Vui buồn chuyện cá tra giống

Chưa có đánh giá về bài viết

Giá cá tra nguyên liệu và cá tra giống tại các tỉnh ĐBSCL đang tăng vùn vụt theo ngày. Đáng lý đây phải là tín hiệu vui đối với toàn ngành, song diện tích nuôi cá tra giống gần đây lại tăng đột biến. Với tốc độ mở rộng tự phát như vậy thì nguy cơ vỡ trận là hiện hữu.


Diện tích nuôi cá tra giống đang tăng đột biến ở ĐBSCL Ảnh: Phan Thanh

Giá tăng mạnh

Theo số liệu của Tổng cục Thủy sản, diện tích nuôi cá tra công nghiệp quý I/2018 ước 3,9 nghìn ha, sản lượng 222,2 nghìn tấn; tăng 2,1% về diện tích và 5,7% về sản lượng so cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Đồng Tháp đạt 95,2 nghìn tấn, tăng 4,5%; An Giang 73,3 nghìn tấn, tăng 3,4%; Vĩnh Long 13,2 nghìn tấn, tăng 18,3%.

Trong quý I/2018, giá cá tra nguyên liệu liên tục đạt mức cao và có xu hướng tăng, dao động 27.000 – 29.000 đồng/kg tùy theo chất lượng, kích cỡ và phương thức thanh toán. Có nơi giá được đẩy lên 29.000 – 30.000 đồng/kg như tại An Giang. Đây là mức giá rất cao trong nhiều năm qua, giúp người nuôi lãi đậm, trung bình lãi khoảng 7.000 đồng/kg, khiến nhiều người nuôi quay lại đầu tư, mở rộng sản xuất. Tuy nhiên, dù giá cá cao nhưng doanh nghiệp vẫn không dễ dàng gì trong việc tìm mua cá nguyên liệu.

Những ngày giữa tháng 4 và kéo dài sang tháng 5, tại các tỉnh ĐBSCL, thương lái tìm vào tận các ao nuôi cá tra của người dân để thu gom, kể cả cá tra chưa đến kỳ thu hoạch. Đáng nói, các thương lái gom cá tra để xuất tiểu ngạch và không yêu cầu cao về mặt chất lượng, chủng loại. Cũng bởi tình trạng này mà giá cá tra tại các tỉnh ĐBSCL thời điểm này “nhảy múa” không ngừng.

Ông Võ Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam thông tin, khoảng hơn 1 năm qua, giá cá tra gần như tăng liên tục. Hiện nay, giá cá tra nguyên liệu ở mức 32.000 – 33.000 đồng/kg, cao gấp 1,5 lần cùng kỳ năm trước. Chính vì giá cá tra nguyên liệu tăng nên giá cá tra giống cũng bị đẩy lên rất cao, cá tra giống loại lớn lên đến 60.000 – 70.000 đồng/kg, gấp hơn 3 lần so năm trước.

Ồ ạt nuôi cá tra giống

Câu chuyện cá tra ở ĐBSCL đang nóng lên từng ngày. Giữa tháng 5/2018, giá cá tra nguyên liệu vẫn ở ngưỡng cao 30.000 – 33.000 đồng/kg, giá cá tra giống cũng không có xu hướng hạ nhiệt. Chính vì thế, diện tích nuôi cá tra giống ở nhiều tỉnh, thành ở ĐBSCL, nhất là Long An đang tăng lên đột biến. Câu chuyện bộc phát này đang tiềm ẩn những hệ lụy khó lường đối với các vùng nuôi cá tra.

Theo thống kê chưa đầy đủ của ngành nông nghiệp Long An, diện tích nuôi cá tra bột của tỉnh đã lên đến gần 1.000 ha, trên 80% số diện tích này tập trung tại huyện Tân Hưng và nhiều nhất tại xã Hưng Điền B, chủ yếu từ đất ruộng trồng lúa chuyển đổi sang nuôi cá tra giống.

Diện tích nuôi cá tra ở ĐBSCL mỗi năm dao động 4.500 – 5.000 ha (tùy theo giá cá tăng hay giảm). Chuyện diện tích nuôi cá tra giống tăng 1.000 ha (chiếm gầm 20% diện tích nuôi nguyên liệu) chỉ tính riêng tại tỉnh Long An như hiện nay là một điều ngoài tưởng tượng!

