Thất bại Đề tài nuôi tôm VietGAP ở TP.Tam Kỳ: Không để người dân chịu thiệt

Chưa có đánh giá về bài viết

UBND TP.Tam Kỳ đang đề xuất UBND tỉnh xem xét, giao Sở KH-CN chủ trì, phối hợp với Phòng Kinh tế TP.Tam Kỳ nghiệm thu những phần việc đã triển khai của đề tài khoa học nuôi tôm VietGAP ở Tam Kỳ bị buộc dừng, xác định phần kinh phí 2 hộ dân tham gia đã tạm ứng đầu tư, chuyển trả cho họ.

Các hộ dân đã ứng 800 triệu đồng để tham gia đề tài khoa học nuôi tôm VietGAP ở Tam Kỳ nhưng chưa được hoàn trả. Ảnh: Quang Việt

Các hộ dân đã ứng 800 triệu đồng để tham gia đề tài khoa học nuôi tôm VietGAP ở Tam Kỳ nhưng chưa được hoàn trả. Ảnh: Quang Việt

Đề tài thất bại

Ngày 12 và 13.4, Báo Quảng Nam có 2 bài phản ánh những bất cập triển khai đề tài khoa học nuôi tôm VietGAP của Phòng Kinh tế TP.Tam Kỳ. Ngày 17.5, UBND tỉnh quyết định dừng đề tài khoa học này vì cơ quan chủ trì không đủ năng lực tổ chức thực hiện. Ngày 19.10, Báo Quảng Nam phản ánh tâm tư, nguyện vọng 2 hộ dân tham gia đề tài khoa học nuôi tôm VietGAP là Ninh Đức Chính, Nguyễn Hồng Vân (thôn Phú Quý, xã Tam Phú, TP.Tam Kỳ), mong muốn được chuyển trả phần vốn đã tạm ứng đầu tư. Ngày 23.10, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân có văn bản giao UBND TP.Tam Kỳ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương kiểm tra tình hình, kết quả thực hiện đề tài khoa học nuôi tôm VietGAP ở Tam Kỳ, làm rõ thông tin Báo Quảng Nam đã nêu, báo cáo kết quả kiểm tra, đề xuất biện pháp xử lý.

Đề tài khoa học nuôi tôm VietGAP ở Tam Kỳ được cơ quan chủ trì là Phòng Kinh tế TP.Tam Kỳ triển khai qua 2 vụ nuôi (vụ 1 tháng 6.2017 – tháng 8.2017; vụ 2 tháng 3.2018 – tháng 5.2018) đều thất bại. Tham gia đề tài, ông Chính, ông Vân phải tự huy động 800 triệu đồng mua bạt, hệ thống sục khí, toàn bộ thức ăn, chi phí mua tôm giống, một số vật tư khác. Phòng Kinh tế TP.Tam Kỳ sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp KH-CN của tỉnh cấp để ứng 100 triệu đồng mua tôm giống, 20 triệu đồng mua dụng cụ đo môi trường phục vụ nuôi tôm; đồng thời sử dụng nguồn kinh phí ngân sách của TP.Tam Kỳ là 600 triệu đồng để đầu tư hệ thống điện 3 pha phục vụ nuôi tôm. Sau khi dừng đề tài khoa học, Phòng Kinh tế TP.Tam Kỳ chuyển trả toàn bộ kinh phí của tỉnh đã cấp. Phần kinh phí còn lại theo dự toán ban đầu đã thông qua là 1,04 tỷ đồng không được cấp theo quy định. Kinh phí hỗ trợ nông hộ tham gia đề tài từ nguồn vốn khác của ngân sách TP.Tam Kỳ cũng đã không có cơ sở pháp lý giải ngân. “Trong quá trình triển khai đề tài, TP.Tam Kỳ đã nỗ lực hết sức nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau, đề tài đã thất bại. Sau khi dừng đề tài, thành phố đã mời các hộ bàn hướng giải quyết nhưng chưa có kết quả cuối cùng do vướng mắc về pháp lý. Hiện nay không có nguồn kinh phí để trả lại vốn các hộ dân đã ứng trước để đầu tư” – ông Nguyễn Minh Nam – Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ nói.

“Không bỏ rơi người dân”

Sau khi đề tài khoa học bị buộc dừng, UBND TP.Tam Kỳ đã chỉ đạo Phòng Kinh tế TP.Tam Kỳ và các ngành liên quan mời 2 hộ tham gia đề tài xem xét cơ sở hạ tầng sẵn có (ao nuôi, hệ thống điện) tiếp tục triển khai nuôi tôm theo hướng mô hình khuyến nông hoặc theo cơ chế khuyến khích phát triển nuôi trồng thủy sản của tỉnh, giải quyết các khoản kinh phí đã đầu tư, tuy nhiên các hộ không đồng ý tiếp tục tham gia. Tháo gỡ vướng mắc, UBND TP.Tam Kỳ đề xuất UBND tỉnh xem xét, thống nhất giao Sở KH&CN chủ trì, hướng dẫn Phòng Kinh tế TP.Tam Kỳ tiến hành nghiệm thu khối lượng thực tế, kết quả đề tài, đặc biệt nghiệm thu xác định rõ, cụ thể phần kinh phí mà Nhà nước chưa chuyển trả đối ứng cho 2 hộ dân trong khi 2 hộ dân này đã tạm ứng đầu tư. “Kính đề nghị UBND tỉnh quan tâm giải quyết phần kinh phí còn nợ hộ dân theo cơ chế để thành phố giải quyết cho dân hoặc UBND tỉnh thống nhất chủ trương giao UBND TP.Tam Kỳ đảm bảo kinh phí để giải quyết cho hộ dân và cơ quan chủ trì. Trong đó, hoàn trả 275 triệu đồng cho 2 hộ dân và 120 triệu đồng cho cơ quan chủ trì” – ông Nam nói.

Ông Phạm Viết Tích – Giám đốc Sở KH-CN cho rằng, đang chờ chỉ đạo của UBND tỉnh để giải quyết dứt điểm đề tài khoa học nuôi tôm VietGAP ở TP.Tam Kỳ. Quan điểm của Sở KH-CN là không thể bỏ rơi người dân, không để dân bị thiệt thòi sau khi dừng đề tài vì họ đã tự huy động vốn đến 800 triệu đồng để theo đề tài trong mấy năm qua. “Chúng tôi chờ chỉ đạo của UBND tỉnh để phối hợp với Phòng Kinh tế TP.Tam Kỳ kiểm toán lại tất cả nguồn vốn đã đầu tư. Nông hộ đầu tư bao nhiêu, ngân sách của TP.Tam Kỳ đã đầu tư bao nhiêu rồi tham mưu UBND tỉnh trích từ ngân sách của tỉnh hoặc ngân sách của TP.Tam Kỳ để hoàn lại các phần vốn đã đầu tư đúng” – ông Phạm Viết Tích nói.

Việt Nguyễn

Báo Quảng Nam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!