Tỷ phú trẻ trên dòng sông Kinh Thầy

Chưa có đánh giá về bài viết

Dòng sông Kinh Thầy (Hải Dương) là nơi có nhiều mô hình nuôi cá lồng hiệu quả và không ít tỷ phú. Mô hình nuôi cá lồng của anh Trần Huy Hưng là một trong số đó.

Anh Trần Huy Hưng (ngoài cùng bên phải)

Năm 2012, người ta thấy một người đàn ông trạc tuổi 30, đôi mắt sáng, dáng người to khỏe đi lại quan sát, nhìn chăm chú xuống dòng nước của sông Kinh Thầy chảy qua địa phận thôn Trung Hà, xã Nam Tân, huyện Nam Sách. Không lâu sau đó, người đàn ông này dựng bè, nuôi cá trên sông.

Người đàn ông đó là anh Trần Huy Hưng, vốn là giáo viên đang giảng dạy tại một trường cao đẳng tại Thành phố Hồ Chí Minh. Do cả hai vợ chồng cùng quê Hải Dương cộng thêm sự đam mê làm kinh tế nên đã quyết tâm “khăn gói” về quê dựng nghiệp.

Anh Hưng kể, gia đình vốn có nghề truyền thống làm nghề nuôi cá và bản thân cũng muốn phát triển kinh tế theo những ý tưởng riêng của mình nên anh quyết tâm chọn nghề nuôi cá lồng. Những ngày đầu do thiếu vốn, kinh nghiệm chưa có nên gặp rất nhiều khó khăn. Năm đầu tiên do thiếu kinh nghiệm nuôi, quản lý nên cá bị chết và hao hụt nhiều. Từ năm thứ trở đi nhờ học hỏi kinh nghiệm, biết cách sử dụng thuốc phòng trị bệnh, chăm sóc nên cá ít hao hụt và lớn nhanh hơn.

Theo đó anh Hưng nuôi chủ yếu 3 loại cá là cá điêu hồng, cá nheo Mỹ và cá chép giòn. Những loại cá này, ăn khỏe, nhanh lớn và sức đề kháng tốt. Đây là những loại cá có giá trị kinh tế khá cao và luôn ổn định đầu ra do nhu cầu thị trường đối với các loại cá này tương đối lớn. Giá của cá điêu hồng ổn định ở mức 55.000 – 60.000 đồng/kg; cá chép giòn 150.000 đồng/kg. Mỗi năm, mô hình của anh Hưng xuất ra thị trường hàng trăm tấn cá, thu lời hàng tỷ đồng.

Để nuôi cá lồng hiệu quả, anh Hưng cho biết: Cá nuôi ao đất và cá nuôi lồng có nhiều điểm khác nhau. Trong giai đoạn chuyển cá giống từ ao đất ra ương, nuôi ở lồng bè có sự khác nhau rất lớn về điều kiện môi trường nên cá dễ chết và tỷ lệ hao hụt thường cao. Bên cạnh đó, cần phải vệ sinh lồng bè thường xuyên, phòng bệnh cho cá định kỳ, kiểm trả lồng lưới tránh thất thoát cá. Khu vực lồng bè nuôi cá cũng được đầu tư hệ thống camera để tiện cho việc theo dõi, chăm sóc và bảo vệ. Anh Hưng cũng thường xuyên phối hợp với cán bộ Công ty Minh Hiếu, và một số chuyên gia về thủy sản định kỳ, kiểm tra đánh giá sự phát triển của cá trong lồng nuôi để có biện pháp xử lý kịp thời.

Thu hoạch cá lăng tại lồng bè của anh Trần Huy Hưng

Theo anh Hưng, để đầu tư 1 lồng nuôi cá (khoảng 108 m3), người nuôi cá phải bỏ ra khoảng 25 triệu đồng. Vì vậy, nuôi cá lồng đòi hỏi chi phí lớn, rất khó áp dụng với những hộ không có điều kiện kinh tế. Để giúp những hộ khó khăn có thể nuôi cá lồng, anh Hưng đã đầu tư để cho 14 hộ dân mượn hơn 100 lồng nuôi. Bù lại anh cung cấp giống, thức ăn và bao tiêu đầu ra cho sản phẩm. Vì vậy, các hộ nuôi đều yên tâm sản xuất và đều có lãi.

Nhờ nuôi cá thành công, tiếng lành đồn xa, hàng năm anh Hưng đón nhiều người nuôi cá từ các tỉnh lân cận đến tham quan, học tập mô hình. Với mong muốn, không chỉ đưa các sản phẩm cá thịt có chất lượng đến tay người tiêu dùng trong cả nước mà anh Hưng còn muốn phát triển thương hiệu “cá lồng Hải Dương” để sản phẩm cá lồng trên sông Kinh Thầy, cũng như nghề nuôi cá lồng nơi đây ngày càng phát triển và bền vững.

Thanh Thủy

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!