Xây dựng tổ hợp tác đúng nghĩa

Chưa có đánh giá về bài viết

Tổ hợp tác (THT) được thành lập với mục đích để từng hộ thành viên hỗ trợ nhau trong sản xuất, từng bước gắn kết nhau trong mối quan hệ liên kết để làm ăn, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế. Thế nhưng, trên thực tế, không ít THT trên địa bàn huyện Phú Tân được thành lập và đi vào hoạt động nhưng tổ viên thì tự ai nấy làm theo cách riêng của mình. Đó chính là nguyên nhân làm cho nhiều tổ THT hoạt động không hiệu quả, thậm chí không hoạt động.

Mô hình nuôi cá bống tượng hiệu quả của ông Nguyễn Văn Phen, Tổ hợp tác ấp Tân Nghĩa, xã Rạch Chèo, huyện Phú Tân.

Mô hình nuôi cá bống tượng hiệu quả của ông Nguyễn Văn Phen, Tổ hợp tác ấp Tân Nghĩa, xã Rạch Chèo, huyện Phú Tân.

Hiện một số nơi, động cơ vào THT của bà con chủ yếu là được hỗ trợ vay vốn, hưởng lợi từ các chế độ ưu tiên như: tập huấn chuyển giao khoa học – kỹ thuật; hỗ trợ xây dựng mô hình… nhưng chưa thấy hết vai trò quan trọng của THT. Ngoài ra, ở nhiều THT, tổ viên chưa có sự thống nhất về quan điểm, từ đó, dẫn đến tình trạng “trống đánh xuôi kèn thổi ngược”. Có nơi, vào tổ là để có tên trong danh sách theo yêu cầu của địa phương nhưng chuyện sản xuất thì của ai nấy làm.

Vào để được ưu tiên

THT nuôi cá bống tượng ở ấp Tân Nghĩa, xã Rạch Chèo được xem là một trong những THT làm ăn hiệu quả hiếm hoi trên địa bàn xã. Thế nhưng, từ khi thành lập đến nay, số tổ viên giảm rõ rệt, từ 15 tổ viên nay chỉ còn 5.

Nhiều bà con cho rằng, vào THT là để được ưu tiên vay vốn và khi không được ưu tiên thì bỏ sinh hoạt, không tham gia. Tuy vậy, một số tổ viên vẫn bám trụ và làm ăn hiệu quả như hộ ông Nguyễn Văn Phen, ông Trần Văn Mức… Riêng ông Nguyễn Văn Phen nuôi cá bống tượng hằng năm thu nhập từ 80-100 triệu đồng.

Ông Phen cho biết, nuôi cá bống tượng trên đất mặn cho hiệu quả khá. Do có độ mặn nên cá ít bị nhiễm bệnh, lớn nhanh. Thức ăn cho cá có thể sử dụng cá tạp trong vuông tôm hoặc các loại cá, tôm đánh bắt dưới sông. Người nuôi có thể cho cá sinh sản để làm giống cho vụ sau. Mùa mưa nước lợ thì đưa ra vuông cho cá sống tự nhiên và sinh sản. Mùa nắng đem vào ao. Như vậy, người nuôi cá bống tượng trên vùng đất mặn gần như ít tốn chi phí, nhưng có thu nhập khá.

Cần sự hỗ trợ

Huyện Phú Tân hiện có 140 THT trên lĩnh vực sản xuất. Qua khảo sát, có 40 tổ ngưng hoạt động trong thời gian dài và mặc nhiên giải tán, cho dù vẫn còn tên trong danh sách quản lý của địa phương. Nguyên nhân chính làm cho các THT hoạt động không hiệu quả là do người dân không tha thiết vào tổ, vì không thấy quyền lợi và chưa phát huy được tinh thần tập thể trong sản xuất, làm ăn.

Ông Nguyễn Bình Minh, Tổ trưởng THT nuôi tôm công nghiệp ấp Thứ Vải A, xã Tân Hưng Tây, cho rằng: “Sự nhiệt tình, đoàn kết của bà con chưa có. Với lại không có hỗ trợ nào nên bà con không tha thiết với tổ”.

Thói quen làm chơi ăn thiệt, không thích nghe theo người khác, không thích gò bó trong làm ăn là một tồn tại trong tư duy của nhiều nông dân. Đây là rào cản cho phát triển THT hiện nay.

Trước đây, nhiều THT thành lập theo kiểu đối phó với tiêu chí nông thôn mới. Địa phương chưa tuyên truyền đến nơi đến chốn nên nhiều hộ dân không hiểu hết vai trò của THT trong liên kết sản xuất mà chỉ thấy quyền lợi khi vào THT. Chính vì vậy, khi quyền lợi không được đáp ứng thì tự rời khỏi tổ vô điều kiện.

Trong khi đó, vào THT là phải đáp ứng được 2 yếu tố: quyền lợi và nghĩa vụ. Quyền lợi là được hỗ trợ các điều kiện sản xuất; nghĩa vụ là liên kết, hỗ trợ nhau sản xuất, mua chung, bán chung để tiết kiệm chi phí đầu vào, tăng giá trị đầu ra.
Hoạt động kém hiệu quả nên rất ít THT có thể nâng lên thành hợp tác xã (HTX) kiểu mới.

Đã đến lúc phải thay đổi tư duy làm ăn hợp tác kiểu cũ còn tồn tại trong nhiều người. Hợp tác ở đây là cùng mua, cùng bán, cùng tiếp thu ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật trong điều kiện tương tự, cùng hỗ trợ nhau các điều kiện sản xuất… chứ không phải cào bằng cho nhau. Cánh đồng lớn trong nuôi tôm là mô hình giống nhau, phương thức giống nhau chứ không phải gom tất cả các thửa đất của cá nhân lại thành một cánh đồng như nhiều người vẫn nghĩ.

Để nông dân có thể liên kết làm ăn hiệu quả, có thương hiệu, liên kết đầu vào, đầu ra, cung ứng dịch vụ thông qua THT, HTX, trước hết cần phải tuyên truyền làm thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm cho nông dân; giúp bà con thấy rõ quyền lợi và nhiệm vụ khi làm ăn hợp tác.

Theo đó, phải có cơ chế hỗ trợ nông dân thông qua mối liên kết “4 nhà”. Phải tạo điều kiện cho THT mạnh lên từ nội lực và từ sự quan tâm của các cấp, các ngành chuyên môn, doanh nghiệp. Yếu tố quan trọng là không thể thành lập để đối phó mà chú trọng từ mô hình làm ăn hiệu quả, sự hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất… để từ đó phát huy thành một tập thể làm ăn phát triển.

Quốc Hiệp

Báo Cà Mau

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!