Thảm họa nuôi tôm tự phát

Chưa có đánh giá về bài viết

Việc nuôi ngoài quy hoạch, không tuân theo cảnh báo đã khiến vùng nuôi tôm hùm tại các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ gánh hậu quả nghiêm trọng. Người nuôi thiệt hại nặng nề khi dịch bệnh liên tiếp xảy ra.

Thiệt hại nghiêm trọng

Việc phát triển nóng số lượng lồng nuôi tại tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa làm ô nhiễm cục bộ, bùng phát dịch bệnh trên tôm hùm, gây thiệt hại lớn cho người dân. Năm 2016, dịch bệnh bắt đầu lan rộng làm hơn 7.000 lồng nuôi tôm hùm bị thiệt hại ở hai địa phương này. Từ đó đến nay, dịch bệnh xảy ra cục bộ hầu như chưa lúc nào ngừng.

Nặng nề nhất phải kể đến đợt dịch bệnh trong nhiều tháng đầu năm 2017 và tỉnh Phú Yên đã giữ “kỷ lục” về thiệt hại. Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2017, Phú Yên có 17.514 lồng nuôi tôm hùm bị thiệt hại với tỷ lệ tôm chết 10 – 20%. Dịch bệnh lắng dịu thời gian ngắn, từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 6/2017 tôm hùm lại chết hàng loạt, chỉ tính ở vịnh Xuân Đài (thị xã Sông Cầu) trung tâm nuôi tôm hùm tỉnh Phú Yên có 2 triệu con tôm hùm chết, ảnh hưởng tới gần 1.000 hộ nuôi. Tôm hùm nuôi lồng chết vì các bệnh thường gặp là bệnh sữa, bệnh đỏ thân và đen mang, trong đó bệnh sữa xuất hiện nhiều nhất và gây thiệt hại lớn nhất cho người nuôi. 

Có thể nói, những năm qua, ngành nuôi tôm hùm của Phú Yên luôn đối mặt với rủi ro cao về ô nhiễm môi trường, dịch bệnh và biến đổi khí hậu. Từ đầu năm đến nay, dịch bệnh chưa ngừng hoành hành làm chết nhiều tôm hùm của người nuôi nơi đây.

Sở NN&PTNT Phú Yên lấy mẫu tôm bị bệnh ở thị xã Sông Cầu gửi đến Trung tâm Thú y Vùng 6 xét nghiệm, xác định bệnh do vi khuẩn Vibrio Parahaemolitycus. Đây cũng chính là vi khuẩn gây bệnh hoại tử gan tụy cấp (hội chứng chết sớm EMS) trên tôm sú và TTCT; chúng có khả năng ký sinh trong đường ruột, tiết ra độc tố khiến gan sưng hoặc teo lại, gây chết hàng loạt đến 90 – 100% tôm trong ao nuôi. Loại vi khuẩn này lại dễ dàng đeo bám trên các sinh vật phù du trôi theo dòng chảy, chịu được độ mặn, pH và nhiệt độ môi trường. Cho nên, việc nuôi tôm hùm tự phát dày đặc, không theo quy hoạch đã tạo môi trường lưu cữu mầm bệnh, khó diệt trừ.

Vùng nuôi tôm hùm tại Phú Yên – Ảnh: ST


Dịch bệnh bùng phát

Nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu NTTS III đã chỉ ra, mùa vụ, mật độ lồng nuôi, thời gian cách ly tôm mang mầm bệnh sữa với tôm khỏe mạnh là những yếu tố then chốt giúp kiểm soát bệnh trên tôm hùm nuôi một cách hiệu quả. Cụ thể, sự xuất hiện của bệnh sữa tại Phú Yên và Khánh Hòa vào mùa khô (tập trung từ tháng 5 đến tháng 7) cao gấp đôi so với mùa mưa. Khả năng lây lan bệnh sữa rất cao, đến 5,11 lần nếu không cách ly kịp thời tôm bệnh ra khỏi đàn tôm khỏe mạnh. Kết quả phân tích mẫu tôm, nước tại vùng nuôi có tôm bị bệnh còn cho thấy lượng vi khuẩn Vibrio vượt ngưỡng cho phép, điều này cho thấy môi trường nuôi đã tồn tại nhiều tác nhân gây bệnh sữa trên tôm hùm.

Các nhà khoa học khuyến cáo, người nuôi tôm hùm cần chọn vị trí đặt lồng nuôi phù hợp, nằm trong quy hoạch của địa phương; thường xuyên kiểm tra để kìm hãm, tiêu diệt các tác nhân sinh học gây bệnh thông qua kiểm tra tôm giống; sát trùng thức ăn, sử dụng các loại thuốc thú y thủy sản trong danh mục được phép. Khi tôm bị bệnh phải kịp thời tách ra khỏi đàn tôm khỏe mạnh. Cần quan tâm nhất là mật độ, số lượng lồng nuôi phải theo khuyến cáo.

