nuôi được hỗ trợ 6.000 con giống và 30% thức ăn công nghiệp. Kết quả thu được khá khả quan, ước sản lượng khoảng 750 kg, lợi nhuận gần 34 triệu đồng. Thị trường đầu ra rất lớn bởi cá có thịt thơm ngon, rất được ưa chuộng. Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Quảng Trị khẳng định: Cá đối mục có kích thước lớn, thịt ngon, dễ chăm sóc, ít bệnh tật, tỷ lệ rủi ro thấp. Mặt khác, cá chịu lạnh tốt nên có thể nuôi được qua đông, do vậy hiệu quả kinh tế tốt hơn.

Thả cá đối mục trong ao nuôi xem canh tôm sú – cua

Trên cơ sở những thành công ban đầu, với mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tăng hiệu quả kinh tế và hướng tới nghề nuôi ổn định, bền vững, tháng 4/2016, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Quảng Trị đã tiến hành thả giống mô hình nuôi ghép tôm sú, cua và cá đối mục trong ao tại 4 hộ thuộc 3 xã: Triệu Phước (huyện Triệu Phong), Gio Mai (huyện Gio Linh) và Vĩnh Giang (huyện Vĩnh Linh). Mô hình được triển khai với quy mô 1,6 ha, mật độ thả với tôm sú là 5 con/m2, cá đối mục và cua là 5 con/m2, sử dụng toàn bộ bằng con giống sinh sản nhân tạo. Các hộ tham gia thực hiện mô hình được hỗ trợ 100% con giống và 30% thức ăn. Tổng giá trị hỗ trợ hơn 119 triệu động. Số tiền còn lại do các hộ góp đối ứng.

Các điểm thực hiện mô hình là những ao nuôi tôm kém hiệu quả, thường xuyên bị dịch bệnh. Với mô hình nuôi ghép này, tôm thả nuôi với mật độ thấp, cá đối mục và cua ở tầng đáy có “nhiệm vụ” ăn hết phần thức ăn dư thừa hoặc tôm chết và phân của tôm. Do vậy, sẽ giảm nguy cơ gây ô nhiễm và nguồn bệnh. Cùng đó, việc xen ghép này còn góp phần đa dạng hóa đối tượng nuôi, thay đổi thế độc canh con tôm nhiều rủi ro.

Người dân ủng hộ

Liên tiếp gặp khó do nuôi tôm sú bấp bênh, hiệu quả thấp do dịch bệnh, năm 2016, gia đình anh Nguyễn Hữu Tuấn (thôn Hà La, xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong) đã đăng ký thực hiện thí điểm nuôi ghép tôm sú, cua và cá đối mục trong cùng một ao. Với diện tích ao nuôi 8 sào, anh Tuấn thả 2.000 con cá đối, 20.000 tôm sú và 2.000 cua. Ngoài 30% thức ăn được Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh hỗ trợ, gia đình anh đầu tư thêm phần thức ăn 70% đạt chuẩn của mô hình. Quá trình thả nuôi thuận lợi, cả 3 loài hỗ trợ phát triển khá tốt.

Cùng việc tuân thủ quy trình chăm sóc và sự hướng dẫn của các cán bộ kỹ thuật, các đối tượng nuôi đạt tỷ lệ sống cao, khoảng 80 – 90%; trọng lượng sau 3 tháng nuôi đạt chuẩn tốt, tôm 50 – 60 con/kg, cá khoảng 15 – 20 con/kg và cua khoảng 6 – 8 con/kg.

Gỡ khó nguồn giống

Nhận định về tiềm năng mô hình nuôi này, bà Hoàng Thị Thùy Trang, cán bộ kỹ thuật Trạm Khuyến nông – Khuyến ngư huyện Triệu Phong, cho biết, mô hình nuôi kết hợp này bước đầu cho kết quả khả quan, thích hợp với điều kiện địa phương. Điều kiện môi trường ao nuôi ổn định, không có biến động khi thời tiết thay đổi, trong quá trình nuôi không có dịch bệnh xảy ra, các đối tượng phát triển tốt.

Cùng đó, triển khai mô hình này, người nuôi còn tăng được giá trị trên cùng một diện tích, bởi thu hoạch được nhiều lần và có thể tính toán được thời điểm bán thích hợp. Mô hình này duy trì tính ổn định của vùng nuôi, tạo hướng đi mới cho nghề nuôi trồng thủy sản, góp phần giảm khó khăn cho người nuôi tôm vốn ngày càng bất ổn.

Tuy nhiên, để tạo thuận lợi cho người dân khi triển khai, cần thiết nhất giai đoạn này là chủ động được nguồn giống. Bởi hiện nay, giống nuôi đang khó, giá thành lại cao do chi phí vận chuyển lớn. Hơn nữa, cá đối mục vẫn là đối tượng nuôi mới, người dân còn bỡ ngỡ trong việc chăm sóc. Do vậy, vẫn cần phải có sự trợ lực của ngành chuyên môn trong thời gian tới. Khắc phục được những nhược điểm này, mô hình nuôi xen ghép tôm, cua và cá đối mục sẽ phát huy được hết tiềm năng, tạo cân bằng sinh thái, giảm ô nhiễm môi trường, giảm dịch bệnh, tăng sản lượng thu hoạch, tăng hiệu quả kinh tế, góp phần đưa nghề nuôi thủy sản phát triển theo hướng bền vững.

>> Ông Trần Cẩn, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Quảng Trị: Mô hình nhận được sự ủng hộ cao của các cấp chính quyền. Các hộ thực hiện thí điểm hưởng ứng tích cực và có trách nhiệm trong việc đón nhận đối tượng nuôi mới. Kết quả cho thấy, mô hình phù hợp với điều kiện thời tiết và tập quán canh tác của địa phương.

Phạm Thu

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!