Là huyện nông nghiệp vùng trũng có nhiều sông, hồ… vì vậy nuôi cá lồng đang là hướng đi mới có hiệu quả đang được nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Hải Lăng (Quảng Trị) triển khai nhằm góp phần tăng nguồn thu nhập cho người dân, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
Theo thống kê, tính đến thời điểm này trên địa bàn toàn huyện đã có trên 120 lồng nuôi cá trên sông, trong đó có hơn 30 lồng nuôi cá chình, còn lại là lồng nuôi các đối tượng như cá trắm cỏ, cá trê lai, cá rô phi đơn tính… tập trung ở các xã Hải Tân, Hải Chánh, Hải Sơn và Hải Trường. Nghề nuôi cá lồng trên sông đã trở thành nghề thoát nghèo cho nhiều hộ dân bao đời sống bằng nghề chài lưới ở Hải Lăng. Trung bình mỗi mô hình cá lồng cho thu nhập từ 30 – 70 triệu đồng/vụ nuôi. Đặc biệt, việc phát triển mô hình nuôi cá lồng trên sông đã hạn chế được việc người dân dùng xung điện để đánh bắt cá, qua đó bảo vệ được nguồn lợi thủy sản và môi trường ở địa phương.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà 2 tầng khang trang với đầy đủ trang thiết bị thiết yếu cho cuộc sống, anh Phạm Văn Thiện vừa khoát tay 1 vòng vừa vui vẻ cho biết: “Tất cả là nhờ con cá chình cả đấy. Mấy năm nay cá chình được giá, được mùa nên bà con chúng tôi mới có cái ăn cái mặc, mua sắm vật dụng sinh hoạt trong gia đình, thoát khỏi cảnh lặn mò trên sông bắt tôm, bắt cá hàng ngày”. Anh kể, trước kia gia đình anh cùng hàng chục hộ dân nơi đây sống bằng nghề đánh bắt cá trên dòng sông Ô Giang. Nhưng cá tôm lúc đánh được nhiều, lúc đánh được ít, cuộc sống bấp bênh, do vậy cái đói cái nghèo luôn là nỗi trăn trở thường nhật của gia đình. Sau đó gia đình chuyển qua nuôi cá trắm cỏ nhưng do dịch bệnh nên cá trắm cỏ không mang lại hiệu quả, chết hàng loạt. Cơ hội đến với anh vào năm 2006 khi Trung tâm Khuyến ngư tỉnh (nay là Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Quảng Trị) thực hiện 2 mô hình nuôi cá chình lồng đầu tiên tại hộ ông Lê Văn Đằng và ông Mai Viết Phú.
Anh Thiện đang kiểm tra cá trình trong lồng nuôi của mình
Nhận thấy con cá chình rất dễ nuôi, chịu được nguồn nước khắc nghiệt, lại có giá thu mua cao nên anh quyết định đóng lồng nuôi thử. Với 3 lồng nuôi cá chình có thể tích 10 m3 mỗi lồng, anh thả nuôi hơn 400 con cá chình giống kích cỡ 5 – 10 con/kg. Theo anh Thiện nếu nuôi tốt thì bình quân 1 năm cá đạt trọng lượng từ 1 – 1,5 kg/con. Cá được nuôi theo phương thức đánh tỉa thả bù, hàng năm thu hoạch những con đạt kích cỡ thương phẩm (từ 1,5 kg trở lên) đồng thời thả thêm cá giống để nuôi tiếp. Hiện nay, mỗi lồng nuôi cá chình của anh một năm cho thu hoạch từ 1 – 1,2 tạ cá, với giá bán hiện nay khoảng 500.000 đồng/kg thì mỗi năm từ 2 lồng nuôi cá chình đã mang lại thu nhập cho gia đình anh từ 100 – 150 triệu đồng. Bên cạnh 2 lồng nuôi cá chình anh còn thả nuôi thêm 3 lồng cá trắm cỏ hàng năm mang về cho gia đình từ 10 – 12 triệu đồng mỗi lồng với mục tiêu lấy ngắn nuôi dài và tận dụng nguồn rong cỏ sẵn có trên dòng sông Ô Giang.
Anh Thiện chia sẽ: Điểm “ưu việt” của nghề nuôi cá chình lồng là không phải quá lo lắng đến thời tiết. Thông thường, lồng nuôi cá được neo cố định vào hệ thống phao nổi bằng những sợi dây thừng lớn. Vào mùa nắng nóng, lồng được treo cố định. Khi mưa lũ, người nuôi có thể di chuyển lồng một cách dễ dàng vào gần bờ để tránh lũ. Anh Thiện vui vẻ cho biết: “Nhờ làm lồng chắc chắn và được di chuyển vào gần bờ nên những năm qua cho dù mưa lũ có lớn thế nào đi chăng nữa gia đình tôi cũng không bị thiệt hại gì cả”. Tuy nhiên, theo anh Thiện khó khăn lớn nhất hiện nay để phát triển nghề nuôi cá chình là nguồn giống. Hiện nguồn giống cá chình hoàn toàn phụ thuộc vào khai thác ngoài tự nhiên. Nếu không có kinh nghiệm sẽ không phân biệt được cá nào tốt, cá nào xấu. Chỉ sau khi thả nuôi từ 1 tháng trở lên cá mới bắt đầu chết hoặc chậm lớn. Còn đối với nuôi cá trắm cỏ lồng thì vào giai đoạn chuyển mùa cá thường bị chết do dịch bệnh.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, anh Nguyễn Khắc Mạnh – Cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Quảng Trị cho biết: Hiện nay chưa có cá chình giống được sinh sản nhân tạo mà hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên. Vì vậy, để mua được nguồn cá giống đảm bảo chất lượng bà con nên mua cá chình giống cỡ nhỏ (20 – 30 con/kg) đánh bắt theo hình thức cất rớ về ương nuôi lên. Tuy nhiên do cá giống cỡ nhỏ nên cần phải nuôi khoảng 2 năm cá mới đạt kích cỡ thương phẩm. Còn đối với cá trắm cỏ bà con nên thả giống có kích cỡ lớn (từ 0,7 – 1 kg/con) để giảm thất thoát do dịch bệnh vừa thu hoạch được cá thương phẩm có kích thước lớn.
Được biết, hiện nay trên địa bàn xã Hải Tân có hàng chục hộ tham gia nuôi cá lồng trên sông với khoảng 30 lồng nuôi cá chình, xen kẽ với nuôi cá chình các hộ còn nuôi thêm gần 50 lồng cá trắm cỏ mục đích để lấy ngắn nuôi dài. Việc phát triển nuôi cá lồng đã giúp hàng chục hộ dân chuyên sống bằng nghề đánh bắt thủy sản trên sông thoát được cảnh nghèo khó, ổn định cuộc sống.
Ông Đào Văn Trẫm – Phó trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hải Lăng cho biết: Từ những thành công của các hộ nuôi cá lồng trên sông, trong thời gian tới Phòng Nông nghiệp sẽ tham mưu cho UBND huyện Hải Lăng có chính sách hỗ trợ để nhân rộng mô hình nuôi cá lồng ở các xã có hệ thống sông và hồ chứa nước. Đồng thời tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi trực tiếp cho các hộ nhất là các hộ thuộc diện nghèo và cận nghèo để qua đó giúp người nghèo có điều kiện phát triển kinh tế.