VietShrimp 2018: Cơ hội đột phá tôm Việt

Chưa có đánh giá về bài viết

Hội chợ Triển lãm công nghệ ngành tôm Việt Nam lần thứ hai (VietShrimp 2018) diễn ra trong ba ngày (27 – 29/4/2018), đã thu hút sự quan tâm và tham gia đông đảo của các chuyên gia, nhà khoa học, người dân và các doanh nghiệp ngành tôm nói riêng, ngành thủy sản nói chung. Hội chợ đã thành công tốt đẹp và để lại nhiều dấu ấn sâu sắc.


Các đại biểu tham gia cắt băng khai mạc Hội chợ VietShrimp 2018 Ảnh: Phan Thanh Cường

Cơ hội cho ngành tôm Việt

 Nhiều năm qua, con tôm luôn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành thủy sản Việt Nam (kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 3,8 tỷ USD năm 2017). Đồng thời tạo việc làm, thu nhập cho hàng trăm nghìn lao động của Bạc Liêu và vùng ĐBSCL. Định hướng đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu ngành tôm đạt 10 tỷ USD. Để đạt được mục tiêu này, ngành tôm cần hướng tới việc ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, tạo cơ hội tăng cường quảng bá ngành tôm Việt Nam ra thế giới.

Là một trong những tỉnh trọng điểm phát triển nuôi trồng thủy sản trong đó có con tôm, những năm qua, Bạc Liêu đã tập trung xây dựng và dành nhiều ưu đãi cho phát triển lĩnh vực nuôi tôm, vốn là thế mạnh của địa phương. Năm 2017, Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư phát triển Bạc Liêu là Trung tâm ngành tôm cả nước, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển. Hiện, Bạc Liêu đang triển khai khu nông nghiệp nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao với tổng vốn đầu tư hơn 2.650 tỷ đồng.

Mặc dù, thời gian qua ngành tôm khu vực ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung đã đạt được những kết quả ấn tượng, nhưng sự phát triển vẫn chưa thật sự bền vững. Vì vậy, đòi hỏi phải tăng cường ứng dụng khoa học – công nghệ tiên tiến và phát triển nuôi tôm công nghệ cao theo hướng chất lượng, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng.

Đổi mới để phát triển

Với mong muốn giới thiệu những thành tựu của ngành tôm Việt Nam trong thời gian qua; Đánh giá những tiềm năng, thế mạnh cũng như khó khăn, thách thức của ngành tôm Việt Nam trong thời gian tới; Tạo cơ hội cho các doanh nghiệp phát triển, mở rộng thị trường kinh doanh; Tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm, công nghệ mới của các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến người tiêu dùng; Cũng như giúp các đối tác tham gia trong quá trình sản xuất tôm có cái nhìn sát thực và hành động phù hợp với các tiêu chí nuôi trồng có trách nhiệm, nhằm đảm bảo nghề nuôi tôm Việt Nam phát triển hiệu quả, bền vững và gặt hái được nhiều thành công trong thời gian tới; Được sự đồng ý của Bộ NN&PTNT, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bạc Liêu, Hội Nghề cá Việt Nam phối hợp với Tổng cục Thủy sản, Sở NN&PTNT Bạc Liêu, tổ chức VietShrimp 2018 với chủ đề “Đổi mới để thành công” diễn ra trong ba ngày (27 – 29/4/2018) tại Bạc Liêu.

VietShrimp với hai nội dung chính là chuỗi hội thảo và hội chợ. Hai phiên hội thảo ngày 27 với chủ đề “Khoa học công nghệ phục vụ nuôi tôm công nghệ cao” dưới sự chủ trì của TS Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản và TS Phạm Anh Tuấn, Trưởng ban khoa học VietShrimp 2018. Hội thảo ngày 28/4 với chủ đề “Phát triển nuôi tôm bền vững” dưới sự chủ trì của TS Phan Thanh Lâm, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II và TS Lê Thanh Lựu, Trưởng ban Hợp tác quốc tế Hội Nghề cá Việt Nam. Hai phiên hội thảo có 16 báo cáo chuyên đề về hiện trạng, định hướng kế hoạch hành động quốc gia phát triển tôm Việt đến năm 2025, thành tựu về tôm bố mẹ, ương nuôi mật độ cao, giải pháp và ứng dụng trong dinh dưỡng cho tôm; các biện pháp phòng trừ dịch bệnh trên tôm, công nghệ vi sinh trong nuôi tôm, nuôi tôm không kháng sinh, định hướng phát triển tôm – lúa, tôm rừng… các chủ đề này được người nuôi, chuyên gia đánh giá cao thông qua phần trao đổi thảo luận sôi nổi. Qua đó, nhiều kiến nghị và giải pháp được đưa ra để giúp ngành tôm phát triển hiệu quả và bền vững.

Mỗi phiên hội thảo thu hút khoảng 300 đại biểu tham gia và được đánh giá là điểm nhấn của VietShrimp 2018 bởi nội dung hấp dẫn, mang tính thời sự cao, phù hợp với tình hình thực tiễn đang diễn ra tại Việt Nam và nhiều quốc gia nuôi tôm khác trên thế giới. Nhất là những chuyên đề về khoa học, công nghệ cùng những giải pháp nuôi tôm tiên tiến của những chuyên gia giàu kinh nghiệm trong và ngoài nước. Như bài trình bày của chuyên gia Walter Coppens về “Tôm sú bố mẹ Moana: Thành tựu và kế hoạch phát triển tại Việt Nam”; “Những tiến bộ khoa học và ứng dụng trong dinh dưỡng tôm” của Mark Newman (De Heus); “Công nghệ 4.0 và những vấn đề nuôi tôm hiện nay” của TS Võ Quang Tuyến (Aquabox JSC); “Chiến lược phòng bệnh trên tôm và quy trình nuôi tôm không kháng sinh” của TS Trần Hữu Lộc  (Nutreco International Việt Nam); “Cơ chế lột xác và nhu cầu khoáng của tôm” của ông Trần Huỳnh Cường (Bayer Việt Nam)….

Cùng đó là phần hội chợ với những không gian trưng bày hấp dẫn, dễ thăm quan; các gian hàng được đầu tư bài bản, trang trọång của những đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực nuôi tôm nói riêng và thủy sản nói chung như: Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, Skretting Việt Nam, Công ty TNHH Khoa Kỹ Sinh vật Thăng Long, Công ty TNHH Uni-President Việt Nam, Công ty TNHH Giống thủy sản Dương Hùng, Bayer Việt Nam, Công ty TNHH Thần Vương, Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam… Cùng nhiều sản phẩm và công nghệ tân tiến như: Máy móc thiết bị công nghệ trong sản xuất giống, sản xuất thức ăn, thiết bị phục vụ trong xử lý bệnh trên tôm, công nghệ trong quản lý sản xuất tôm…

VietShrimp 2018 đã khép lại, nhưng những dư âm về một kỳ hội chợ vẫn còn để lại nhiều dấu ấn với cộng đồng người nuôi tôm tỉnh Bạc Liêu nói riêng và khu vực ĐBSCL nói chung.

>> Theo Ban tổ chức, VietShrimp 2018 đã thu hút sự tham gia hơn 100 doanh nghiệp với gần 150 gian hàng và khoảng 10.000 lượt khách tham quan. Cùng đó, hai phiên hội thảo cũng nhận được sự quan tâm theo dõi của đông đảo đại biểu, khách mời; ước tính có khoảng trên 300 đại biểu mỗi phiên.

Nguyên Chi

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!