Thanh Hóa: Nợ chồng nợ tại khu nuôi tôm công nghiệp Trường Giang

Chưa có đánh giá về bài viết

Cách đây 10 năm, 300 hộ dân ở xã Trường Giang (Nông Cống) đã đồng ý nhường đất nông nghiệp để chính quyền xã xây dựng khu nuôi tôm công nghiệp. Hằng năm, dự án phải trả tiền thuê đất cho người dân, song do mất mùa liên miên và nhiều nguyên nhân khác, cả UBND xã và người dân bỗng trở thành “con nợ” và “chủ nợ” bất đắc dĩ.

Từ dự án “chết yểu”…

Ngay từ đầu năm 2003, UBND tỉnh đã đồng ý quy hoạch khu nuôi tôm công nghiệp Trường Giang tại xã Trường Giang, huyện Nông Cống. Dự án nhanh chóng được triển khai và hoàn thành, đưa vào sử dụng, mở ra nhiều hy vọng làm giàu bởi hình thức nuôi tôm thâm canh tương đối mới mẻ tại Việt Nam lúc bấy giờ. Tổng diện tích quy hoạch là 66 ha, trong đó diện tích ao nuôi đạt trên 46 ha với 45 ao nuôi, còn lại là bờ bao, mương dẫn nước, đất trạm điện, khu nhà quản lý và các công trình phụ trợ khác. Theo thời giá hiện tại, tổng số tiền đầu tư cho dự án trên 10,4 tỷ đồng. Nhiều tập thể, cá nhân đã vào thuê các ao nuôi, tiến hành đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng thâm canh.

Nhiều ao nuôi tại khu nuôi tôm công nghiệp Trường Giang (Nông Cống) chuyển sang nuôi cá và thủy cầm

Những năm đầu, tôm vụ được vụ mất. Vụ đầu tiên, năng suất và sản lượng tôm thu hoạch kém do đất đồng nuôi chưa được “thuần hóa”. Đến năm 2005, gặp 2 cơn bão số 6 và số 7 gây thiệt hại nặng nề. Năm 2006, năng suất tôm đạt cao nhưng giá xuống quá thấp, chỉ 30.000 đồng/kg nên người nuôi không có lãi. Bước sang năm 2007, tôm gần đến kỳ thu hoạch thì chết hàng loạt, gây thất thiệt lớn, nhiều chủ đồng tưởng chừng phá sản. Sang năm 2008, các chủ đồng phải làm đơn trả lại cho xã 6 ao nuôi do thua lỗ triền miên. Từ đó đến nay, đa phần các chủ đồng không “dám” nuôi tôm theo hình thức công nghiệp mà chuyển sang nuôi quảng canh các loài cá, làm trang trại vịt… Năm 2012, chủ các ao nuôi của Công ty CP  Xuất nhập khẩu thủy sản Thanh Hóa vẫn mạnh dạn đầu tư khoa học – kỹ thuật để nuôi tôm công nghiệp. Cuối vụ, “cái dớp” của sự thất bát… lại đến khiến doanh nghiệp lỗ tiền tỷ.

Hiện nay, 5 chủ đồng còn “bám trụ” lại ở đây gồm: ông Tống Đình Hùng, ông Lê Thiên Lâm, ông Lê Thế Hưng, Trại giam Thanh Phong, và Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Thanh Hóa nhưng hình thức nuôi và con nuôi thì khác so với mục đích ban đầu. Gần đây, một ao đơn lẻ cũng được một chủ đồng địa phương thuê nuôi xen canh tôm sú và cá. Rõ ràng, dự án được đầu tư cả chục tỷ đồng để nuôi tôm theo hướng công nghiệp, nay để nuôi vịt, cá trắm, cá mè…


… đến nợ chồng nợ

Theo hợp đồng, mỗi năm, các chủ đồng phải trả cho người dân số tiền tương đương 168 tấn thóc. Ban đầu, lẽ ra xã Trường Giang phải ký hợp đồng với các chủ đồng trả giá thóc theo giá thị trường nhưng vì để thu hút đầu tư, xã chỉ ký bằng giá thóc tại thời điểm 2003 là 1.700.000 đồng/tấn. Theo bà Ngô Thị Thu, Chủ tịch UBND xã Trường Giang, cho biết: “Những tưởng các chủ đồng sẽ “ăn nên làm ra” nên việc trả tiền thuê đất theo giá thóc thị trường chỉ được hợp đồng bằng… miệng. Mỗi năm, giá thóc một cao, nhưng do những vụ tôm thất bát nên các chủ đồng nuôi cũng chỉ trả theo hợp đồng ban đầu, phần thiếu hụt do thóc tăng giá thì UBND xã phải bù”. Ngoài khoản nợ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất đi vay chưa trả hết, mỗi năm, xã phải gánh thêm hàng trăm triệu đồng tiền thuê đất của dân bởi khoản tiền thóc chênh lệch.

Năm 2011, giá thóc 5.000.000 đồng/tấn x 168 tấn nên xã phải trả tiền thuê đất cho dân 840 triệu đồng, trong khi, chỉ thu được ở các chủ đồng 380 triệu đồng. Tính riêng năm 2012, xã nợ tiền đất của nhân dân 924 triệu đồng (tính theo giá thóc 5.500.000 đồng/tấn) nhưng chỉ thu của các chủ đồng được 380 triệu đồng nên phải “bù lỗ” 544 triệu đồng. Mỗi năm giá thóc một cao, tiền bù lỗ càng lớn. Nợ năm trước chưa trả hết năm sau lại chồng nợ làm cho xã ngày càng khốn đốn. “Năm nào cũng mất hàng trăm triệu đồng từ khoản chênh lệch giá thóc nên xã phải loay hoay tìm đủ nguồn. Để có tiền trả nợ cho dân, ngoài trích ngân sách, xã còn ứng cả tiền lương của cán bộ xã hoặc vay một số nguồn khác. Khi ngân sách xã cũng không “kham” nổi, xã đành nợ lại tiền của dân. Đến nay, tổng số nợ mà xã Trường Giang phải “ôm vào” đã lên hơn 1 tỷ đồng, trong đó nợ các hộ dân gần 200 triệu đồng” – bà Ngô Thị Thu, Chủ tịch UBND xã Trường Giang, nói.

Từ sự “thâm hụt” nói trên, nhiều năm qua, xã không có điều kiện để đầu tư phát triển các công trình hạ tầng. Hiện tại, trụ sở UBND xã xập xệ, xuống cấp nhưng chưa thể xây mới, nhiều công trình phúc lợi khác cũng trong hoàn cảnh tương tự. Nhiều hoạt động văn hóa – xã hội theo đó cũng bị thắt chặt do không có kinh phí hoạt động. Những gia đình nhường đất để làm khu nuôi tôm, nay cũng bị nợ hết năm này qua năm khác. Tại thôn 7,  UBND xã đang nợ gia đình bà Lê Thị Thứ gần 1 triệu đồng, gia đình ông Lê Văn Minh cũng trở thành “chủ nợ” với gần 2 triệu đồng… nay họ đã “không buồn” đòi nợ nữa.

Bà Thu khẳng định, dự án nuôi tôm công nghiệp đã biến xã Trường Giang thành con nợ. Mấy năm qua, chính quyền xã chỉ có lo việc trả nợ đã khốn khổ lắm rồi, nay chúng tôi đã  bế tắc về giải pháp. Qua đây, rất mong tỉnh xem xét, hỗ trợ một phần cho xã và có hướng giải quyết dứt điểm.

Lê Đồng

Báo Thanh Hóa

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!