Nhiều người đang lo lắng trong bối cảnh bộc phát nuôi cá tra giống hiện nay là: Những hộ có điều kiện kinh tế có thể trụ lại với nghề nhưng những hộ nghèo dám “đánh cược” cả tài sản để vay mượn đào ao, thả cá thì rất dễ dẫn đến nguy cơ rủi ro, thiệt hại. Khi thất bại, người dân muốn quay lại trồng lúa là một chuyện hết sức khó khăn.

Phá vỡ quy hoạch?

Cuối tháng 3/2018, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT ban hành Quyết định 987/QĐ-BNN-TCTS về việc phê duyệt Đề án “Liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng ĐBSCL”. Sản xuất giống 3 cấp, theo đó: Cấp 1 là đơn vị nghiên cứu, chọn tạo cung cấp đàn cá tra bố mẹ chọn giống (các viện nghiên cứu/trường đại học, các doanh nghiệp trong và ngoài nước); Cấp 2 là đơn vị nuôi vỗ cá tra bố mẹ và cho sinh sản ra cá bột (trung tâm giống thủy sản của tỉnh, các doanh nghiệp, trại giống có năng lực…); Cấp 3 là đơn vị ương dưỡng giống cá tra từ bột lên hương và lên giống thông qua nhận đặt hàng từ các doanh nghiệp trong chuỗi liên kết hoặc độc lập cung cấp cho nuôi thương phẩm…

Theo Đề án này, từ nay đến năm 2025, Nhà nước sẽ đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất giống cá tra tập trung gồm 3 vùng tại An Giang (gồm huyện Châu Phú, thị xã Tân Châu và TP Long Xuyên) với tổng diện tích 350 ha; 3 vùng tại Đồng Tháp (gồm các huyện Hồng Ngự, Cao Lãnh, Châu Thành) với tổng diện tích 400 ha. Tổng nguồn vốn thực hiện Đề án này khoảng 592 tỷ đồng. Mô hình liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp được kỳ vọng là khâu đột phá, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò nòng cốt, chủ đạo trong toàn bộ chuỗi liên kết sản xuất giống.

Mục tiêu của Đề án là nhằm đáp ứng đủ nhu cầu con giống chất lượng cao; Ổn định cung – cầu về sản xuất giống, có thương hiệu, truy xuất nguồn gốc; Góp phần phát triển ngành hàng cá tra theo hướng bền vững, đáp ứng các yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020, chuỗi sản xuất cá tra giống 3 cấp đáp ứng 50% nhu cầu giống cá tra chất lượng cao cho ĐBSCL (khoảng 2,2 – 2,5 tỷ cá tra giống). Đến năm 2025, đáp ứng 100% nhu cầu (khoảng 2,5 – 3 tỷ cá tra giống).

Có ý kiến cho rằng, Đề án này sẽ từng bước tiến tới sự chuyên nghiệp hóa nghề nuôi cá tra vùng sông nước miền Tây, gắn với chuỗi liên kết và truy xuất nguồn gốc căn cơ hơn… Tuy nhiên, 770 ha nuôi cá tra giống ở An Giang và Đồng Tháp theo Đề án và 1.000 ha diện tích nuôi cá tra giống tự phát ở Long An như hiện nay rõ ràng đang có sự “giẫm chân” nhau. Việc phát triển tự phát sẽ dẫn đến dư cung, ảnh hưởng đến chất lượng, dịch bệnh, môi trường và chính người dân sẽ bị thiệt hại lớn… Để tránh những hệ lụy nhãn tiền, các địa phương cần phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa. Quan trọng hơn cả, người nông dân cũng cần thận trọng trước khi quyết định đầu tư.

>> Dự kiến, trong quý II/2018 giá cá giống sẽ hạ nhiệt vì hiện tại đang thời điểm thuận mùa của vụ nuôi cá giống, người nuôi đạt sản lượng thì giá thành sẽ giảm.

Phương Ngọc

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!