Cơ quan khoa học và các trung tâm khuyến nông địa phương cũng đưa ra nhiều khuyến nghị cụ thể với người nuôi tôm hùm; trong đó có những vấn đề cần lưu ý là: chọn địa điểm nuôi thích hợp để giảm thiểu rủi ro về thời tiết, môi trường; quản lý tốt nguồn chất thải; theo dõi kỹ sức khỏe, hoạt động của đàn tôm để tăng cường sức đề kháng cho tôm nuôi; cùng đó, trong quá trình nuôi, tuân thủ quy trình kỹ thuật, các chương trình phòng, chống dịch bệnh. 

Đặc biệt, nghiên cứu của Viện Nghiên cứu NTTS III cho biết, những khu vực mật độ nuôi cao hơn 60 lồng/ha thì sự xuất hiện của bệnh cũng cao gấp 1,28 lần so với những khu vực mật độ nuôi thấp hơn 60 lồng/ha.


Chấn chỉnh quy hoạch

Thực tế, nhiều khu vực nuôi tôm hùm ở Phú Yên và Khánh Hòa đã vượt xa mật độ 60 lồng/ha. Theo ghi nhận, nghề nuôi tôm hùm ở tỉnh Phú Yên hình thành năm 1990 với vài trăm lồng, đến năm 2017 có khoảng 33.000 lồng và hiện nay vọt lên 100.628 lồng, tập trung ở vịnh Xuân Đài. Còn tại tỉnh Khánh Hòa năm 2017 có 25.259 lồng và nay cũng đã tăng lên gần 50.000 lồng tập trung ở vịnh Cam Ranh, Nha Trang, Vân Phong.

Nuôi tôm hùm ở tỉnh Phú Yên tập trung tại vịnh Xuân Đài (thị xã Sông Cầu) với 83.750 lồng, chiếm 83,2% số lồng toàn tỉnh. Tình trạng nuôi tôm hùm ở đây được đánh giá là bát nháo nhất không chỉ trong tỉnh mà cả khu vực Nam Trung bộ. Quy hoạch của UBND tỉnh Phú Yên, mặt nước biển dành cho nuôi tôm hùm ở vịnh Xuân Đài rộng 747 ha, mật độ nuôi 30 lồng/ha, tức là nhiều nhất chỉ 22.410 lồng. Nhưng thực tế hiện nay số lồng nuôi tôm hùm gấp hơn 3,7 lần quy hoạch, mật độ tới hơn 112 lồng/ha; những người nuôi tôm hùm ở đây cũng than thở là “quá dày đặc, hễ xảy ra dịch bệnh là… chịu chết”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế cho biết, vấn đề cấp bách đặt ra cho địa phương là quy hoạch lại việc nuôi tôm hùm trên vịnh Xuân Đài. Trong đó, yêu cầu mật độ không quá 60 lồng/ha theo hướng dẫn của Tổng cục Thủy sản, đồng thời giảm dần diện tích và quy mô nuôi tôm hùm làm sao đến năm 2030 chỉ có dưới 20.000 lồng nuôi, tức là giảm số lồng nuôi trên vịnh Xuân Đài xuống dưới 25% hiện nay.

 Ở tỉnh Khánh Hòa, ông Nguyễn Thanh Sơn nuôi tôm hùm trên vịnh Cam Ranh cũng than phiền tình trạng tự phát nên lồng nuôi dày đặc quá. “Mỗi khi có mưa to, nước suối trên đảo Bình Ba chảy xuống làm xáo trộn môi trường nước biển, lúc ấy phải nhanh chóng kéo lồng nuôi tôm hùm ra xa đảo. Nhưng lồng dày đặc thì kéo lồng bè di chuyển không đơn giản chút nào”, ông Sơn nói.

“Trong thời gian tới, nếu không quy hoạch chi tiết vùng nuôi tôm hùm thì đó sẽ là thảm họa, gây thiệt hại nặng nề cho người dân về kinh tế”, PGS.TS Nguyễn Phú Hòa ở Trường Đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh đã phát biểu như vậy tại một cuộc hội thảo về giải pháp nuôi tôm hùm bền vững do Bộ NN&PTNT tổ chức.

>> Tôm hùm nuôi theo quy hoạch sẽ được đăng ký, kê khai đầy đủ với cơ quan quản lý, áp dụng quy trình nuôi an toàn, hạn chế dịch bệnh và truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Khi đó, tôm hùm Việt Nam có thể đến mọi thị trường trên thế giới.

Ngọc Duyên

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!